Không ai nói với ai một lời nào. Cũng không rõ các bạn của tôi đang nghĩ gì, nhưng lúc ấy, trong chuyến cứu trợ non nửa tháng sau đỉnh lũ ở các xã bắc vùng đầm phá Tam Giang, tôi cứ hình dung cách mà người dân lục đục kê dọn đồ đạc trong đêm. Mực nước thì cứ như trêu ngươi, chỉ thấy lên mà không thấy xuống. Tôi mường tượng những cơn mưa dai dẳng không ngớt đổ xuống trên mái nhà. Nước dềnh lên trong khoảng sân, rồi nghênh ngang vào nhà và lì lợm dâng lên ở đó.

Phải gần đến 90 ngày kể từ trung tuần tháng 9, khi cơn bão số 10 đổ bộ cho đến những ngày cuối cùng của năm dương vừa cũ, Huế gần như mưa suốt. Nhưng mưa không chỉ “thúi trời, thúi đất”, mưa còn đem theo những dư chấn đau đớn từ lở núi, sạt đường và có những người đi mãi không về. Màu đất trên triền núi phía tây Phong Điền giờ vẫn còn rưng rưng đỏ. Sông Rào Trăng vẫn thắc thỏm những tìm kiếm và chờ đợi. Đã có những ngày thật dài, những người lính trầm mình đổ mồ hôi trong mưa lạnh để tìm kiếm những người đang còn nằm lại đâu đó trong vùng sông, vùng đồi. Những ánh mắt khắc khoải, chờ đợi của những người cha, người mẹ, người anh, người chị… sẽ còn dài và sâu hơn vệt lũ.

Vẫn có thể trông rõ những vệt cỏ vàng chưa lại sức trên đường ngang qua các thửa ruộng ở Phong Hòa, Phong Bình, Phong Chương, Quảng Thọ... Do lũ và vì lũ, màu nước của sông Bồ đến bây giờ vẫn chưa xanh trở lại. Những cây cọc bằng bê tông trên vùng rau Tây Thành, Hóa Châu còn đậm ngấn đỉnh lũ. Giữa màu đất bợt bạc vì ngâm lâu trong nước, lúc ấy chỉ còn loi ngoi vài bụi lá lốt. Tôi nhớ cách mà những người bạn của mình so vai khi người dân kể về việc di chuyển bằng cách định hình con đường trong tiềm thức, để mang đồ tiếp tế cho bà con trên con thuyền giữa mênh mông.

Những ngôi nhà trong làng đến giờ vẫn còn dấu lũ trên vách tường. Cho dù nỗi lo đã rời đi theo con nước, sự trống trải chắc còn ở lại khi vắng thiếu những món đồ hay vài gương mặt quen thuộc. Hôm ấy không có trà, cũng chưa có chè xanh, người đàn ông đặt chiếc tách mới trên lòng tay nói về những ai đó vừa gói ghém chút hành trang cho một chuyến đi, không phải để tránh lũ mà để tìm kiếm một khoản tiền rồi trở về sau vụ tết, đủ để tôn tạo lại sân vườn, mảnh ruộng; nói về những dự định của mình trong ngôi nhà chưa hết ẩm ướt. Câu chuyện rời, đau đáu, nhưng vẫn có thể đọc được sự chắc chắn về những điều rồi sẽ lại được bắt đầu.

Trên bức tường của UBND xã Quảng Thành (Quảng Điền), có một vết lõm sâu ở phía phải, lên độ chừng 7-8 bậc cầu thang. Đó là nơi mũi thuyền thường đụng phải lúc tấp vào và nước lũ chao sóng khi cán bộ xã cấp tập đi đốc thúc, kiểm tra người dân đã lên được nơi an toàn chưa; hoặc là những chuyến đi tiếp tế nước uống, lương thực cho bà con ở vùng ngập sâu. Tôi nhìn tỉnh lộ chạy phía trước, áng chừng phải gần cả 2m nếu tính từ mặt đường lên chỗ lõm ấy. Vết lõm kể cho chúng tôi về tần suất, sự hối hả, bận rộn của những chuyến đò để bằng mọi cách có thể, đảm bảo tốt nhất tính mạng và sự an toàn của người dân trong lũ. Vết lõm như một chứng nhân, im lặng kể về những ngày hối hả của trận lũ tháng 10 năm 2020. Kể về những đêm tối bất an khi nước từ đâu cứ lừ lừ vào vườn, vào bếp, vào nhà dân. Nhưng khác với trận đại hồng thủy năm 1999, người dân Huế những ngày lũ tháng 10 năm 2020 biết mình không đơn độc khi họ thường xuyên nhận được thông tin cảnh báo để biết đường mà đối diện và chạy lũ. Bà con ở vùng lũ cũng không đơn độc khi í ới gọi qua mặt nước, rồi chia nhau từng gói mì tôm, chai Aquafina, Lavie hay Bạch Mã vừa được tiếp ứng, dặn nhau dè chừng con nước.

Đâu chỉ ở Quảng Thành, nhiều trụ sở ủy ban, trường học khác ở Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Hương Thủy… có lẽ cũng tồn tại những vết lõm như cách đánh dấu mức lũ như vậy. Có những ngày thật thương khi người dân ở hai bên cầu Ca Cút phải dò dẫm từng bước để đi qua mặt cầu bong tróc và đứt gãy. Có những bờ kè ven biển mạn Thuận An, Phú Thuận xói lở cả đoạn dài vì sóng đánh…

Đôi mắt nhiều đêm thiếu ngủ của người cán bộ xã trò chuyện với chúng tôi trong chuyến đi hôm ấy, rồi cũng sẽ dịu lại. Những con đường rồi sẽ được san ủi bằng phẳng để tiếp tục kết nối những hành trình. Những lo âu rồi cũng sẽ vơi dần khi bao thứ cần phải sắp xếp cho cuộc sống mỗi ngày. Tôi đã nghĩ về những điều đó, khi trông thấy những đồng rau đã xanh đến không còn thấy cái bợt bạc của màu đất. Lũ lục bình ngang ngược đã được dọn dẹp, tiếng lao xao đã lại làm vui các sân trường và các phiên chợ quê đã lại líu ríu rau ớt cá tôm trong những rổ tre mộc mạc.

Đôi tay vợ một người đã ra đi ở Tiểu khu 67 trong lần gặp lại đã ấm. Không còn sự thất thần nữa, dù trong mắt chị là cả một mênh mông. Không ai dừng chân mãi ở biến cố, và mẹ con chị không chỉ dựa vào nhau mà còn có nhiều chỗ dựa khác để gầy dựng lại cuộc sống của mình. Thiên tai lấy mất của chị và những người vợ, người mẹ như chị một trụ cột, nhưng cuộc đời, dù không thể nào lấp đầy khoảng trống ấy, vẫn mang đến những chia sẻ ấm áp.

Có lẽ mang mệnh thủy, nhưng mưa gió, bão lũ trong những tháng cuối năm 2020 cũng đi qua. Vườn chưa thắm nhưng cây đã xanh trở lại. Mưa nắng ngày thường rồi sẽ làm phôi pha dấu lũ trên tất cả những nơi và những gì mà nó để lại.

Ai rồi cũng có thể có một vết lũ trong đời, dù lũ có thể đến bằng cách này, hay cách khác. Tôi nghĩ về những sự bắt đầu lại và tiếp nối, trong một hành trình bất tận và ước mong, năm mới sẽ an bình…

Bài: Ngân Hạnh - Ảnh: Nguyễn Văn