Sông Salzach chảy qua thành phố Salzburg

Dải bình nguyên dọc đường không còn ngút ngàn màu xanh cỏ cây với những ngôi nhà gỗ nép mình bên những góc đường làng tĩnh lặng đẹp mê hồn trong các trang mạng lữ hành. Từng mảng tuyết lấp lánh bên các sườn núi. Trên các ngọn đồi, cây cối khẳng khiu trơ cành trụi lá in lên nền trời tro xám. Co ro trong hai lớp áo ấm, tôi lang thang dọc bờ sông buôn buốt gió. Con sông Salzach thơ mộng “như chạy vội từ rặng núi xuống” chia đôi Salzburg thành hai nửa: Khu phố thời Trung cổ là Di sản thế giới từ năm 1997 và khu phố mới đường sá thoáng rộng được xây dựng từ thế kỷ 19. Sông dài chừng 140 dặm, là phụ lưu hữu ngạn của sông Inn nằm giữa Đức và Áo, điểm cuối đổ ra dòng sông Danube lừng danh. Nước sông xanh lững lờ soi bóng những cung điện, lâu đài kỳ vỹ, những ngôi giáo đường nguy nga cổ kính hai bên bờ, đã hằng bao thế kỷ trôi qua mà cảnh vật vẫn như ngày nào; tất cả còn nguyên nét hoài cổ, nhịp sống tĩnh lặng chậm rãi chưa bao giờ bị bào mòn hay phá lối bởi những trào sóng công nghiệp hiện đại…, như có lữ khách từng ví “một thiên đường đang say ngủ”.

Trước công nguyên, vùng đất này thuộc thánh chế La Mã, đến thế kỷ thứ 7 mới tạo dựng thành phố, để rồi dần phát triển thành một tiểu vương công giáo. Qua nhiều thế kỷ, các vị tổng giám mục cho xây cất thêm nhiều dòng tu và chủng viện, những dinh thự bề thế với giấc mơ biến Salzburg phồn thịnh thành một “thành Roma xinh đẹp của phương Bắc”. Salzburg thường được xưng tụng bằng những cái tên rất gợi, “thành phố của trăm giáo đường”, “thành phố âm nhạc Mozart”, “thiên đường ngủ yên”…

Tôi bất giác nhớ về Huế của tôi, cũng có con sông chảy từ núi xuống chia thành phố thành hai nửa: nửa bờ bắc hoàng cung thành quách cổ kính rêu phong cũng là di sản nhân loại, nửa bờ nam phố mới thênh thang, những ngọn đồi phía Tây trầm mặc mờ xa…, và nhất là Huế cũng có nhịp sống bình lặng.

Và, tôi thích gọi Huế là “thành phố hoàng mai”, hay “thành phố thơm bên dòng sông thơm”, ... đại loại vậy. Và nữa, Huế của tôi có được như Salzburg, luôn được đánh giá là một trong những thành phố bảo tồn giá trị cổ tốt nhất châu Âu? Còn giờ đây bên bờ sông Salzach thơ mộng, trong cảm nhận của riêng tôi, Salzburg không mấy khác những thành phố châu Âu cổ kính mà tôi từng đi qua, cũng những ngôi giáo đường nguy nga, những quảng trường rộng lớn trước tòa thị chính, những con đường lát đá cổ mòn nhẵn, con sông chảy trong lòng thành phố… Ly cà phê nhâm nhi ở Mozartplatz cũng có thể được tận hưởng nơi gócquảng trường lớn ở Bruxelles, Wien, Prague hay Venice, Bordeaux… trong những chiều đông se buốt. Nhưng rõ ràng, hồn vía của mỗi thành phố mỗi khác. Là tôi cảm nhận thế. Hồn vía của Salzburg ở đâu?

Hồn vía khác biệt của Salzburg chính là pháo đài cổ Hohensalzburg nằm ở phía đông núi Mönchsberg, cách khu phố cổ Salzburg một quãng ngắn đi bộ. Được xây dựng từ năm 1077, ban đầu chỉ có một tòa nhà trung tâm, tường bao bằng gỗ, sau đó dần được bổ sung với các dãy tường đá, tòa tháp và pháo đài. Giờ đây, pháo đài là một tổ hợp thành lũy sừng sững uy phong trên ngọn đồi cao 560 mét, được xem như pháo đài thời Trung cổ lớn nhất châu Âu hiện nay.

Đi lên pháo đài là một đường ray sắt gần như dựng đứng trông thật kỳ vỹ ngày trước vốn được xây dựng để vận chuyển thực phẩm, vật liệu… nay dùng để chuyên chở du khách.Trong lịch sử gần ngàn năm pháo đài này đã chống đỡ bao cuộc bao vây tấn công từ ngoại xâm cho đến các cuộc nổi loạn của dân chúng, bao gồm cả cuộc tấn công như vũ bão của quân đội hoàng đế Napoléon.

Đứng trên pháo đài nhìn ra toàn cảnh Salzburg, tự dưng tôi nhớ đến chiến địa Waterloo rộng lớn gần thủ đô Bruxelles của Bỉ với ngọn đồi sư tử nổi tiếng, một chứng tích buồn liên quan đến vị hoàng đế Pháp. Nơi đây vào năm 1815 đã diễn ra trận chiến đấu cuối cùng của quân Pháp với Liên minh thứ bảy dưới sự chỉ huy của viên tướng người Anh Wellinton, và Napoléon đã “thua một trận đến khó tin” để rồi buộc phải thoái vị và bị lưu đày. Chao ôi, những đội quân trường chinh châu Âu long trời lở đất, những chiến thắng lẫy lừng, những chiến bại thảm hại, giờ đây bình lặng dưới trời xanh mây trắng. Giờ đây trong lòng pháo đài du khách có thể tham quan khu bảo tàng, khu triển lãm mỹ thuật, những gian phòng quý tộc lộng lẫy với những tác phẩm nghệ thuật chạm trổ điêu khắc tinh xảo, không gian hòa nhạc ngoài trời, và cả khu di tích phòng tra tấn thời kỳ pháo đài còn được sử dụng như một nhà ngục.

Một điều khác biệt nữa, hồn vía riêng có của Salzburg, tất nhiên rồi, đây là thành phố khai sinh thần đồng âm nhạc Wolfgang Amadeus Mozart, năm 1756. Mozart đã sống ở đây trong 25 năm đầu của một cuộc đời “ngắn chẳng tày gan”. Ngôi nhà xưa, nay là bảo tàng Mozart trong khu phố cổ, nổi bật với xung quanh vì mặt trước sơn tuyền một màu vàng tươi và dòng chữ Mozarts Geburtshau. 25 năm ở Salzburg là thời kỳ anh hoa phát tiết, soạn nhạc và lưu diễn, trong khi 10 năm cuối đời ở thủ đô Viên chứng kiến những vật lộn đau đớn trong bệnh tật và nghèo khó đến khó tin của một thiên tài, dù phần lớn những sáng tác trong khoảng thời gian này đã làm cho Mozart trở thành bất tử. Bản nhạc “Cầu hồn” (Requiem) dang dở đã rút kiệt chút sức tàn của Mozart; ông trút hơi thở cuối cùng trong đói rét theo nghĩa đen, không kịp có vợ bên cạnh, và những người hàng xóm phải quyên góp từng chút một để lo cho đám tang. Vì ngoài trời bão bùng mưa tuyết, ông được chôn vội ở một nghĩa trang nhỏvùng ngoại ô, đến sau này vẫn không tìm ra dấu tích. Ngôi mộ của Mozart ở “khu phố âm nhạc” nơi nghĩa trang Zentralfriedhof lừng danh chỉ là ngôi mộ gió.

Salzburg luôn chứng tỏ niềm tự hào vì đã có Mozart. Mozart hiện hữu khắp nơi, từ ngôi nhà thờ nơi cậu bé thần đồng được rửa tội cho đến quảng trường Mozartplatz, từ những chương trình hòa nhạc quy mô cho đến những món quà lưu niệm thậm chí thanh chocolate cũng in hình Mozart. Bản nhạc “Cầu hồn” dang dở nhưng Salzburg luôn giữ mãi hồn vía Mozart mang mang trong cõi.

Để khi rời đi, tôi biết mình đã phải lòng một thành phố có hồn vía.

Bài, ảnh: Phạm Nguyên Tường