Tham gia giải VnExpress Marathon Huế 2020 còn là dịp VĐV trải nghiệm, thăm thú những danh thắng trên đất Cố đô

“Biết mình, biết người”

Tổng kết thành tích hằng năm, nếu nhìn vào tổng số huy chương đạt được, thể thao Huế xem ra cũng khá hoành tráng với hàng trăm huy chương các loại ở nhiều đấu trường trong nước, khu vực, châu lục và cả thế giới. Nhưng đứng ở góc độ chuyên môn, rất nhiều HCV giành được trong số này đa phần rơi vào các giải trẻ, các giải “ao làng”.

Muốn đạt thành tích cao ở giải vô địch quốc gia, ở những sân chơi đẳng cấp, VĐV phải đi lên từng bước một. Và, giải trẻ, giải “ao làng” chính là bước khởi đầu. Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường hợp VĐV giành thành tích cao ở sân chơi trẻ, nhưng sau thời gian dài vẫn chưa cho thấy có sự nổi bật ở các giải đấu cao hơn.

Giải bài toán này, thông qua Đề án phát triển Thể thao thành tích cao (TTTTC) tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2020 – 2025, lộ trình đến năm 2030, những người làm thể thao tỉnh nhà đề ra những kế hoạch sát sườn khi phân nhóm các môn trọng điểm để có hướng đầu tư phù hợp, hiệu quả hơn và đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất nhằm đăng cai các giải đấu quy mô quốc tế và đã được HĐND tỉnh phê duyệt.

Theo kế hoạch, các môn trọng điểm được chia thành 2 nhóm, nhóm 1 gồm: vật, bơi – lặn, cờ vua, điền kinh, Karatedo và Taekwondo. Nhóm 2 gồm: đá cầu, cầu lông, Judo, bắn cung, bóng đá trẻ, cờ tướng và đầu tư phát triển môn Vovinam.

Sự phân định này sẽ giúp việc xác định một số bộ môn, VĐV có khả năng tranh chấp huy chương ở các giải vô địch quốc gia, khu vực, châu lục hay thế giới tách bạch hơn, cụ thể hơn, từ đó, đưa ra phương án đầu tư tương xứng, như: tăng biên chế VĐV; ưu tiên VĐV tham gia các giải quốc tế, đi đào tạo ở nước ngoài; mời chuyên gia nước ngoài, HLV giỏi về huấn luyện… Và, có thể thấy, đây là động thái “biết mình, biết người” cùng sự cầu tiến, cầu thị cao của những người làm thể thao trong lộ trình đưa thể thao Cố đô nói chung, TTTTC nói riêng nâng tầm hơn, bay cao hơn, xa hơn.

Ngoài phân nhóm các môn trọng điểm, trên nền tảng cơ sở vật chất sẵn có, thể thao Huế sẽ đầu tư tu sửa, nâng cấp cơ sở vật chất, lắp đặt thêm hệ thống điều hòa, chiếu sáng, thiết bị tính giờ điện tử, thảm thi đấu đạt chuẩn… ở nhà thi đấu, bể bơi… để hướng đến đăng cai các giải thể thao quy mô quốc tế; đồng thời, xây thêm nhà tập luyện riêng biệt và trung tâm phục hồi chức năng VĐV nhằm hỗ trợ VĐV trong tiến trình phục hồi, giúp VĐV phát huy triệt để tiềm năng của mình.

“Đó cũng là nơi để VĐV bạn “nhìn vào” và yên tâm hơn mỗi khi đến Huế tranh tài”, ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao nói.

 “1 người thi, 3 người theo”

Nhìn qua, những hoạch định trên là dành riêng cho thể thao trong tập luyện, thi đấu để hướng đến những thành tích cao hơn ở sân chơi khu vực, châu lục và thế giới. Nhưng đi sâu, đây còn là câu chuyện đường dài, mà ở đó là mục tiêu lan tỏa mạnh hơn hình ảnh một Huế đáng sống đến bạn bè cả nước và thế giới đi kèm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thông qua kích cầu du lịch.

Hiện, xu hướng du lịch kết hợp thể thao không còn xa lạ. Mô hình này đem lại nguồn thu khá lớn cho ngành du lịch của nhiều nước trên thế giới và rất hiệu quả trong việc quảng bá hình ảnh của mỗi quốc gia, địa phương.

Ở Huế, tuy chưa chính thức, nhưng những mô hình tương tự đã xuất hiện 2-3 năm gần đây, như: giải đua xe đạp đường trường quốc tế Thừa Thiên Huế mở rộng 2018, Couper de Hue 2019, đua SUP, Huế Half Marathon, Full Marathon… với những hành trình đầy ấn tượng khi VĐV liên tiếp ngang qua những danh thắng, cảnh làng sắc quê thanh bình, núi non hùng vĩ, sông đầm mênh mông... riêng có của Huế. Và những trải nghiệm với đầy đủ cung bậc cảm xúc này chính là sức hút để nhớ đến Huế nhiều hơn, sâu hơn, cùng nỗi mong được quay trở lại Huế không chỉ một lần.

Cùng với nền tảng sẵn có về văn hóa, di sản, ẩm thực… kết hợp với hệ thống cơ sở vật chất giành cho tập luyện, thi đấu thể thao được nâng cấp, sẽ giúp các nhà tổ chức những “tour” du lịch thể thao không phải đầu tư quá nhiều. “Ngoài nhà thi đấu, trung tâm phục hồi chức năng, bể bơi…, VĐV/du khách muốn bơi, đua thuyền thì có sông, biển; đua xe đạp đã có những cung đường không thua gì Tour de France như Bạch Mã, A Lưới…; chạy bộ lại càng tuyệt hơn khi Huế sở hữu những con đường được trải thảm và rợp bóng cây xanh”, ông Phan Thanh Hải chia sẻ.

Nhưng những điều này liên quan gì đến kích cầu du lịch, phát triển kinh tế?

Nếu như sân chơi thể thao chuyên nghiệp, VĐV thường đi theo đội, theo đoàn, thì với các “sân chơi” thể thao quy mô quốc tế mà VĐV chuyên, bán chuyên và nghiệp dư đều có thể tham gia lại theo kiểu “1 người thi, 3 người đi theo”. Gần đây nhất là giải VnExpress Marathon Huế 2020 diễn ra vào 26 - 27/12, trong số hơn 5.000 “runner” đa phần là VĐV các tỉnh thành bạn và quốc tế, khi đến Huế tham gia, đằng sau họ là con, là vợ đi theo cổ vũ cũng như tranh thủ thăm thú miền đất nổi tiếng xinh đẹp, hiền hòa.

Và đó chính là “lý do” không thể thuyết phục hơn để các khách sạn, nhà hàng, các điểm vui chơi, mua sắm, ẩm thực… ở Huế luôn trong cảnh tấp nập trước, trong và sau những ngày diễn ra giải, cũng như khi tạm biệt, những cái hay, cái đẹp của vùng đất, con người xứ Huế sẽ được quảng bá, lan tỏa mạnh hơn.

Bài: Hàn Đăng - Ảnh: VnExpress