Chọn Vovina và sáo trúc để “khởi động” những môn học đầu tiên khi trở thành sinh viên, con gái tôi chừng như đã thoát khỏi những lo âu ban đầu và nhẹ nhõm thông tin đã qua môn. Chuyện trò những lần con về nhà, tôi biết chưa có gì để gọi là thích, dù “chúng không khó như con vẫn tưởng”.

Dẫu sao thì vẫn có những điều vừa được nhận diện, định hình khi bắt đầu, cho dù chẳng hề sớm so với lứa tuổi 19. Tôi nhận ra điều đó, khi nhìn con trò chuyện khá thú vị với chị gái về những thế võ, cách lấy hơi khi thổi sáo, cả những buổi tập “khó nhằn” mà “vui hết sức” với bạn bè. Ít ra thì, đó là điều mà tôi chưa bao giờ được học hay tự “trang bị” trong suốt quãng thanh xuân của mình. Nhưng còn có một điều thật khác, là cô bé của tôi đã không còn lướt qua các thông tin về văn hóa Huế, để ý tìm kiếm thông tin kỹ hơn về các điểm di tích Huế. “Nếu bạn bè hỏi về nơi gia đình mình sống mà con không biết, chắc chắn là điều không chấp nhận được nữa đó mẹ…!”.

Tôi cũng nhận ra những lỗ hổng của mình, không phải chỉ ở các kiến thức về âm nhạc, hội họa mà ngay ở việc khi con bắt đầu lớn, đã không có đủ nhận thức để hướng dẫn và trang bị những kiến thức về rất nhiều thứ xung quanh. Những buổi dạo chơi, tham quan các thắng cảnh thiên nhiên hay các điểm di tích của Huế thật sự đã không được chúng tôi chú trọng. Đổ lỗi cho công việc và bao thứ lo toan của một thời kỳ bao giờ cũng là điều quá dễ. Điều cơ bản là ngay trong tiềm thức, chừng như chúng tôi vẫn chưa thật sự chú trọng điều đó.

Chữ “chúng tôi”- chắc chắn là bao gồm cả một thế hệ!

Thật sự là ngay bây giờ, nếu có thể làm một phép thử, tôi vẫn tin chắc rằng, không phải ai đang cư trú tại phường Phường Đúc cũng có thể biết được, một cách rành rọt về việc nghề đúc đồng ở đó đã ra đời như thế nào? Phát triển ra sao và vì sao nó lại là nghề truyền thống đã từng rất thịnh vượng? Có mấy ai biết được công cụ của nghề đúc bao gồm những gì và hiện nay, nghề đúc đồng này đang được bảo tồn như thế nào?

Điều hay là, những điều này đã có trong khung chương trình môn học giáo dục địa phương, dành cho học sinh tiểu học trên địa bàn, được UBND tỉnh ban hành vào đầu tháng 8 năm 2020. Có rất nhiều vấn đề thuộc về lịch sử-văn hóa; địa lý-kinh tế-môi trường-hướng nghiệp và chính trị-xã hội được đưa vào chương trình. Ở đó, các bạn nhỏ có thể biết và được chơi các trò chơi dân gian, học hát dân ca, tìm hiểu lịch sử, lễ hội và danh nhân địa phương; tìm hiểu phong tục tập quán cũng như được tìm hiểu về truyền thống giáo dục, khoa cử ở địa phương. Được trải nghiệm các không gian, làng nghề, cảnh quan thiên nhiên, môi trường cũng như được tìm hiểu các kiến thức về địa lý, dân cư ở địa phương và một số hoạt động khác nữa.

Nếu trở lại hai chữ thế hệ, điều mà tôi chắc chắn đó sẽ là những nhận hiểu tốt hơn so với thế hệ của mình, không chỉ với những gì thuộc về Thừa Thiên Huế. Cho dù tất cả đều mới được bắt đầu một cách quy củ và bài bản hơn nhưng tôi tin, những gì đã được trang bị ở những năm tháng đầu tiên của tuổi học trò sẽ như một giá trị cốt lõi, “dẫn đường” để các bạn nhỏ yêu thương, trân trọng quê hương, đất nước, cũng như sẽ biết cách mở lối để mở mang thêm kiến thức của mình trên rất nhiều phương diện trong cuộc sống rộng lớn và mênh mông này.

Minh Hà