Nghề làm bánh khô - sự tiếp nối cho hạt nếp nức tiếng một thời được người dân Phù Bài lưu giữ
Hoài niệm trăm năm
Dòng chảy của thời gian khiến nhiều thứ mất đi nhưng gốc tích hay những phong tục, lễ nghi vẫn còn hiện hữu trong đời sống dân làng Phù Bài. Nhắc điều này, ông Lê Văn Hiếu (làng Phù Bài) hướng ánh mắt về phía những cánh đồng. Ở xứ đồng này ngày trước, ruộng lúa nếp xanh tươi, nổi tiếng cả một vùng với hạt nếp dẻo thơm. Tết về, từ hạt nếp ấy, những mâm cỗ, nồi bánh chưng, bánh tét tỏa hương, tạo nên phong vị riêng cho vùng quê bên dòng Cừ Giang.
Làm ra hạt gạo đã khó, trồng được hạt nếp ở làng Phù Bài càng khó hơn. Từ khi xuống giống đến lúc thu hoạch mất hơn nửa năm mới có được hạt nếp trặm thuôn tròn, to bằng 3 hạt gạo. “Trước giải phóng, thương hiệu nếp Phù Bài nức tiếng. Nếp thường được nấu xôi hay gói bánh, hương thơm lan tỏa cả xóm”, ông Hiếu nói.
Chẳng ai hay hạt nếp “bén duyên” trên đất Phù Bài từ lúc nào, mỗi người gọi nó bằng một tên khác nhau nhưng đều quy về hướng loại nếp này có thể theo chân bậc tiền nhân khai canh, lập làng vùng này. Cũng giống nếp ấy, nếu được gieo trồng ở vùng đất khác sẽ không thơm ngon bằng trồng ở vùng đất này. “Xét về chất lượng, nếp Phù Bài ngang hàng với nếp An Truyền. Nếp An Truyền thường dùng làm bánh, gần Kinh thành nên được khuếch trương, từ đó có tiếng tăm hơn, còn nếp Phù Bài chỉ âm thầm, nhưng thơm lừng cả vùng quê. Sau khi thu hoạch, lúa nếp được người dân vuốt bằng tay để lựa chọn ra những hạt săn chắc nhất…”, nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh tiết lộ.
Trong đời sống người dân Phù Bài xưa, nếp dùng nấu xôi dâng cúng thần linh; nấu bánh chưng, bánh tét vào dịp lễ, tết. Trong tế làng hay ngày chạp của họ tộc, bao giờ nếp cũng là lễ vật chủ yếu. Đó chính là khởi nguồn cho những phong tục, lễ nghi tốt đẹp tồn tại từ ngàn đời.
Từ hạt nếp dẻo thơm, người dân làng Phù Bài làm nên loại đặc sản truyền thống thường được sử dụng trong những ngày tết là bánh khô (bánh nổ). Đây là loại bánh làm bằng hạt nếp rang nổ, tẩm với nước đường, đậu phộng và gừng, đóng vào cái khuôn hình vuông, nén chặt tạo thành đòn bánh. Ngày nay, những phương tiện máy móc đã thay thế sức vóc con người nhưng xưa kia, rang được nổ từ nếp là cả một quá trình. Lúa nếp được rang nguyên vỏ, khi nếp bung ra phải sàng lọc, tách vỏ trấu rồi lấy những hạt nổ to bằng đầu ngón tay út để làm bánh. Bánh khô Phù Bài vì thế thơm ngon, có tiếng gần xa.
Thời thế đổi khác, hạt nếp trứ danh xưa kia đã không còn nhưng nghề làm bánh khô ở làng Phù Bài vẫn được lưu giữ, như để tiếp nối một loại sản vật bây giờ chỉ còn trong hoài niệm. “Cứ tết đến, gia đình tôi lại làm bánh khô phục vụ bà con chòm xóm, tặng cho những người thân thuộc. Dẫu thu nhập không đáng là bao, nhưng giữ được hương vị ấy trên mâm cúng tổ tiên ngày đầu năm như là cách chúng tôi nhớ về nguồn cội, nhớ về loại sản vật nức tiếng một thời”, ông Trần Đình Long (thôn 8B, xã Thủy Phù) chia sẻ.
Được vua tin
Vùng đất nằm ở phía nam đô thành Phú Xuân, trên trục đường thiên lý đến bây giờ vẫn còn những dấu tích xưa chẳng nơi nào có được. Người làng Phù Bài tự hào và xem đó là truyền thống phải trao truyền qua nhiều thế hệ. Họ coi trọng hương ước, trưởng cả các họ tổ lập làng gồm Ngô, Lê, Nguyễn để thể hiện sự đánh giá với công lao của những người mở mang, đất đai, nghề nghiệp cho cả hàng vạn con người. “Lưu giữ phong tục, lễ nghi không phải là đơn thuần nhớ những điều xưa cũ mà là lưu giữ một quá khứ vàng son. Từ đó, các thế hệ dân làng sẽ nỗ lực hơn trong cuộc sống”, ông Lê Cẩn (thôn 1A, xã Thủy Phù) nói.
Ngược dòng lịch sử, làng Phù Bài là nơi nhà Nguyễn ban nhiều đặc ân, giao nhiều nhiệm vụ. Không phải làng thuần nông, xứ quê ấy có cả công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Sử làng có ghi, vào thời chúa Nguyễn, xuất phát từ nguồn quặng sắt dồi dào, ở làng Phù Bài đã hình thành nên nghề luyện sắt. Hàng năm, dân làng phải tiến cung 2.000 thỏi sắt theo đúng kích cỡ quy định. Nhiệm vụ ấy không chỉ đáp ứng nhu cầu hoàng cung mà còn phục vụ trong dân gian. Ngoài luyện sắt, dân Phù Bài còn có một ngành nghề thủ công truyền thống, đó là đóng khớp ngựa và đồ dùng trang bị ở chốn cung đình.
Cùng với Thủy Ba (Vĩnh Linh, Quảng Trị), làng Phù Bài là ngôi làng duy nhất ở Thừa Thiên Huế có lính Vọc vệ thành, vào hoàng cung bằng cửa săn bắn. Những người lính này chuyên săn bắt con vật về tế tự, đồng thời, săn hổ trừ hại cho dân. “Rất hiếm ngôi làng nào như Phù Bài được nhà Nguyễn tin cậy giao cho nhiều nhiệm vụ quan trọng. Vùng đất ấy hội đủ nhiều điều kiện để vua tin rồi ban nhiều đặc ân. Dấu vết ở làng Phù Bài bây giờ vẫn còn lưu giữ những điều ấy”, nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh chia sẻ.
Người Phù Bài bây giờ không thể quên chuyện con lươn vàng, lươn trắng và những sản vật sông nước. Đồng ruộng hơn 2.000 mẫu có nhiều loại thủy sản đặc biệt đến nỗi nhà vua phải cấp “kinh phí” giao cho người dân Phù Bài mua sản vật hàng năm để tiến cung. “Ngày trước, nông nghiệp ở làng Phù Bài không chỉ có nếp thơm nức tiếng mà còn cả thủy sản đặc trưng không nơi nào có được. Trước mùa cấy lúa, dân làng làm nghề đánh bắt thủy sản, bởi vậy mà nhà Nguyễn hàng năm tin tưởng cấp tiền giao con dân ở đây mua các loại thủy sản để tiến cung”, ông Vinh nói.
Bài, ảnh: Lê Thọ