Tình trạng các nhà máy công nghiệp xả nước thải độc hại ra môi trường, đang từng ngày “bức tử” các dòng sông rộ lên nhiều trong thời gian qua. Cùng với đó, nhiều công trình xây dựng làm thay đổi dòng chảy hoặc khai thác cát sạn quá mức; cũng như các hành vi xả nước thải sinh hoạt, rác, xác động vật... trực tiếp xuống dòng sông của một bộ phận không nhỏ người dân đã góp phần làm cho các dòng sông bị ô nhiễm.

Dòng sông Bồ nói riêng và nhiều sông khác trên địa bàn Thừa Thiên Huế nói chung một thời, ngoài cung cấp nước tưới cho ruộng vườn, còn là nguồn nước sinh hoạt, tắm mát cho bao thế hệ. Bình thường, nước luôn trong xanh; ngày nắng thu hút rất đông người dân ra sông tắm. Bây giờ, chẳng ai dám tắm hay gánh nước về nhà để sử dụng, bởi màu nước 4 mùa cứ đục đục khó chịu.
Ô nhiễm dòng sông nghiêm trọng nhất thời gian gần đây trên địa bàn Thừa Thiên Huế có thể kể đến là sông Phù Bài (Hương Thủy). Đây là con sông cung cấp nguồn nước cho những cánh đồng xã Thủy Phù và nhiều địa phương trong vùng. Năm năm trở lại đây, dòng sông này nước trở đục ngầu, bốc mùi hôi thối, cá không sống nổi; đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân trong lưu vực gặp nhiều khó khăn... Nguyên nhân được ngành chức năng đưa ra là do đập Cam Thu ở đầu nguồn vận hành không đảm bảo; song, người dân thì cho rằng, do chất thải chưa qua xử lý của một số nhà máy công nghiệp gần bên sông(!)
Ngày 26 tháng 11 vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 71/2014/QĐ-UBND về Quy định quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xã nước thải vào nguồn nước trên địa bàn tỉnh. Theo đó, chỉ cho phép các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ xã nước thải không vượt quá 5m3/ngày đêm và không chứa hóa chất độc hại, chất phóng xạ... ra môi trường. Các trường hợp ngược lại đều bị nghiêm cấm. Đây được coi là “cái gậy” để ngành tài nguyên môi trường, chính quyền các địa phương có cơ sở để phát hiện, xử lý những trường hợp vi phạm, từng bước cải thiện môi trường sinh thái; góp phần bảo vệ, phục hồi và phát huy giá trị các dòng sông trên địa bàn.
Đặng Thành