Đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên Đán, thời gian qua các doanh nghiệp (DN) sản ​xuất ngành công nghiệp thực phẩm đã có kế hoạch sản xuất và hệ thống các nhà phân phối đã chuẩn bị dự trữ một lượng hàng hóa lớn. Đồng thời các DN cũng đẩy mạnh các chương trình khuyến mại và truyền thông để người tiêu dùng biết và mua sắm.

Bên cạnh đó, các DN cũng có phương án vừa đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh vừa đáp ứng yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Nguồn cung hàng hóa dồi dào và được phân phối tại các kênh siêu thị, cửa hàng, chợ truyền thống và kênh thương mại điện tử với nhiều chủng loại sản phẩm thực phẩm và đồ uống phong phú, giá cả ổn định.

Ngành công nghiệp thực phẩm đã có kế hoạch sản xuất và hệ thống các nhà phân phối đã chuẩn bị dự trữ một lượng hàng hóa lớn cho dịp Tết.

Đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, đến thời điểm hiện nay, hầu hết các DN hoạt động trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đều tạm dừng sản xuất để nghỉ tết, chỉ trừ một số DN trong ngành giấy, xi măng... vẫn duy trì sản xuất một sản lượng nhất định do đặc thù dây chuyền sản xuất phải vận hành liên tục của các ngành này.

Một số DN trong các ngành khác như điện tử, ô tô... vẫn duy trì vận hành một bộ số phận/dây chuyền có tính chất sản xuất liên tục (như dây chuyền sơn tĩnh điện trong các doanh nghiệp ô tô...), tuy nhiên không sản xuất ra sản phẩm hoàn chỉnh mới.

Các mặt hàng như thép xây dựng được quản lý nhằm bình ổn giá. Bộ Công Thương sẽ có báo cáo trong trường hợp xảy ra đột biến về giá cũng như cung cầu của các mặt hàng bình ổn giá. Các DN khai thác và chế biến khoáng sản đều nghỉ trong dịp Tết.

Ngành dệt may và da giày do đặc thù là ngành thâm dụng lao động, các DN dệt may, da giày phải sử dụng nhiều lao động di cư từ khắp các tỉnh thành trên cả nước, do vậy các DN đều cho lao động nghỉ Tết theo lịch công bố của Chính phủ. Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, ngành vẫn đạt tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm ngoái.

Chỉ số sản xuất ngành dệt và chỉ số sản xuất trang phục lần lượt tăng 16,6% và 9,9% so với cùng kỳ năm 2020. Một số sản phẩm trong ngành có tăng 35,6% so với cùng kỳ; sản xuất vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo ước đạt 92,4 triệu m2, tăng 20,4% so với cùng kỳ; quần áo ước đạt 380,1 triệu cái, tăng 9,3%. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc tháng 1 ước đạt 2,6 tỷ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ.

Chỉ số sản xuất da và các sản phẩm liên quan tăng 20,8% so với cùng kỳ năm 2020; sản lượng giầy, dép da tháng 1 ước đạt 21,9 triệu đôi, tăng 3% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu giầy, dép các loại tháng 1 ước đạt 1,8 tỷ USD, tăng 26,4% so với cùng kỳ.

Các DN điện tử đang đón đầu xu hướng chuyển dịch sản xuất từ các tập đoàn điện tử đa quốc gia, mở ra cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu cho các DN điện tử trong nước. Tháng 1/2021, ngành điện tử tăng trưởng 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Các DN điện tử thực hiện nghỉ Tết theo lịch công bố của Chính phủ, không phải duy trì sản xuất liên tục trong dịp Tết.

Trừ một số DN do một số đặc thù công nghệ, các DN ngành hóa chất nhìn chung đã nghỉ Tết, các đại lý đã chủ động thu mua hàng hóa để cung ứng ra thị trường, đáp ứng đủ nhu cầu trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Riêng đối với mặt hàng phân bón, do chuẩn bị canh tác cho vụ Đông Xuân ngay trong những ngày đầu năm mới, nên hiện nay giá các loại phân bón đang có xu hướng gia tăng. Các nhà máy sản xuất DAP và Urê hoạt động bình thường. Tổng lượng phân bón đáp ứng đủ nhu cầu, không có hiện tượng thiếu hàng, tăng giá đột ngột.

Tình hình cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia đã có kế hoạch đảm bảo, không xảy ra sự cố về nguồn điện và lưới điện, nhất là trong thời gian trước, trong và sau Tết Tân Sửu 2021.

Theo VOV