Lúa gạo thực hiện được mục tiêu kép là an ninh lương thực và xuất khẩu

Nông nghiệp tăng trưởng trong dịch bệnh

Năm 2020, ngành Nông nghiệp đã đạt tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 2,65%. Đẩy mạnh sản xuất nhất là hai nhóm sản phẩm lớn là lương thực, thực phẩm, ngành nông nghiệp đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng của nhân dân và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Xuất khẩu nông, lâm - thủy sản mặc dù chịu tác động của dịch Covid-19 rất lớn dẫn đến đứt gãy nguồn cung cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu, tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản vẫn đạt 41,25 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Thiên tai khắc nghiệt nhưng đã hạn chế được mức thấp tỷ lệ thiệt hại, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện, đến cuối năm 2020, thu nhập của người nông dân vào khoảng 43 triệu đồng/người/năm.

Ông Hoàng Văn Tú, Đại diện Tổ chức Nông lương của Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam đánh giá, Việt Nam tăng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong khi các nước giảm, thậm chí có nước giảm 30%. Kết quả này là do Việt Nam kiểm soát tốt dịch Covid-19, ổn định được sản xuất. Việt Nam đã biết tận dụng và chiếm lĩnh tốt khoảng trống về thị trường.

Đặc biệt sản xuất lúa cả nước đã có một năm vượt nhiều khó khăn và là một trong những điểm sáng trong lĩnh vực trồng trọt. Lúa gạo được mùa, được giá toàn diện trên cả nước với sản lượng đạt 42,7 triệu tấn năm 2020, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước, chế biến, sử dụng làm thức ăn chăn nuôi và xuất khẩu. Lúa gạo thực hiện được mục tiêu kép là an ninh lương thực và xuất khẩu.

Với lĩnh vực thủy sản, đứng trước khó khăn về sản xuất và xuất khẩu do tác động của đại dịch Covid-19 đứt gãy chuỗi tiêu thụ, giá cá tra giảm… ngành thủy sản phải tìm kiếm thị trường mới, hướng phát triển thị trường nội địa với ngành hàng tôm và cá tra bên cạnh xuất khẩu

Bên cạnh đó, tranh thủ giá nhiên liệu giảm; các ưu đãi của Hiệp định CPTTP và EVFTA, mức thuế chống bán phá giá vào thị trường Hoa Kỳ giảm, kết quả công nhận tương đương về hệ thống quản lý, kiểm soát ATTP trên cá tra và các sản phẩm Silurifomes do Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ công bố để thúc đẩy phát triển thủy sản… Nhờ đó, tổng sản lượng thủy sản ước đạt trên 8,4 triệu tấn, tăng 1,9% so với năm 2019; trong đó khai thác ước đạt trên 3,84 triệu tấn, tăng 2,5%; nuôi trồng đạt khoảng 4,56 triệu tấn, tăng 1,4%.

Phát triển thị trường nội địa và tận dụng các FTA

Theo PGS.TS Đào Thế Anh - Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, ngành nông nghiệp có vai trò quan trọng trong đảm bảo lương thực, thực phẩm. Chúng ta vẫn duy trì sản xuất lúa gạo, đáp ứng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu một lượng lớn.

Khi dịch xảy ra, khu vực phi nông nghiệp, lao động ở thành phố mất việc làm trở về quê. Nhờ nông thôn và hậu phương nông nghiệp đã giải quyết được một phần thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp vẫn duy trì năng lực xuất khẩu.

Tuy nhiên PGS.TS Đào Thế Anh cho rằng, đây chỉ là hướng đi ngắn hạn, trong thời điểm bệnh dịch, để ổn định và phát triển sản xuất bền vững, cần phải xem xét dưới nhiều góc cạnh.

“Hiện nay, vấn đề biến đổi khí hậu đang đe dọa nhiều vùng, không chỉ sản xuất mà cả chuỗi giá trị. Chúng ta cần phải có giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu. Những vùng khó khăn, miền núi đang chịu tác động lớn từ biến đổi khí hậu, đặt ra thách thức về đảm bảo an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng. Đối với vùng sản xuất hàng hóa cần sản xuất theo tiêu chuẩn, bởi, mở cửa thị trường thì dễ nhưng để đưa được hàng vào thì không đơn giản do năng lực của các hộ nông dân, hợp tác xã còn yếu” - PGS.TS Đào Thế Anh nói.

Vì thế, để tăng cường năng lực cho các hộ, hợp tác xã thông qua các lớp đào tạo, tập huấn; rồi ứng dụng công nghệ thông tin vào trong sản xuất, kinh doanh để họ tham gia vào chuỗi giá trị. Tận dụng cơ hội của các FTA thế hệ mới phải bằng những hành động cụ thể đưa đến những sản phẩm chất lượng, theo quy trình sản xuất và đi vào chế biến sâu, PGS.TS Đào Thế Anh cho biết thêm.

Trong khó khăn, bệnh dịch, nông nghiệp vẫn tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, mục tiêu trở thành một cường quốc nông nghiệp, phát triển nông nghiệp bền vững của Việt Nam vẫn còn cả chặng đường dài.

TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường và Thể chế nông nghiệp cho rằng, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới do dịch bệnh, không riêng doanh nghiệp Việt Nam, mà các doanh nghiệp trên thế giới đều đang điều chỉnh định hướng đầu tư của mình. Trong tương lai, đầu tư có xu hướng vào kinh tế xanh. Vì thế, nông nghiệp vẫn là định hướng, điểm đến của nhiều nhà đầu tư tương lai.

“Nông nghiệp Việt Nam phát triển trong những năm qua chủ yếu dựa vào đông đảo hộ gia đình, hộ nông dân nhỏ lẻ và số ít doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, kiểu tổ chức nhỏ, lẻ đó khó nâng tầm năng lực cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường quốc tế với yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm, sản xuất bền vững và thân thiện với môi trường” - TS. Đặng Kim Sơn nêu ý kiến.

Doanh nghiệp đóng vai trò quyết định trong phát triển công nghiệp, dịch vụ nhưng sản xuất nông nghiệp dựa vào doanh nghiệp không phải là con đường duy nhất. Thực tế, ở rất nhiều nền kinh tế phát triển thành công ở Đông Bắc Á chính nông dân liên kết với nhau trong cơ cấu HTX, các hiệp hội và hội nông dân, được nhà nước trao quyền, mới là người dẫn dắt ngành nông nghiệp. Điều cốt yếu là chúng ta có thực sự đặt người nông dân vào vai trò, vị trí trung tâm như tinh thần Nghị quyết Trung ương số 26 NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn hay không?” - TS. Đặng Kim Sơn phân tích.

Bên cạnh việc đặt người nông dân với vai trò trung tâm, phát triển chế biến sâu các sản phẩm nông sản cũng là yêu cầu cấp thiết khi mở cửa thị trường với các FTA thế hệ mới, ngành nông nghiệp đủ sức cạnh tranh tại thị trường trong nước và xâm nhập thị trường mới với yêu cầu cao.

Theo VOV.VN