Tích cóp cho tuổi già

Theo chân các đại lý thu đến chợ An Cựu (TP. Huế) tuyên truyền phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện mới thấy người dân đã có nhìn đầy đủ hơn về chính sách này. Các nhóm đại lý tầm 10 người chia nhau khắp chợ để tuyên truyền. Từ quầy bán trái cây đến quầy thịt, cá đều mải mê nghe các cô áo xanh giải thích, sẽ có lương hưu khi về già nếu bây giờ tham gia BHXH tự nguyện. Những hộ kinh doanh buôn bán nhỏ, lẻ đều lựa chọn loại hình bảo hiểm này như “điểm tựa, cứu cánh” cho bản thân khi về già. Bởi khi tham gia BHXH tự nguyện, họ chỉ phải lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình. Có lúc khách mua hàng cũng dừng lại, muốn biết chuyện lương hưu thì cũng tư vấn luôn thể.

Vận động tiểu thương ở các chợ tham gia BHXH tự nguyện 

Chị Trần Thị Bê cho biết, sinh năm 1974, công việc vất vả, thức khuya dậy sớm khiến sức khỏe chị ngày một yếu đi. Lúc này, chị bắt đầu nghĩ tới và tham gia BHXH tự nguyện. Chị Bê nhẩm tính, chị chọn mức đóng thấp nhất 138.000 đồng/người/tháng. Cứ  1 ngày bỏ ống 5.000 đồng là có thể sở hữu sổ BHXH để đảm bảo cho cuộc sống khi về già. Trong vòng 15 ngày là có sổ BHXH và có thể kiểm tra việc đóng, hưởng của mình trên trang thông tin của BHXH. Có tiền thì đóng cả năm, mà không thì tôi cứ đóng hàng tháng hoặc quý. Không cần phải đi đâu xa mà chuyển tiền qua tài khoản để đóng BHXH".

Không chỉ có người đang trong độ tuổi lao động, khi được hỏi, nhiều người cao tuổi trên địa bàn cho biết, họ muốn tham gia BHXH tự nguyện là để có thể chủ động về kinh tế, không phải phụ thuộc vào con cháu trong sinh hoạt hàng ngày. Vì vậy, mong muốn được tham gia BHXH tự nguyện đã trở thành nhu cầu bức thiết của không ít người dân.

Chính sách an sinh về với người dân

Với phương châm “đến từng nhà, gặp từng người” để tuyên truyền chính sách và phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình có lợi thế và đang là giải pháp hữu hiệu trong phát triển người tham gia BHXH tự nguyện. Năm 2020, số người tham gia BHXH tự nguyện trong toàn tỉnh lên đến 15.550 người.

Thừa Thiên Huế có 148 đại lý thu BHXH, BHYT, có mặt hầu hết ở các xã, phường, thị trấn trên địa bàn. Thời gian qua, các đại lý thu đã thể hiện được vai trò “cánh tay nối dài” để đưa chính sách của Đảng và Nhà nước đến gần hơn với các tầng lớp nhân dân, đến từng nhà, để người dân được tiếp cận một cách đầy đủ, chính xác nhất những thông tin liên quan. Đặc biệt, trong thời điểm hiện tại, khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các hình thức tuyên truyền, vận động khác không áp dụng được thì vai trò của các đại lý thu đã được phát huy tích cực nhất.

Phát lương hưu tại nhà cho cán bộ hưu trí 

Chị Trần Lâm Cẩm Ngọc, nhân viên Phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng, BHXH tỉnh thời gian qua luôn đồng hành với đại lý thu tích cực trong công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT, BHXH tự nguyện. Tận dụng mạng xã hội, bằng cách đưa thông tin ngắn gọn, súc tích, với phương pháp vận động dễ hiểu, chị Ngọc đã khéo léo đưa những quy định pháp luật về BHYT, BHXH tự nguyện đến với nhiều người dân trên địa bàn.

“Tôi thường chú trọng tuyên truyền nhiều về quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự nguyện, nhất là việc đảm bảo được cuộc sống khi về già. Đa số người dân thích tự lập hơn là phải trông cậy vào con cháu. Hiểu được tâm lý này nên việc vận động tham gia BHXH tự nguyện sẽ đơn giản hơn. Ngoài ra, để thuận tiện cho người tham gia, tôi giải thích rõ hơn về đối tượng, mức đóng, phương thức đóng, thủ tục tham gia và mức hỗ trợ đóng của Nhà nước đối với từng đối tượng”, anh Trần Công Thạch, chuyên viên phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng chia sẻ.

Khó khăn là không thể tránh khỏi vì đa số người dân chưa thực sự quan tâm đến chính sách và còn nhầm lẫm với các loại hình bảo hiểm thương mại khác. Tuy nhiên, với sự kiên trì của người làm công tác BHXH trong quá trình tư vấn, giải thích đã làm thay đổi nhận thức của một bộ phận người dân.

Ông Nguyễn Viết Dũng, Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: Thực tế việc triển khai phát triển BHXH tự nguyện hiện vẫn còn nhiều thách thức, khó khăn như đối tượng cần vận động chủ yếu làm nông nghiệp, lao động tự do… có thu nhập thấp và không ổn định. Nhiều người chưa có thói quen tham gia BHXH khi còn trẻ để hưởng lương hưu khi về già. Trong khi đó, chính sách quy định thời gian để được thụ hưởng dài sau 20 năm tham gia BHXH do vậy chưa đủ sức hấp dẫn; nhận thức nhiều người dân về chính sách BHXH còn hạn chế…

Câu chuyện “kích cầu” đối tượng tham gia BHXH tự nguyện cho đến nay vẫn là một bài toán khó. Rõ ràng việc mở rộng đối tượng tham gia lĩnh vực này vẫn gặp không ít thách thức. Quan trọng vẫn cần sự quyết liệt và tích cực của ngành, của từng địa phương trong việc tăng cường tuyên truyền, thay đổi nhận thức của người tham gia trước lợi ích thiết thực của loại hình bảo hiểm này mang lại.

 Bài, ảnh: Huế Thu