Việt Nam nằm trong nhóm các nước dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu. Ảnh minh họa: Báo Người Lao động

Cụ thể, Báo cáo Chỉ số rủi ro Khí hậu Toàn cầu đã xếp Việt Nam đứng ở vị thứ 13 trong số các nền kinh tế chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu trong khoảng thời gian từ năm 2000 - 2019.

Để đánh giá tác động của biến đổi khí hậu trong một khoảng thời gian nhất định, báo cáo xếp hạng các quốc gia dựa trên 4 tiêu chí: số người thiệt mạng, số người thiệt mạng trên 100.000 dân cư... Dựa trên các tiêu chí này, báo cáo xếp hạng Việt Nam đứng thứ 15 về số người thiệt mạng hằng năm, đứng thứ 11 về nước có thiệt hại cao theo sức mua tương đương (PPP) và thứ 47 về số người tử vong trên 100.000 người và thiệt hại tính theo GDP.

Một báo cáo khác của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc (UNIPCC) cũng chỉ ra rằng những thách thức về khí hậu của Việt Nam lớn hơn nhiều so với thông thường.

Chính vì vậy, Việt Nam cần bắt đầu thực hiện các chiến lược thích ứng và giảm thiểu hiệu quả để ngăn chặn thách thức, do các tác động khí hậu đang nhanh chóng trở nên mạnh mẽ và khó dự đoán hơn.

Nhìn lại thời gian trước, cụ thể là từ năm 1999 – 2018, Việt Nam đã phải hứng chịu 226 sự kiện thời tiết cực đoan và gánh chịu thiệt hại kinh tế trên 2 tỷ USD/năm.

Chưa dừng lại ở đó, nghiên cứu khác của UNIPCC cũng cho rằng Thành phố Hồ Chí Minh có thể sẽ bị ngập trong nước vào năm 2050 và hàng triệu người ở Đồng bằng sông Cửu Long – vùng trồng lúa chính của cả khu vực có thể sẽ phải di dời khỏi các khu vực ven biển.

Nhà báo Mike Tatarshi tại Tp. Hồ Chí Minh cho biết: “Khoảng 1,5 triệu người đã rời khỏi vùng đồng bằng trong thập kỷ qua, điều này gây áp lực lên các đô thị như Tp. Hồ Chí Minh vốn đang phải vật lộn với các vấn đề liên quan đến khí hậu”...

Việt Nam nên làm gì để thích ứng với thách thức

Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh về thích ứng với biến đổi khí hậu năm 2021 (CAS 2021), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: “Nền kinh tế của chúng ta chỉ có thể đáp ứng khoảng 30% nhu cầu thích ứng với biến đổi khí hậu và Việt Nam cần thêm 35 tỷ USD trong giai đoạn từ năm 2021 đến 2030”.

Trong khi các mối đe dọa của biến đổi khí hậu là rất nghiêm trọng, các chuyên gia tin rằng hoàn toàn có lý do để hi vọng nếu Việt Nam thực hiện các chiến lược thích ứng và giảm nhẹ tác động một cách hiệu quả.

Điều quan trọng là Việt Nam phải xem xét lại kế hoạch phát điện từ than và chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần đầu tư hơn nữa để biến các thành phố ngày càng trở nên bền vững, phát triển khả năng phục hồi để giảm thiểu rủi ro do khí hậu gây ra. Việc xây dựng một kế hoạch thích ứng toàn diện trong khu vực là điều cần thiết đối với Việt Nam và các nước khác trong khu vực Đông Nam Á để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Trên hết, mọi người cần được giáo dục về sự nguy hiểm của biến đổi khí hậu và nhu cầu cấp thiết để thích ứng.

Hạnh Nhi

(Lược dịch từ ASEAN Today)