Sáng sớm, có dịp đi dọc bờ Nam sông Hương, đoạn công viên Lê Lợi và đường ven sông Hương, phía sau Nhạc viện Huế, khách sạn La Residence, 5 Lê Lợi sẽ bắt gặp rất nhiều cảnh “nhức mắt”: nhiều rác thải, vỏ đồ ăn thức uống, đồ nhậu dư thừa từ đêm trước để lại… Chưa biết đích xác những ai đã xả rác một cách vô lối như vậy, nhưng có thể hiểu không phải do khách du lịch từ phương xa mang tới.

Thỉnh thoảng lại thấy những thùng rác trong công viên, dọc đường đi bộ bên sông Hương bị ai đó xô đổ, rác vãi tứ tung, bốc mùi khó chịu lúc ban mai vừa rạng; không ít thùng rác còn mới nhưng đã bị cạy lấy nắp, làm biến dạng thân thùng.

Rác vương vãi trên tuyến đi bộ dọc sông Hương

“Xót” hơn nữa, một vài ghế đá granit đen thuộc dạng “sang” dọc công viên đã bị ai đó đang tâm làm cho “chẹp bẹp”; khung “bàn tròn” được đúc bằng bê-tông trang trí dọc lan can đường đi dạo thật đẹp dọc bờ Nam sông Hương, đoạn phía sau Nhạc viện Huế, cũng bị phá hỏng một cách không thương tiếc. Làm những việc này, ai đó đã cố ý và phải dùng đến phương tiện khá “nặng tay” mới thực hiện được. Giả sử chất lượng công trình có kém, cũng không dễ xập xệ dễ dàng, nhanh chóng đến vậy?

Việc xả bậy rác thải trong công viên là điều không đẹp, không nên. Nó thuộc về ý thức công dân, nhưng việc làm hư hại ghế đá công viên và lan can dọc đường đi dạo ven sông Hương là có dấu hiệu phá hoại tài sản công. Những hành vi gây hại như vậy cần sớm làm rõ đối tượng, xử lý thích đáng để bảo vệ tài sản chung, nhất là cảnh quan đôi bờ sông Hương. Công viên, tài sản trong công viên là tài sản công, mọi người cần có trách nhiệm, chung tay, chung ý thức gìn giữ để cùng hưởng lợi.

Mờ sáng, đèn công viên chưa tắt, gặp một nữ công nhân thuộc Trung tâm Công viên cây xanh Huế đang dựng sửa lại vị trí thùng rác bị hất đổ trước đó và lượm lại rác cho vào thùng, tôi làm quen, hỏi : “Vì sao, ai lại thường lật đổ các thùng rác?”.“Thanh niên choai choai!”, chị trả lời trong khi vẫn làm việc.

“Biết đâu, có thể, cả một số người “ve chai” đi làm sớm, trước các chị?”. Chị gật đầu, tỏ ý đồng tình và “tố” thêm: “ Có người đi bộ thể dục sớm, lợi dụng nhổ trộm hoa công viên về trồng ở nhà mình”. Vâng. Có thể cả những người đi bộ thể dục buổi sáng qua đây cũng “góp phần” để lại rác không đúng quy định.

“Vậy, những ai làm hư hại lan can, ghế đá công viên kia?”. Chị lặng lẽ làm việc. Còn tôi, không biết sẽ hỏi ai.

Vậy, tổ chức Đoàn thanh niên, chính quyền các phường, và các lực lượng chức năng khác trên địa bàn nên cùng vào cuộc để sớm chấm dứt những cảnh “nhức mắt”, “đau lòng” đã và đang diễn ra ở công viên bờ Nam sông Hương; để sông Hương, để Huế thực sự là thành phố di sản đẹp cảnh, đẹp người.

Bài, ảnh: Bùi Ngọc Quỳnh