Từ digital art

Từ lâu, chúng ta có mạng xã hội thay thế cho thư viết tay, báo điện tử thay cho báo giấy…, mọi thứ đang hiện đại lên theo từng ngày. Có một thứ đã và đang “làm mưa làm gió” trên mạng xã hội, đó là “digital art”.

Digital art được hiểu là tác phẩm mỹ thuật sử dụng công nghệ số như một phần không thể thiếu lúc vẽ tranh. Hiện nay, bên cạnh cách vẽ tranh trên giấy truyền thống thì giới trẻ ưa chuộng hơn lối vẽ tranh kỹ thuật số với những công cụ vẽ tranh một cách nhanh chóng, sạch gọn mà vẫn giữ được “chất riêng” của từng tác giả. Chỉ cần máy tính và wacom có sẵn trên bàn học hay cái điện thoại, ipad… bật ứng dụng là thỏa sức sáng tạo. Điều tuyệt vời nhất so với vẽ truyền thống là, không cần phải chờ cho lớp màu thứ nhất khô đi rồi mới tiếp tục với lớp màu thứ hai.

Nhiều bức tranh digital được đăng tải lên mạng xã hội thu hút được sự chú ý của “teen” bởi độ chân thật của nó. “Những người chơi digital thường gặp những cái khó khăn khác so với lối vẽ truyền thống trong quá trình hoàn thành tranh của mình. Bọn mình cắt rồi dán mà không cần vẽ hai lần, nhưng nếu bất cẩn mà vẽ và tô trên cùng một layer thì…”. Bạn Lê Thu Hoài, lớp 11, Trường THPT Hai Bà Trưng (Huế) chia sẻ: “Bọn mình vẽ xong thì đăng lên mạng để được khen, cổ vũ tinh thần là chính. Bởi mình chỉ đang mê vẽ chứ đã phải là artist chuyên nghiệp đâu. Nhưng nếu có một vài tranh chất lượng thì mình cũng nhượng lại bản quyền cho các games, các trang web, không thì in ra bán cũng kiếm được chút đỉnh tiền để bao bạn bè một chầu bánh ép…”.

Đến commission art

Từ vẽ digital, các “họa sĩ” teen đã có thể kiếm được tiền nhờ cách in tranh ra để bán online, bán trong những sự kiện dành riêng cho các họa sĩ và những người yêu “chất riêng” của các họa sĩ đó. Hoặc họ cũng có thể mở “commission art” để kiếm thêm thu nhập nếu không thể tham gia được các sự kiện.

Digital art và commission art đem lại thu nhập cho giới trẻ

Commission art được hiểu là yêu cầu vẽ bức tranh theo ý thích của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp,… Tùy theo chất liệu, nét vẽ, các chi tiết mà tranh commission thường có những loại giá khác nhau. Một tranh có thể từ một trăm nghìn đồng trở lên.

Hiện tại, đa số teen Huế mở commission chỉ cốt kiếm thêm tiền tiêu vặt hay để mua những thứ mình thích, uống vài ly trà sữa. Cách thức mở commission vô cùng đơn giản, chỉ cần lên một trang mạng xã hội và đăng tải những bức tranh đẹp nhất, mang chất riêng nhất của mình lên rồi cho mọi người biết “commission đang mở”. Những người thích nét vẽ sẽ tìm đến và đặt commission của họa sĩ đó. Sau đó, những họa sĩ sẽ vẽ theo ý khách hàng của mình rồi gửi tranh qua bưu điện, gmail,… Nếu khách hàng vừa lòng thì sẽ gửi tiền qua ngân hàng, ví điện tử Momo… Có điều, muốn nhận được đơn hàng phải có trình tiếng Anh khá để hiểu được khách cần gì, cho nên các bạn phải lo học tiếng Anh cho tốt.

Bạn Nguyễn Thuận Nhiên, một họa sĩ vẽ commission cũng như là một digital artist, lớp 12, Trường PTTH Nguyễn Trường Tộ (Huế), chia sẻ: “Mình vẽ commission để kiếm thêm tiền tiêu vặt uống cà phê, xin bố mẹ mãi cũng ngại lắm. Mình thì thường vẽ bằng ứng dụng trên điện thoại, vẽ bằng ngón tay, mà có nhiều tính năng trên đó nên cũng tiện lắm”. Bạn cho biết thêm: “Ừ thì mở commission như thế này cũng nhiều cái khó, mình vẽ giá rẻ quá thì họ lại nghi ngờ chất lượng, giá cao quá thì bị bắt bẻ nhiều thứ. Nhưng chung quy vui là chính, vừa được luyện ôn thi mỹ thuật vừa có tiền thì tại sao không nhỉ?”.

Thu Hoài và Thuận Nhiên còn cho biết, ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã xuất hiện khá nhiều nhóm teen digital art và commission art tên tuổi như Mắt Cá Chết, Tửng Hội Artist, Phong Bỉnh, Janyhero, Geign… Huế chưa có nhiều nhóm nhưng cũng đã xuất hiện các teen vẽ digital art và commission art. Sắp tới ở Huế sẽ có một buổi sự kiện dành cho các họa sĩ trẻ thực hành digital art và commission art.

Biết đâu, những gì giới teen đang làm có thể góp phần phát triển nền công nghiệp mỹ thuật nước nhà trong tương lai.

Bài, ảnh: KHANG NINH