Phi Pha (giữa) - một trong những trụ cột lớn tuổi của CLB Bóng đá Huế
Tín hiệu vui từ tuyến trẻ
Đoàn Bóng đá Huế đang quản lý, đào tạo các tuyến bóng đá trẻ: U11, U13, U15, U17, U19 – 21. Lực lượng này được đào tạo tham gia các giải trẻ quốc gia nhằm tích lũy kinh nghiệm, trở thành lứa kế cận bổ sung cho đội bóng đá hạng Nhất. “HLV dẫn dắt các tuyến trẻ hầu hết đều trưởng thành từ VĐV nên rất tâm huyết, nhiệt tình. Có 90% HLV tốt nghiệp đại học và 95% HLV đã qua đào tạo chuyên ngành HLV bóng đá của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC), đáp ứng yêu cầu chuyên môn đề ra”, ông Trần Quang Sang, Trưởng đoàn Bóng đá Huế cho biết.
Cũng từ việc được dẫn dắt bởi các HLV được đào tạo bài bản, các tuyến trẻ của bóng đá Huế những năm gần đây đã gặt hái được một số thành tích nhất định: HCĐ giải bóng đá U19 quốc gia 2017; U21 tham dự VCK bóng đá U21 quốc gia 2017; U13 góp mặt ở vòng tứ kết giải U13 quốc gia 2020… Việc U13 lọt vào tứ kết cho thấy những tiến bộ vượt bậc trong công tác đào tạo trẻ khi năm 2019, các chân sút “nhí” Cố đô chỉ dừng chân ở vòng loại.
“Dù không tiến sâu hơn, nhưng qua những trận đấu, các em luôn thể hiện được quyết tâm, luôn nỗ lực vì màu cờ sắc áo, đồng thời để lại nhiều hình ảnh đẹp trong lòng khán giả, cũng như được các HLV của đội tuyển trẻ quốc gia đánh giá cao. Đây là tín hiệu cho thấy nhiều khả năng, U13 Thừa Thiên Huế sẽ có VĐV được tập trung đội tuyển U15 quốc gia”, HLV U13 Thừa Thiên Huế - Lê Chí Nguyện chia sẻ.
Để những tín hiệu vui của bóng đá trẻ trở thành hiện thực, để những chân sút “nhí” có thể gánh vác trọng trách sau khi các thế hệ đàn anh giải nghệ vẫn là câu chuyện ở thì tương lai. Còn trước mắt, bóng đá Huế đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn khi mà lực lượng bổ sung cho đội 1 thiếu hụt; VĐV nòng cốt lớn tuổi, hàng năm, đội hạng Nhất phải mượn thêm quân dẫn tới thiếu tính bền vững trong lối chơi và ảnh hưởng đến mục tiêu chinh phục đỉnh cao của CLB Bóng đá Huế tại giải hạng Nhất…
3 vấn đề - 1 mục tiêu
Hiện, mục tiêu của bóng đá Huế là phấn đấu đạt kết quả tốt tại các giải vô địch quốc gia dành cho các lứa tuổi trong những năm tới, trong đó, CLB Bóng đá Huế trở lại hạng chuyên nghiệp giai đoạn 2023 - 2028.
Những chân sút “nhí” đang cho thấy tiến bộ trong những năm gần đây
Để hoàn hành mục tiêu này, bên cạnh xây dựng xây dựng đội ngũ HLV chất lượng cao bằng cách tiếp tục cử các HLV theo học Đại học TDTT và các lớp HLV do AFC đào tạo; có đủ lực lượng VĐV các tuyến: U11, U13, U15, U17, U19 và U21 nhằm trẻ hoá toàn bộ lực lượng đội tuyển tỉnh, đảm bảo tính ổn định, lâu dài, thì từ đây đến 2025, bóng đá Huế phải giải quyết được 3 yếu tố: xây dựng hệ thống tuyển chọn đào tạo VĐV có sự thống nhất về kế hoạch tập luyện - học văn hóa, đảm bảo tính khoa học; thực hiện đầy đủ các chế độ dinh dưỡng hợp lý cho VĐV; xây dựng Trung tâm đào tạo bóng đá như một số tỉnh, thành bạn.
Thẳng thắn nhìn nhận, nhiều năm qua, chuyện học văn hóa của VĐV thể thao thành tích cao nói chung, VĐV bóng đá nói riêng còn nhiều bất cập. Các cầu thủ bóng đá trong đội tuyển U13, U15, U17 - lực lượng kế cận, bổ sung cho đội tuyển tỉnh - do phải thực hiện đầy đủ thời lượng học văn hóa theo chương trình của Sở Giáo dục & Đào tạo nên thời gian tập luyện không được đảm bảo, dẫn đến hạn chế về thành tích thi đấu.
Đáng nói, trong khi các tỉnh, thành khác đã ưu tiên triển khai chương trình học phù hợp (bổ túc văn hóa vào ban đêm) nên trình độ văn hóa cũng như thành tích thi đấu của VĐV trẻ có nhiều chuyển biến. Vì vậy, cần nghiên cứu vấn đề này để sớm có các cơ chế phù hợp, tạo điều kiện cho VĐV thuận lợi hơn trong học tập và có cơ hội phát huy hết năng lực trong thi đấu.
Không chỉ vậy, trong khi các tỉnh, thành khác đang có chính sách phù hợp với tính chất bóng đá chuyên nghiệp thì bóng đá Huế chưa có sự đầu tư hợp lý với cơ chế mới. Minh chứng là Quảng Nam, Bình Định, Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh, An Giang, Hà Nội, Quảng Ninh... đang được đầu tư mạnh từ ngân sách địa phương hoặc đã chuyển sang mô hình CLB giao cho các doanh nghiệp đầu tư, quản lý. Điều này dẫn đến những chênh lệch thấy rõ so với bóng đá Huế khi vẫn đang phải hoạt động từ nguồn ngân sách hạn chế của tỉnh.
Ngoài ra, để bóng đá Huế phát triển hơn, ổn định hơn và có chiều sâu, đồng thời hoàn thành mục tiêu thăng hạng thì cần xây dựng Trung tâm đào tạo bóng đá. Bên cạnh phục vụ đào tạo bóng đá đỉnh cao, trung tâm còn là nơi đáp ứng nhu cầu tập luyện của lớp trẻ - cơ sở để phát hiện, tuyển chọn, đào tạo lực lượng VĐV bổ sung cho các đội tuyển bóng đá của tỉnh, đồng thời, là điều kiện “đủ” để đăng cai nhiều giải bóng đá quốc gia, quốc tế tại địa phương. Và nếu giải quyết được 3 vấn đề trên, người hâm mộ Cố đô có quyền hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn của bóng đá tỉnh nhà.
Bài, ảnh: HÀN ĐĂNG