Nhà máy xử lý nước thải KCN Tứ Hạ sẽ hoàn thành, đưa vào vận hành trước tháng 6/2021

Đáp ứng nhu cầu cho các doanh nghiệp

KCN Tứ Hạ (giai đoạn 1) do Công ty CP Hello Quốc tế Việt Nam làm chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật (HTKT) KCN. Hiện HTKT đã hoàn thành và đảm bảo các tiêu chí xúc tiến kêu gọi các NĐT thứ cấp vào sản xuất kinh doanh. Đến nay, đã có 2 dự án (DA) vào đầu tư sản xuất, đó là nhà máy sản xuất mũ và túi sách du lịch của Công ty TNHH JOINTWELL Việt Nam và Công ty Dược phẩm Hera.

Theo Giám đốc DA hạ tầng KCN Tứ Hạ, Công ty CP Hello Quốc tế Việt Nam Võ Anh Tuấn, sau khi hoàn thiện hạ tầng, DN tiếp tục đầu tư hệ thống XLNT tập trung nhằm đảm bảo các tiêu chí kêu gọi NĐT thứ cấp.

Theo quy hoạch, nhà máy XLNT KCN Tứ Hạ có công suất 3.500m3/ngày đêm, diện tích 2,44ha. Năm 2020, công ty đầu tư giai đoạn 1 với MODUN 1, công suất 1.000m3/ngày đêm, kinh phí trên 17 tỷ đồng. DA đã hoàn thành công suất 500m3/ngày đêm và đang triển khai xây dựng thêm công suất 500m3/ngày đêm, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng trước 30/6/2021, đáp ứng nhu cầu xả thải cho các DN trong KCN.

KCN Phong Điền - Viglacera có tổng diện tích hơn 284ha, đây là KCN thứ 3 được khởi công vào năm 2015 tại huyện Phong Điền, với tổng mức đầu tư 681 tỷ đồng. Theo quy hoạch, KCN Viglacera là KCN hỗn hợp đa ngành, công nghệ cao, hướng tới các ngành công nghiệp ít gây ô nhiễm như công nghiệp điện, thủy sản, dệt may, vật liệu xây dựng…

Chế biến dăm gỗ xuất khẩu tại khu công nghiệp La Sơn

Cùng với việc đầu tư xây dựng HTKT trong KCN, đầu năm 2021, Tổng Công ty Viglacera đã hoàn tất các thủ tục chuẩn bị xây dựng nhà máy XLNT tập trung công suất 2.000m3/ngày đêm, kinh phí 32 tỷ đồng. Dự kiến, các hạng mục sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành vào tháng 6/2021, đáp ứng nhu cầu xả thải cho các DN sản xuất kinh doanh tại KCN Phong Điền.

Trưởng phòng Quy hoạch xây dựng tài nguyên môi trường, Ban Quản lý KKT, công nghiệp tỉnh - ông Trần Xuân Học cho rằng, hiện KCN Phú Bài 1,2 đã có nhà máy XLNT tập trung công suất 6.500m3/ngày đêm, đang nâng cấp từ cột B (tiêu chuẩn nước thải KCN) lên cột A; KCN Phú Bài 3,4 (đợt 1) giai đoạn 1 đấu nối vào nhà máy XLNT của KCN giai đoạn 1,2; KCN Phú Bài 4 (đợt 2) sẽ triển khai xây dựng nhà máy XLNT mới để xả thải cho các DN hoạt động tại đây.

Tại KKT Chân Mây - Lăng Cô, hiện đã hoàn thành DA nhà máy XLNT tập trung công suất 4.900m3/ngày đêm với tổng mức đầu tư 230 tỷ đồng. Hiện, các DN chỉ mới xả thải khoảng 300- 500m3/ngày đêm.

Theo ông Học, trong số 6 KCN, 4 KCN có nhà đầu tư hạ tầng đã và đang triển khai đầu tư xây dựng nhà máy XLNT, 2 KCN còn lại là Quảng Vinh và Phú Đa do chưa kêu gọi được NĐT hạ tầng nên chưa đầu tư xây dựng nhà máy XLNT, song đa số các DN sản xuất tự đầu tư hệ thống XLNT riêng. Giai đoạn trước mắt, hệ thống XLNT tại các KKT, KCN cơ bản đáp ứng được nhu cầu thoát nước thải cho các DN, đồng thời đáp ứng quy định của Chính phủ về thu hút đầu tư.

Nỗ lực hoàn thiện hạ tầng

Theo quy hoạch, trên địa bàn tỉnh hiện có 6 KCN và KKT Chân Mây - Lăng Cô với tổng diện tích quy hoạch đến năm 2020 là 3.050ha. Đến nay, đã thu hút được 9 DA đầu tư hạ tầng tại 4 KCN Phú Bài, Phong Điền, La Sơn, Tứ Hạ, và KKT Chân Mây - Lăng Cô, tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 5.185 tỷ đồng.

Hiện, các NĐT hạ tầng KCN đã triển khai công tác đền bù giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng các hạng mục HTKT phục vụ kêu gọi thu hút các DA đầu tư thứ cấp. Trong đó, KCN Phú Bài đã đầu tư xây dựng hoàn thiện HTKT giai đoạn 1, 2 diện tích 185 ha; KCN Phong Điền đã giải phóng mặt bằng hơn 302 ha, triển khai đầu tư hạ tầng khoảng 175 ha; KCN Tứ Hạ đầu tư xây dựng hạ tầng khoảng 35 ha; KCN La Sơn đã hoàn thành giải phóng mặt bằng 78,8 ha, xây dựng HTKT khoảng 34,8 ha; KKT Chân Mây - Lăng Cô đã hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng 119 ha và triển khai đầu tư HTKT khoảng 68 ha.

Trưởng Ban Quản lý KKT, công nghiệp tỉnh Lê Văn Tuệ cho rằng, năm 2021 Ban tập trung thu hút các DA công nghiệp quy mô lớn, tạo sức lan tỏa, thu hút các dịch vụ hỗ trợ du lịch, DA công nghiệp hỗ trợ; trong lĩnh vực dệt may, sản xuất lắp ráp ô tô, đẩy nhanh công tác hoàn thiện hạ tầng. Tiếp tục hỗ trợ kịp thời, có hiệu quả các NĐT đang triển khai DA, các DN sản xuất kinh doanh nhằm tăng nguồn thu cho ngân sách, đồng thời hình thành hệ thống các KCN gắn với phát triển các đô thị, có vai trò dẫn dắt sự phát triển công nghiệp của tỉnh.

Đối với KKT Chân Mây - Lăng Cô, phát triển theo hướng nhanh và bền vững, tập trung đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng gắn với quản lý, bảo vệ tài nguyên môi trường, đảm bảo phát triển bền vững, tạo môi trường hấp dẫn thu hút đầu tư. Năm 2021, phấn đấu thu hút từ 10 - 12 DA thuộc lĩnh vực công nghiệp, du lịch, hạ tầng KCN, khu phi thuế quan và khu đô thị, công nghiệp hỗ trợ trong các lĩnh vực dệt may, điện tử, ô tô... với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 7.000 - 8.000 tỷ đồng, tăng 8% so với kế hoạch năm 2020. Trong đó, phấn đấu nâng tỷ lệ lấp đầy các KCN Phú Bài, Phong Điền bình quân đạt trên 45%, các KCN còn lại trên 25%; tập trung kêu gọi các NĐT hạ tầng cho KCN Phú Đa, Quảng Vinh, La Sơn và Khu A KCN Phong Điền.

Đến nay, tại các  KKT, công nghiệp tỉnh có 150 DA đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 106.000 tỷ đồng. Tỷ lệ lắp đầy KCN Phú Bài giai đoạn I&II 100%; các khu tại KCN Phong Điền có tỷ lệ lấp đầy từ 9- 40%; La Sơn 37%; Phú Đa 23%; Tứ Hạ 18%...

Bài, ảnh: THANH HƯƠNG