Tạo điều kiện và thúc đẩy tiến trình tiêm chủng vaccine COVID-19 là cách cứu mọi người khỏi đại dịch. Ảnh minh họa: AP/Báo Nhân dân 

Là một trong những quốc gia thành công nhất trong việc kiềm chế đại dịch lây lan, New Zealand cho biết sẽ đưa ra đề xuất tại diễn đàn – sự kiện mà nước này sẽ chủ trì tổ chức theo hình thức trực tuyến vào năm nay – giữa bối cảnh xuất hiện những lo ngại rằng các quốc gia nhỏ hơn có thể sẽ bị tụt hậu và bị bỏ lại phía sau trong tiến trình tiêm chủng cho người dân.

“Thông điệp của chúng tôi là để đối phó với đại dịch toàn cầu như thế này, chúng ta cần sự tham gia toàn cầu nhiều hơn. Thương mại sẽ không thể giải quyết khủng hoảng này, nhưng đại dịch có thể giúp đỡ rất nhiều”, Vangelis Vitalis, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và Thương mại New Zealand – người chủ trì Hội nghị các quan chức cấp cao APEC 2021 cho biết.

Theo đó, New Zealand đề xuất đưa các lô hàng thuốc men, thiết bị y tế và phẫu thuật, sản phẩm vệ sinh và nhiều loại sản phẩm khác giữa 21 nước thành viên APEC trở thành sản phẩm miễn thuế, cùng lúc nới lỏng các hạn chế khác khi các lô hàng này được vận chuyển xuyên quốc gia.

Đề xuất sẽ phải được đồng ý trong vài tháng tới để được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng Thương mại APEC diễn ra vào tháng 5/2021.

Năm ngoái, một số quốc gia APEC đã cam kết giữ cho chuỗi cung ứng COVID-19 tiếp tục được mở cửa và loại bỏ các hạn chế thương mại đối với các sản phẩm thiết yếu, đặc biệt là sản phẩm y tế. Tuy nhiên kể từ thời điểm đó đến nay vẫn chưa có động thái nào được hiện thực hóa. Chỉ có New Zealand và Singapore đã triển khai hành động, cụ thể là loại bỏ thuế quan áp lên hơn 120 sản phẩm mà họ cho là cần thiết, thiết yếu.

“Đáng lo ngại là chỉ có hai quốc gia nhỏ triển khai hành động”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và Thương mại New Zealand Vangelis Vitalis nhận định.

New Zealand bày tỏ muốn thiết lập một tuyên bố cấp bộ, trong đó liệt kê các sản phẩm và dịch vụ thiết yếu cho đại dịch. Tuyên bố cũng sẽ giúp nới lỏng sự di chuyển của vaccine COVID-19 qua các cảng hàng không và cảng biển.

Bất chấp các nỗ lực của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhằm mục tiêu đảm bảo các quốc gia nhỏ và các nước nghèo vẫn sẽ nhận được sự chia sẻ về vaccine, các nước giàu hơn vẫn đã tích trữ vaccine và các mặt hàng thiết yếu, khiến các nước nhỏ đối mặt với khó khăn khi tiếp cận các sản phẩm này.

Trong một diễn biến có liên quan, New Zealand đã bắt đầu tiêm chủng cho lao động tại biên giới vào ngày 20/2. Tuy nhiên, phần lớn trong số 5 triệu dân nước này không kỳ vọng sẽ được tiêm chủng cho đến nửa cuối năm nay.

Ông Vangelis Vitalis cho biết “chủ nghĩa dân tộc về vaccine” không có lợi cho bất kỳ ai.

Mặc dù thuế vaccine thấp, nhưng các thiết bị như ống tiêm, kim tiêm và găng tay y tế sẽ bị tính phí đáng kể. Điều này có thể làm cản trở quá trình tiêm chủng.

Đan Lê (Lược dịch từ CNA)