Học sinh hào hứng tham gia hoạt động trải nghiệm ở các làng nghề

Chỉ riêng trong tháng 1/2021, đã có hai học sinh tử vong khi đi ngoại khóa cùng nhà trường, gồm một học sinh tiểu học ở TP. Hồ Chí Minh và một học sinh trung học phổ thông ở TP. Hà Nội. Không ít ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục và phụ huynh cho rằng, đã đến lúc cần quản lý chặt hoạt động tổ chức trải nghiệm dành cho học sinh. Nếu buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong khâu lựa chọn địa điểm, tổ chức chuyến đi trải nghiệm thì nguy cơ học sinh bị tai nạn vẫn còn hiện hữu.

Hoạt động ngoại khóa là nội dung nằm trong kế hoạch giáo dục ngoài giờ lên lớp quy định tại chương trình phổ thông hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tổ chức tốt sẽ giúp học sinh trải nghiệm, giúp việc học tập tốt hơn. Đa số học sinh đều thích được tham gia các hoạt động trải nghiệm. Em Nguyễn Thị Ngọc, học sinh Trường tiểu học Phú Mậu (Phú Vang) chia sẻ, thích được trải nghiệm ở làng hoa giấy Thanh Tiên. Nghệ nhân hướng dẫn em làm từng cánh hoa, đài hoa, từ đó, hoàn thiện các kỹ năng trong cuộc sống.

Theo hiệu trưởng các trường, việc tổ chức hoạt động trải nghiệm cho các em được tính toán khá kỹ lưỡng; phụ thuộc vào nhiều yếu tố từ địa điểm, thời tiết đến phương tiện đi lại. Thầy Đoàn Văn Tùng, giáo viên Trường tiểu học số 1 Quảng Phú (Quảng Điền) cho biết: Trước mỗi chuyến trải nghiệm hay đơn thuần là tham quan, học sinh sẽ được nhắc nhở kỹ về các nội quy, trong đó luôn nhấn mạnh phải đi theo đoàn, theo nhóm và sự chỉ dẫn của giáo viên, nhân viên hướng dẫn...

Cũng theo thầy Tùng, để tổ chức được một chuyển đi trải nghiệm, nhà trường phải xây dựng kế hoạch vô cùng tỉ mỉ, chi tiết để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh và những người tham gia; có bộ phận y tế với những thiết bị cần thiết nhất..

Để hạn chế rủi ro trong các chuyến đi ngoại khoá, kinh nghiệm từ các trường nên lựa chọn các địa điểm tham quan không quá xa, địa hình bằng phẳng, đi lại thuận tiện, không nên đưa học sinh đến các khu vực tiềm ẩn nguy hiểm. Trước khi đưa học sinh đi ngoại khoá, các trường cần lên phương án bảo đảm an toàn giao thông, tổ chức sơ cứu, cấp cứu. Các thầy cô cần điểm danh thường xuyên tránh tình trạng học sinh bị bỏ lại, bị lạc hay gặp sự cố.

Theo cô Dương Thị Bích Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Phú Mậu (Phú Vang), học sinh cần được rèn kỹ năng như tuân thủ quy định tập thể, tự phục vụ, kỹ năng xử lý khi gặp tình huống nguy hiểm. Phụ huynh cần phối hợp nhà trường trang bị cho các em những kiến thức cơ bản về tai nạn thường gặp như tai nạn giao thông, đuối nước, ngộ độc thực phẩm..

Qua những sự cố đáng tiếc, nhiều phụ huynh cho rằng, nên có những biện pháp căn cơ hơn để hạn chế tối đa các trường hợp thương tâm. Đặc biệt, các nhà quản lý cần vào cuộc quyết liệt, xử lý nghiêm, hướng dẫn cụ thể các trường khi tổ chức sinh hoạt ngoại khóa bên ngoài trường. Cũng không vì trường hợp sự cố hy hữu mà ngưng tổ chức hoạt động ngoại khóa, trong khi chương trình này mang đến lợi ích rất nhiều cho học sinh.

Khi lên kế hoạch, trường cần lựa chọn chương trình phù hợp với lứa tuổi, hướng xử lý bảo đảm an toàn khi xảy ra các tình huống khẩn cấp. Đối với những nơi có nước như ao, hồ, sông, suối... cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa trường và đơn vị tại chỗ. Học sinh bậc mầm non, tiểu học cần có lực lượng giáo viên dày hơn để chăm sóc, quản lý.

Không ít ý kiến đặt ra rằng, an toàn tính mạng tại trường học cần được nhìn dưới góc độ quản trị rủi ro một cách khoa học hơn. Tại Việt Nam, chuyên ngành an toàn trường học chưa được đào tạo, việc bảo đảm an toàn thường được kiêm nhiệm bởi phó hiệu trưởng phụ trách và giao cho giáo viên chủ nhiệm chịu trách nhiệm, chưa có chuyên gia an toàn thực sự. Vẫn biết, giáo viên có trách nhiệm, tuy nhiên chưa có nghiệp vụ sẽ khó khăn trong phòng chống, đánh giá rủi ro hay xử lý sự cố, tai nạn.

Bài, ảnh: Huế Thu