Thả cá thể rùa quý hiếm về tự nhiên

Cán bộ kiểm lâm Trương Cảm kể, vào ngày 17/2, tổ tuần tra, kiểm soát của Trạm Kiểm lâm Hương Lộc (Nam Đông) trong lúc tuần tra tại khoảnh 2, tiểu khu 413 thì phát hiện một cá thể sơn dương bị mắc bẫy. Qua kiểm tra, giới tính cá thể sơn dương đực, nặng khoảng 60 kg, mắc bẫy cáp, bị thương ở chân trước và kiệt sức do vùng vẫy.

Tổ tuần tra, kiểm soát đã dùng võng, lưới tiếp cận và khống chế an toàn cá thể sơn dương để kiểm tra, sơ cứu vết thương bằng thuốc sát trùng. Sau thời gian chăm sóc, cá thể sơn dương khỏe mạnh, vết thương bị xây xước nhưng có khả năng tự phục hồi nên tổ công tác quyết định thả về môi trường tự nhiên. Sơn dương (Naemorhedus sumatraensis) là loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo Nghị định 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ.

Trước đó, ngày 13/2 (mùng 2 Tết Tân Sửu), Trạm Kiểm lâm cơ động và PCCCR Vườn QGBM tổ chức tuần tra, mai phục, theo dõi một đối tượng đáng nghi vấn. Sau khi xác định, một ô tô vào Vườn QGBM theo tuyến đường cao tốc La Sơn – Túy Loan, xã Hương Lộc (Nam Đông), tổ đã tiếp cận, ghi hình và lập biên bản quả tang tại hiện trường đối với ông Võ Bùi Ngọc Thịnh (sinh năm 1988, cứ trú tại số nhà 166, đường Khe Tre, thị trấn Khe Tre, huyện Nam Đông) đang vận chuyển trái phép 10 kg thịt động vật rừng.

Trên xe còn có ông Hoàng Văn Giai (trú tại thôn 1, xã Hương Lộc, huyện Nam Đông). Lực lượng kiểm lâm phối hợp với công an lấy lời khai, các đối tượng thừa nhận số thịt động vật rừng có được là do tự bẫy bắt tại tiểu khu 419, Vườn QGBM, sau đó xẻ thịt mang về tiêu thụ. Kết quả xác minh thịt động vật trên là lợn rừng (ĐVHD dã thông thường). Hạt Kiểm lâm Vườn QGBM ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính và tổ chức tiêu hủy số thịt động vật nói trên theo đúng quy định của pháp luật.

Ông Nguyễn Vũ Linh, Giám đốc Vườn QGBM thông tin, cứ mỗi dịp tết đến, xuân về, lâm tặc và một số người dân địa phương lại lén lút, tìm cách vào rừng săn bẫy ĐVHD. Chỉ một chút mất cảnh giác, lơ là, sơ hở thì các loài động vật bị đe dọa. Những ngày trước tết, Vườn QGBM cũng đã giải cứu, tái thả một số cá thể ĐVHD bị săn bắt, mua bán trái phép về môi trường tự nhiên.

Những ngày trước, trong và sau tết, tất cả các đường mòn, “cửa” ra vào các tiểu khu, cánh rừng đều được lực lượng phân công túc trực, canh gác; nhiều chuyến tuần tra suốt ngày, thâu đêm. Trước tết, lực lượng kiểm lâm của Vườn QGBM đã đẩy đuổi hàng trăm lượt người vào rừng trái phép, có dấu hiệu, mang theo phương tiện săn bắt ĐVHD; đồng thời gỡ hàng ngàn bẫy thú, tránh nguy cơ gây hại, đe dọa các loài ĐVHD.

Cùng với các hoạt động bảo vệ lâm sản nói chung, công tác cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật luôn được Vườn QGBM quan tâm. Chỉ tính riêng năm 2020, đơn vị thực hiện 288 đợt giám sát đa dạng sinh học trên 25 ô và 24 tuyến giám sát. Các lực lượng tiếp nhận cứu hộ, chăm sóc và tái thả 106 cá thể động vật hoang dã (tăng 98 cá thể so với năm 2019) vào môi trường tự nhiên. Công tác sưu tập, bảo tồn và phát triển sinh vật đạt kết quả khả quan. Tính đến nay, Vườn QGBM sưu tập 63 loài lan với gần 600 cá thể phục vụ nghiên cứu, trưng bày.

Để tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, Vườn QGBM thành lập hội đồng khoa học công nghệ, kêu gọi ý tưởng đề xuất từ cơ sở để xây dựng các hoạt động động nghiên cứu, bảo vệ rừng, ĐVHD năm 2021. Trong đó, tập trung áp dụng Radio Tracking khảo sát vùng sống và vùng tái thả an toàn cho loài rùa hộp trán vàng miền Trung; nuôi sinh sản loài dúi; xây dựng hồ sơ bảo tồn, phát triển đa dạng sinh học, bảo tồn các loài ĐVHD, gỗ rừng quý hiếm…

Bài, ảnh: Triều Ninh