Nghệ nhân Nhân dân Trần Duy Mong. Ảnh: PHAN THÀNH

Trước tiên, xin chúc mừng ông với danh hiệu cao quý mà Chủ tịch nước vừa phong tặng. Ông có thể chia sẻ cảm tưởng của mình khi được trao tặng danh hiệu NNND?

Trải qua hơn 50 năm gắn bó với nghề kim hoàn, phần thưởng cao quý mà Chủ tịch nước phong tặng vừa là niềm vinh dự, tự hào, vừa là trọng trách của bản thân trong việc bảo tồn và phát triển nghề mà cha ông, tổ tiên đã dày công gìn giữ và lưu truyền hậu thế. Từ cậu học trò 15 tuổi đam mê nghề đến nghệ nhân của tỉnh, NNƯT và vinh dự cao nhất đó là NNND, tâm nguyện lớn nhất của tôi là cùng với các nghệ nhân trên địa bàn tỉnh góp sức mình nhằm bảo tồn nghề truyền thống nói chung và nghề kim hoàn nói riêng để nghề không bị mai một, thất truyền.

Ông có thể nói rõ hơn về gốc tích nghề kim hoàn và cơ duyên đưa ông đến với nghề để trở thành NNND?

Làng Kế Môn trước đây thuộc xã Phong Thạnh, nay là xã Điền Môn (Phong Điền). Nơi đây được xem như cái nôi nghề kim hoàn. Năm 1789, sau khi đại phá quân Thanh vua Quang Trung đặt kinh đô tại Phú Xuân - Huế và ra lời kêu gọi người tài khắp nơi vào cung giúp vua xây dựng đất nước. Lúc đó, ông Cao Đình Độ là người Thanh Hóa vào kinh đô Huế để làm nghề kim hoàn, khi đi qua sông Ô Lâu thì cả gia đình bị nạn, người dân Kế Môn thấy thế cứu giúp nên mới thoát chết. Nhớ công ơn cứu mạng của người dân làng Kế Môn nên sau khi vào cung, ông Cao Đình Độ đã dạy nghề cho người dân ở đây, trong đó tiêu biểu có con dân hai dòng họ Hoàng và Trần.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ tham quan không gian trưng bày của nghệ nhân Nhân dân Trần Duy Mong tại triển lãm sản phẩm thủ công mỹ nghệ Huế. Ảnh: PHAN THÀNH

Tôi may mắn sinh ra và lớn lên trong một gia tộc có truyền thống về nghề kim hoàn nên đã lĩnh hội được nghề của ông cha và đam mê nghề từ năm 15 tuổi. Qua các bậc tiền bối, con dân trong làng theo nghề kim hoàn khá nhiều, sau đó đưa nghề đi khắp nơi cả trong và ngoài nước.

NNND Trần Duy Mong đã được Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phong tặng “Bảng vàng gia tộc” năm 2016; Giấy chứng nhận, giấy khen đã tham gia và góp phần quan trọng vào thành công của Festival Nghề truyền thống Huế năm 2015 và năm 2017 do UBND TP. Huế tổ chức; tham gia trưng bày triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ tại Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội do Bộ Công thương tổ chức năm 2016.

Năm 1978, Ngân hàng Nhà nước Bình Trị Thiên tuyển dụng nhân viên vào làm việc, tôi nộp đơn và sau đó tôi được bố trí làm kỹ thuật trưởng của Công ty Vàng bạc Thừa Thiên Huế. Khi Ngân hàng Nhà nước thành lập trường dạy nghề kim hoàn, tôi dạy nghề, truyền nghề cho con em trong tỉnh nhằm bảo tồn và lưu giữ nghề. Sau 14 năm làm việc ở ngân hàng, tôi nghỉ việc và cùng với vợ thành lập Cửa hàng kinh doanh vàng bạc mang tên Thuận Thành - Duy Mong và tồn tại đến bây giờ.

Qua 50 năm gắn bó với nghề kim hoàn, thành quả lớn nhất ông làm được cho nghề là gì?

Huế là cái nôi của nghề kim hoàn và là thành phố du lịch, để lưu giữ và tái diễn các hoạt động nghề và các sản phẩm nghề mỹ nghệ kim hoàn truyền thống Huế, tôi đã xây dựng khu trưng bày sản phẩm kim hoàn Tịnh Tâm Kim Cổ, đồng thời mở các khóa đào tạo nghề cho thế hệ trẻ. Ở đó, ngoài không gian trưng bày các sản phẩm đạt giải, các mẫu mã mới thì khu trưng bày hội đủ các sản phẩm kim hoàn được chế tác thủ công, máy móc; bộ sưu tập quà tặng - lưu niệm phục vụ khách du lịch. Khách du lịch, người dân Huế có thể đến đây bất cứ lúc nào để xem thao diễn và tham quan sản phẩm.

Kế hoạch của ông sau khi được phong tặng danh hiệu NNND cũng như phát triển nghề kim hoàn truyền thống?

Trong bối cảnh ngành công nghệ chế tác trang sức phát triển mạnh như hiện nay, nghề kim hoàn truyền thống phải chịu sức ép không hề nhỏ, song với vẻ đẹp và sự độc đáo riêng có, kim hoàn truyền thống vẫn sẽ có chỗ đứng riêng nếu biết phát huy thế mạnh. Không dừng lại với các công đoạn chế tác thủ công, tôi sẽ cùng với các học trò tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu để ứng dụng các máy móc hiện đại, công nghệ mới vào chế tác trang sức, hàng lưu niệm quà tặng góp phần làm phong phú bộ sưu tập quà tặng - lưu niệm Huế, đồng thời tạo ra những sản phẩm độc đáo, mẫu mã mới đáp ứng nhu cầu làm quà tặng cho các đối tác của tỉnh.

Để gắn bó nghề kim hoàn và trở thành nghệ nhân, người thợ phải có niềm đam mê, chịu khó và không ngừng sáng tạo. Trăn trở lớn nhất của tôi đó là tìm ra những người học trò có tâm, có đức và đam mê để truyền nghề với mong muốn góp phần bảo tồn và phát triển nghề kim hoàn trên đất Huế.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

THANH HƯƠNG (Thực hiện)