Chuẩn bị vươn khơi

1. Con phố Huỳnh Thúc Kháng (TP. Huế) không biết tự bao giờ trở thành cung đường quen thuộc của lớp lớp ngư dân vùng lộng. Cho đến bây giờ, trong ký ức của các bậc cao niên, hình ảnh dãy ki ốt ngư lưới cụ ở đây dường như nằm trong tâm trí.

Từ thuở cùng nhau chèo ghe “bủa rùng” hơn mười lăm năm trước, đến giờ tôi mới nhận được cuộc gọi nói chuyện biển của Đăng. Da anh sạm đen, thân hình gầy hẳn, trông già hơn nhiều so với cái tuổi 35. Đăng gọi chỉ để khoe vàng lưới mới cứng mà anh vừa “tậu” ở đường Huỳnh Thúc Kháng. “10 củ (triệu đồng) đó – bằng mấy trăm chuyến xe bò của tui” – Đăng nói.

Trước tết, trong những ngày giông bão triền miên, chiếc thuyền nan 14CV của Đăng nằm bờ. Và ở miệt biển Phong Điền ấy, thuyền nằm bờ, ngư dân phải đi làm “thợ đụng” kiếm sống qua ngày. Điều đó không phải bây giờ mới có mà kéo dài hơn cả thập kỷ. “Tui chừ có 2 nghề, ngoài nghề biển còn có nghề kéo xe bò. Biển động thì con bò như cần câu cơm”, Đăng cười.

Ngư dân vùng lộng trở về sau chuyến biển đầu năm

Bỏ ra 10 triệu đồng để sắm vàng lưới trong thời buổi này chứng tỏ khát khao với biển của Đăng vẫn còn mãnh liệt. Khắp miệt biển Phú Vang, Quảng Điền lời đồn trúng đậm cá khoai thu về hàng chục triệu đồng khiến anh ngư dân trẻ chạnh lòng. “Do lưới mình không bằng họ, chừ phải đầu tư. Cá khoai bữa ni giá trị cao, kéo dài hết giêng hai. Đầu tư vàng lưới bây giờ không chỉ để bủa cá khoai mùa ni mà con đánh bắt cá hố sắp tới. Thậm chí với vàng lưới mới cứng đó có thể dùng tốt trong vài năm nữa”, Đăng chia sẻ.

Ngư dân lan truyền rằng, loại lưới làm bằng cước, dài 400m, cao khoảng 2m, kích cỡ mắt lưới 2cm, có giềng phao và chì ấy tỏ ra hiệu quả ở vùng biển lộng. Không phải bây giờ mà từ lâu lắm rồi, tổ tiên của cư dân vùng lộng đã dùng để đánh bắt cá hố, khoai, bạc má... Cứ sau một vài vụ cá, họ lại đua nhau mua lưới mới. Có lẽ vì thế mà làng nghề đan lưới Vân Trình (xã Phong Bình, huyện Phong Điền) nép mình bên dòng Ô Lâu có điều kiện tồn tại cho đến nay.

Bây giờ, những mùa cá đang bắt đầu nối đuôi cũng là lúc lưới sẽ “bén” nước dày hơn. Nhưng, đánh bắt thế nào hiệu quả lại là chuyện khác. Công nghệ hiện đại, ngư dân không khó tự chọn cho mình trọn bộ “combo” ngư lưới cụ, song hình ảnh ngư dân ngồi đan lưới, giềng phao, chì đến nay vẫn chưa khuất lấp. Nguyên cớ việc này được lão ngư Trần Văn Hòa (xã Phong Hải, huyện Phong Điền) giải thích rằng: “Ngư dân thực thụ chỉ mua ngư lưới cụ thô về rồi tự tay giềng phao, chì. Kinh nghiệm đánh bắt nhiều năm khiến họ rất tỉ mẩn trong kỹ thuật này, nếu để người khác làm sẽ không ưng ý. Thường thì khoảng cách giữa hai phao hay 2 viên chì bằng 1 gang tay người lớn, điều đó sẽ tạo ra độ cân bằng khi đánh bắt tại vùng mặt nước có độ sâu 30m đổ lui…”.

Hải sản được tiêu thụ tại Cảng cá Thuận An

Có những lúc con người đổ lỗi cho biển cả bởi sự hà khắc đến cực đoan. Song, dẫu thế nào đi nữa, khi trở về, lòng biển vẫn "ôm chặt" lấy ngư dân. Gần một tháng sau vụ tại nạn trong quá trình bảo quản con thuyền, Lê Văn Hòa (xã Điền Hòa, huyện Phong Điền) đã có những chuyến biển đầu tiên thuận buồm xuôi gió. Hòa vốn là đầu bếp một nhà hàng tại miền Nam, dịch bệnh COVID-19 bùng phát, việc kinh doanh gặp khó, Hòa trở về quê nuôi tôm thuê. Chủ hồ tôm thua lỗ, Hòa không còn cách nào khác bám víu con sóng, nơi nuôi lớn bao thế hệ gia đình anh.

“Sau nhiều năm lập nghiệp, tôi quyết định trở về làm biển. Dẫu cho thế nào thì cái máu ngư dân đã có sẵn trong con người tôi. Dông buồm vượt sóng tự nhiên những ký ức ngày trước lại trào dâng. Nước mặn, gió biển khiến bản thân “cứng cáp” hơn. Bây giờ, khi cha mẹ đã đi xa, quyết định trở về gắn bó với biển cũng có cơ hội gần gia đình, hương khói cho tổ tiên. Sau vài chuyến, biển cũng cho tôi nhiều thứ, đặc biệt là mấy chục triệu đồng trong vụ cá khoai này. Nếu lao động nghiêm túc, biển sẽ không phụ người”, Hòa tâm sự.

2. Cứ mỗi lần hết tết, tôi lại văng vẳng bên tai tiếng trống giục. Không biết tự bao giờ, trống xuất quân của ngư dân lại rền vang, hào hùng sau những ngày đón tết, nhưng có một điều chắc chắn rằng, nghề biển bây giờ rất thiêng liêng và cao quý.

Nhiều năm rồi, sau những hồi trống xuất quân vang lên, hàng trăm con tàu nối đuôi nhau ra biển lớn đến những ngư trường rộng lớn Hoàng Sa, Trường Sa để đánh bắt vụ cá Nam. Họ không chỉ mang theo khát vọng làm giàu giữa trùng khơi mà còn chính là phên dậu của nước nhà.

Cá khoai đem lại nguồn thu đáng kể cho ngư dân vùng lộng đầu năm

Những năm gần đây, nghề biển lắm gập ghềnh, đặc biệt là tàu đánh bắt xa bờ. Khó đấy, khổ đấy, nhưng nếu bảo ngư dân dừng hay không trước cuộc đua với sóng nước thì tôi chắc rằng họ sẽ gắn bó với biển đến lúc nào sức tàn lực kiệt. Ngư dân Nguyễn Bình An (thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang) bảo rằng, thứ quý giá nhất trong mỗi chuyến biển không hẳn nằm ở sản lượng nhiều hay ít mà niềm đam mê với biển có còn hay không. Năm vừa qua, con tàu công suất hơn 800 mã lực của ông có khi chòng chành vì sóng lớn, nhưng hễ trời thuận, tàu lại đạp sóng vươn khơi. “Sau mỗi chuyến biển trở về, ngư dân nghĩ đến chuyến kế tiếp đã là thành công. Điều đó chứng tỏ, họ không thất thu sản lượng và hụt niềm đam mê”, ông nói gọn.

Với tàu đánh bắt xa bờ, mỗi năm có hai vụ cá chính, vụ cá Bắc và vụ Nam. Vụ Nam có nhiều nỗi lo toan hơn, đó là thiếu hụt lao động biển sau tết, kinh phí cải hoán, nâng cấp tàu cá… nhưng khi tiếng trống xuất quân vang lên, bằng cách nào đó, ngư dân vẫn đủ sức xoay xở để vươn ra biển lớn. “Làm biển cũng là cách thể hiện với tình yêu với đất nước, ngư dân tự hào khi lá cờ Tổ quốc tung bay trên tuyến biên giới biển. Vụ cá Nam cũng là lúc đánh tàu ra thẳng những ngư trường lớn với nhiều hải sản có giá trị cao. Vì thế thu nhập từ vụ này chiếm hơn một nửa trong tổng thu nhập cả năm của ngư dân”, anh Trần Văn Đe (xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc) chia sẻ.

Nghề biển luôn có sự tiếp nối, chuyển giao. Với ngư dân, nó y hệt sự tiếp nối của những mùa cá. Nếu như trước đây, đi biển cần lắm kinh nghiệm, sức vóc thì nay cần thêm cả kiến thức. Có lần, một lãnh đạo thị trấn Thuận An tiết lộ, thật mừng khi những lớp tập huấn về kiến thức luật biển, phương pháp đánh bắt trong những năm gần đây thu hút đông đảo ngư dân tham gia, đặc biệt là ngư dân trẻ, đối tượng dễ dàng hơn trong việc tiếp nhận. Điều đó chứng tỏ, ngư dân đang cẩn thận hơn trong quá trình khai thác biển. “Cùng một kích cỡ tàu cá, cùng một công nghệ đánh bắt, cùng một loại ngư lưới cụ nhưng khả năng khai thác biển của ngư dân tại Huế lại không bằng các tỉnh phía Nam. Chính điều đó khiến chúng tôi phải suy nghĩ và chính những lúc được tập huấn đã vỡ vạc ra nhiều điều. Bây giờ, với nghề biển, ngoài niềm đam mê, đầu tư về vật chất, công nghệ thì cần phải đầu tư về mặt kiến thức”, ngư dân Nguyễn Tiến (xã Phú Thuận, huyện Phú Vang) nói.

Bây giờ, nhiều tàu cá đã vươn khơi đón lộc biển đầu năm, khi tiếng trống xuất quân vang lên, quyết tâm của ngư dân càng thêm bội phần. Dù gì chăng nữa, khát vọng ngư dân vẫn đặt hết vào biển cả.

Bài, ảnh: LÊ THỌ - NGUYỄN KHÁNH