Giới thiệu nghề mây tre đan Bao La cho học sinh

Còn nhiều băn khoăn

Thời gian qua, Sở GD & ĐT mở các hội nghị lấy ý kiến Hội đồng thẩm định tài liệu giáo dục địa phương; riêng tài liệu giáo dục địa phương lớp 1 đã qua 2 lần, mới đây nhất là vào ngày 5/1/2021. Ông Đoàn Minh Thắng, Phó Giám đốc Sở GD & ĐT kiêm Chủ tịch Hội đồng thẩm định cho rằng, đã có nhiều ý kiến công phu, có chiều sâu và hay. Tài liệu đạt yêu cầu, nhưng cần một số sửa bổ sung và sửa chữa cho hoàn chỉnh!

Chúng tôi đã có dịp tiếp cận với tài liệu “Giáo dục địa phương Thừa Thiên Huế” tập 1 (bản mẫu) của NXB Đại học Sư phạm. Tập tài liệu bố trí theo 5 chủ đề (Nơi sinh sống của em - Người hàng xóm của em - Ngôi trường của em - Khu chợ gần nhà em - Cảnh đẹp quê em - Cuộc thi giới thiệu về nơi em sống). Thử chọn một trong số đó - chủ đề “Nơi sinh sống của em”, gồm có các phần: Nhà em ở đâu - Cảnh vật xung quanh nhà - Nhà em gần những địa điểm nào - Đường từ trường về nhà - Làm gì để giữ gìn sạch đẹp nơi em sống? Đó là những gợi ý “mở” rất sát thực, nhưng đáng nói là, nếu không có 3 ảnh chụp về đèo Hải Vân, Dòng Chúa cứu thế và chùa Thiên Mụ trong phần “Nhà em gần những địa điểm nào”, thì tập tài liệu giáo dục địa phương này có thể dùng chung cho các tỉnh, thành còn lại trong cả nước.

Khung chương trình hướng tới nhiều nội dung và mục tiêu. Thế nhưng, vẫn có nhiều băn khoăn. Chẳng hạn, khái niệm “địa phương” nên được hiểu là xã, huyện hay tỉnh? Nếu là “ba trong một” thì đó sẽ là một khối lượng kiến thức rất lớn, khó tiêu hóa hết được dành cho học sinh. Trong trường hợp này, đối với một học sinh ở A Lưới chẳng hạn, lễ hội địa phương được hiểu bao gồm cả lễ hội dân tộc ít người gần gũi diễn ra ngay trên mảnh đất đang sinh sống và các lễ hội chung của Huế với tư cách là một kinh đô xưa (!).

Cũng theo khung chương trình, riêng về lĩnh vực lịch sử - văn hóa địa phương đã có các nội dung: Trò chơi dân gian - Dân ca - Di tích lịch sử (xã/huyện/tỉnh) - Lễ hội (xã/huyện/tỉnh) - Danh nhân (xã/huyện/tỉnh) - Truyền thống giáo dục, khoa cử - Truyền thống bảo vệ đất nước - Lịch sử hình thành và phát triển, truyền thống quê hương - Phong tục, tập quán. Nhìn chung, đây là một khối lượng kiến thức lớn và có nội dung phù hợp với một trường học ở nông thôn (làng, xã) và khá xa lạ với các trường học ở thành phố (!).

Chuẩn xác và giàu bản sắc

Theo PGS.TS. Sử học Đỗ Bang, thành viên Hội đồng thẩm định Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Thừa Thiên Huế, có 5 tiêu chí chung để xây dựng chương trình giáo dục địa phương. Thứ nhất, không trái pháp luật, không có những định kiến về tôn giáo, về tuổi. Thứ hai, nội dung kiến thức của học sinh nhằm hướng đến hướng nghiệp, phù hợp với trình độ, đảm bảo khách quan, có nguồn gốc rõ ràng, tài liệu mở, cho các em tiếp cận đa dạng các nguồn thông tin, chú trọng đề cao đến chủ quyền quốc gia, chủ quyền con người, vấn đề môi trường và biển đảo. Thứ ba, khuyến khích học sinh chủ động trong việc học, thực hành; qua đó, có cơ sở đánh giá về phẩm chất, năng lực. Thứ tư, sử dụng tài liệu hài hòa, phù hợp với năng lực học sinh. Thứ năm, ngôn ngữ tiếng Việt dễ hiểu, trong sáng, gần gũi và có tính địa phương.

Ông Đỗ Bang khẳng định, bản thảo lần 1 tài liệu “Giáo dục địa phương Thừa Thiên Huế” tập 1 (bản mẫu) của NXB Đại học Sư phạm có ngôn ngữ chưa phù hợp với người Huế, mà là ngôn ngữ của miền Nam và miền Bắc. Tranh có gắn với địa phương, nhưng chưa thực sự thể hiện là sách giáo khoa riêng của xứ Huế, cần tiếp tục chỉnh sửa. Chương trình giáo dục địa phương mang tính cấp tỉnh, nhưng kiến thức về phong cảnh và di sản Huế chủ yếu là đồng bằng, chưa có hai huyện miền núi Nam Đông và A Lưới. Về yếu tố quốc gia, chủ quyền chưa thể hiện rõ trong sách.

Trực tiếp cụ thể hóa nội dung tài liệu đến học sinh, cô giáo Lê Thị Ly Na, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phường Đúc (TP. Huế) mong muốn có những bổ sung theo hướng tăng cường bản sắc Huế, hướng đến phù hợp đặc điểm tâm lý, văn hóa gia đình và địa phương của học sinh tiểu học trên địa bàn Thừa Thiên Huế. Cô giáo Ly Na cũng cho rằng, thiết kế các hoạt động để cụ thể hóa các chủ đề giáo dục địa phương cho học sinh nên gần gũi, nhẹ nhàng, đơn giản, dễ thực hiện để đảm bảo thời gian và phù hợp với việc tổ chức ở nhiều vùng miền khác nhau trên toàn tỉnh.

Là vùng đất văn hóa và di sản nên những kiến thức về giáo dục địa phương ở Thừa Thiên Huế được xem là phong phú và giàu bản sắc. Chúng tôi nghĩ, ngay cả việc chọn những vấn đề mang tính cốt yếu, cần khắc sâu cũng đã là công việc “đãi cát, tìm vàng”. Chọn lựa nội dung để đưa vào chương trình phải có tính toán kỹ càng, nếu không sẽ rơi vào tình trạng ôm đồm. Mặt khác, những ý kiến trái chiều xung quanh các bộ sách giáo khoa vừa qua khiến nhiều người băn khoăn về tính chính xác và những giá trị cụ thể của những kiến thức được trình bày trong các cuốn sách khi mà dạy cho học sinh phải là những kiến thức chuẩn (!).

Gần đây, tỉnh và nhiều huyện, xã ở Thừa Thiên Huế đã xuất bản nhiều công trình về địa chí và lịch sử địa phương, đặc biệt là cấp tỉnh, được đầu tư nhiều công sức. Chúng tôi đã có dịp tiếp cận và được biết nhiều trường học dựa vào đó để triển khai các nội dung về giáo dục địa phương. Tuy nhiên, vẫn có quá nhiều sai sót về kiến thức căn bản, được viết khá vội vàng và thiếu một quy trình thẩm định khoa học, khó có thể yên tâm.

Nên “học mà cứ như chơi”

“Mở cuốn sách Giáo dục địa phương Thừa Thiên Huế - lớp 1 ra, các em sẽ bắt gặp nhiều hình ảnh quen thuộc của quê hương mình. Bên cạnh những hình vẽ, hình ảnh, nhân vật dễ thương và ngộ nghĩnh, cuốn sách này còn đem đến rất nhiều trò chơi và hoạt động thú vị. Thầy giáo, cô giáo sẽ từng bước dẫn dắt các em khám phá những địa điểm gần gũi, thân thương ngay ở nơi các em sinh sống, hằng ngày các em đi qua: làng xóm, trường học, khu chợ… Các em sẽ được tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm để cùng khám phá biết bao điều thú vị đang chờ đón các em! Chúc các em một năm học mơi vui vẻ, đạt nhiều kết quả tốt và luôn yêu quý, gắn bó với quê hương mình”.

(Lời nói đầu tài liệu Giáo dục địa phương Thừa Thiên Huế - lớp 1)

Có lẽ do không thật yên tâm với những tài liệu biên soạn nên trong một lần trao đổi, ông Nguyễn Tân cho rằng, tài liệu chỉ là một việc, trải nghiệm cũng là một vấn đề. Không chỉ có trải nghiệm tại các địa phương, di sản, điểm văn hóa mà ngành còn mời các chuyên gia, nghệ nhân về nói chuyện ở các trường. Ngành giáo dục phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế xây dựng chương trình trải nghiệm, có khung chương trình, có chuyên gia, người hướng dẫn. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ thẩm định, học sinh đến di sản làm gì và kết quả thu ra sao. Các em phải hiểu, thấy được, sờ được và rút ra được bài học bổ ích khi tham quan di tích, làng nghề… Quốc Tử Giám sau này sẽ tổ chức các sự kiện về giáo dục và sắp đến, mở hội thi “Trạng nguyên nhí”.

Để mang lại hiệu quả thiết thực, ngoài chương trình tích hợp ở nhà trường, ngành giáo dục và đào tạo yêu cầu các trường phải huy động xã hội hóa. Theo ông Tân, vấn đề là cần sự chung tay của người dân và phụ huynh để đem lại hiệu quả giáo dục toàn diện. Xây dựng chương tình hướng đến học sinh đòi hỏi phải chú trọng tập huấn đội ngũ giáo viên có khả năng khắc sâu, hình thành cho học sinh hiểu biết về văn hóa địa phương. Trong chương trình giáo dục địa phương không chỉ của địa phương tỉnh ban hành mà cần nhiều bài học gắn với thực tiễn. Các trường cần hướng đến tích hợp các môn học trong giáo dục địa phương.

Chương trình giáo dục phổ thông mới được áp dụng cho bậc trung học phổ thông từ năm học 2022 - 2023 đã đề tên giáo dục địa phương là 1 trong số 7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, chiếm tới 20% thời lượng nội dung và là chương trình chính khóa. Tuy đã chuẩn bị khá kỹ càng, nhưng việc xác định nội dung giáo dục địa phương có vị trí tương đương các môn học khác với các trường học ở Thừa Thiên Huế vẫn là một áp lực. Cùng với nỗi lo về những kiến thức địa phương trang bị cho học sinh là cách dạy và học để học sinh không sợ mà còn thực sự yêu thích môn giáo dục địa phương là vấn đề đặt ra.

Từ thực tiễn và những ghi nhận ở Thừa Thiên Huế, chúng tôi cho rằng, đừng để các tiết học nặng nề trên lớp, giáo dục địa phương nên gắn bó nhiều hơn với hoạt động trải nghiệm và kiến thức chuyển cho học sinh nên dưới dạng tìm hiểu, đố vui theo kiểu “chơi mà học” sẽ tạo được hứng thú và kiến thức đón nhận sẽ “mưa lâu thấm đất” hơn. Đừng để học sinh sợ!.

ĐAN DUY - HUẾ THU - HỮU PHÚC