Làm việc với đoàn công tác có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cùng lãnh đạo các sở, ban ngành liên quan.

Đoàn công tác ghé thăm, khảo sát tại cơ sở sản xuất hương sạch Tân Nguyên (Hương Thủy)

Mỗi năm 20 sản phẩm hoàn thiện

Báo cáo kết quả thực hiện các mục tiêu của chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) trên địa bàn tỉnh, ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, triển khai chu trình OCOP các cấp, từ năm 2019 đến 2020, có 34 chủ thể đăng ký tham gia chương trình với 36 sản phẩm, hầu hết là các sản phẩm đã có.

Các nhóm sản phẩm thuộc các ngành thực phẩm có 25 sản phẩm; đồ uống 4 sản phẩm; thảo dược 2 sản phẩm; thủ công mỹ nghệ trang trí 4 sản phẩm; vải, may mặc 1 sản phẩm. 100% sản phẩm đã được đánh giá, phân hạng tại cấp huyện, tỉnh.

Đến nay, tỉnh đã có quyết định phê duyệt, công nhận cho 25 sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Trong đó, có 6 sản phẩm 4 sao và 19 sản phẩm 3 sao. So với mục tiêu tỉnh đề ra trong giai đoạn 2019-2020 đã vượt kế hoạch, về cả sản phẩm được nâng cấp, tiêu chuẩn hóa và sản phẩm phấn đấu 4-5 sao.

Về chủ thể tham gia chương trình, có 21/34 (62%) chủ thể là hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác; số lượng doanh nghiệp là 2/34 chủ thể kinh tế, hộ đăng ký kinh doanh là 11/34 chủ thể.

Trong quá trình hoàn thiện sản phẩm OCOP, có 3 HTX, 2 tổ hợp tác đã được thành lập với mục đích huy động sức mạnh cộng đồng tham gia, liên kết phát triển. Các chủ thể kinh tế là HTX được đánh giá, phân hạng cao.

Cụ thể, 5/6 chủ thể được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao đều là HTX, trong đó 4 sản phẩm đạt 4 sao cấp tỉnh, gồm: bộ sản phẩm đèn trang trí, rổ, rá của HTX Mây tre đan Bao La; trà rau má Quảng Thọ của HTX NN Quảng Thọ II (Quảng Điền); khăn choàng zèng Nhâm của HTX Thổ cẩm xã Nhâm (A Lưới); gạo hữu cơ An Lỗ của HTX sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp An Lỗ (Phong Điền) và chuối già lùn A Lưới của HTX SX và KD nông sản an toàn.

Ông Hồ Vang đánh giá, với những thành quả bước đầu giai đoạn 2018-2020, giai đoạn 2021-2025 là thời kỳ tập trung sâu chương trình với quan điểm chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế dựa trên những giá trị truyền thống, tri thức bản địa địa phương.

Phấn đấu ít nhất 100 sản phẩm được hoàn thiện, nâng cấp, tiêu chuẩn hóa theo tiêu chí sản phẩm OCOP (20 sản phẩm/năm); phát triển từ 2 - 4 làng du lịch sinh thái cộng đồng, kết hợp bảo tồn các giá trị văn hóa tạo ra sản phẩm dịch vụ du lịch tham gia chương trình OCOP; 100% sản phẩm được nâng cấp, tiêu chuẩn hóa tham gia chu trình OCOP và tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm tại cấp huyện, tỉnh.

Các sản phẩm theo Chương trình OCOP của Huế

Xã NTM thông minh

Liên quan đến việc khảo sát một số mô hình thí điểm để xây dựng Mô hình thí điểm xã thông minh của đoàn công tác, tại buổi làm việc, ông Hoàng Bảo Hùng, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Thông tin tỉnh (HueCIT) cho biết, hiện nay, HueCIT đang triển khai xây dựng mô hình kiến trúc “Xã thông minh” trên 3 thành phần chính: Chính quyền điện tử (Chính quyền số) - Xã hội số - Kinh tế số.

“Xã thông minh” được thực hiện thông qua 2 giai đoạn, gồm: nông thôn thông minh (giai đoạn 1); nông nghiệp thông minh (giai đoạn 2). Trong đó, nông thôn thông minh hướng đến mục tiêu hoàn thiện chính quyền điện tử cấp xã và hướng đến chính quyền số, hỗ trợ việc điều hành chính quyền cấp xã “thông minh hơn”.

Đảm bảo an sinh xã hội, an toàn trật tự ở nông thôn. Nông nghiệp thông minh hướng đến mục tiêu ứng dụng KHCN để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao. Tăng giá trị nông sản và mở rộng giao dịch trên mạng Internet.

Theo ông Hoàng Bảo Hùng, để thực hiện các mục tiêu nêu trên, các đơn vị sẽ tập trung vào việc xây dựng bộ tiêu chí về “Xã thông minh” và cơ chế vận hành “Xã thông minh”; hoàn thiện chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số; xây dựng các hệ thống thông tin tích hợp phục vụ xã hội số; xây dựng mô hình hợp tác xã số và từng bước triển khai một số dịch vụ kinh tế số.

Phát biểu tại buổi làm việc, Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương Nguyễn Minh Tiến cho rằng, hiện nay nguồn kinh phí Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính đã dự kiến nguồn. Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương được chọn làm chỉ đạo điểm trong việc xây dựng chương trình OCOP, do vậy phía địa phương cần đề xuất rõ nhu cầu, tiếp tục triển khai các sản phẩm chỉ đạo điểm trong năm 2021, để Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương xem xét bố trí kế hoạch trong năm nay.

Quan điểm của Bộ NN&PTNT, Ban Chỉ đạo Trung ương rất quan tâm đến 3 trung tâm khởi nghiệp sáng tạo OCOP, do vậy, địa phương cần đẩy nhanh tiến độ hình thành đề án, sớm được các cấp, ngành phê duyệt để được bố trí vốn trung hạn của chương trình năm 2022. Đối với chương trình OCOP, địa phương cần đẩy mạnh được trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, tạo ra những sản phẩm mới gắn với lợi thế của Huế để phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế.

“Để chương trình OCOP có sự khác biệt thì phát triển sản phẩm OCOP phải từ sự đặc trưng để tạo ra ưu thế của Huế; đồng thời phải phát huy giá trị nội sinh, phát triển cộng đồng là cốt lõi”, ông Tiến nhấn mạnh.

Đối với nội dung xã NTM thông minh, ông Nguyễn Minh Tiến khẳng định, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương sẽ đề xuất điều chỉnh một số tiêu chí và có một số cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với các địa phương thực hiện. Riêng chương trình chuyển đổi số, NTM thông minh sẽ có nội dung và hướng dẫn cụ thể nhưng trước mắt sẽ triển khai thí điểm ở một số địa phương.

Cùng ngày, đoàn công tác đã tiến hành đi khảo sát, làm việc tại một số địa phương có cơ sở đang sản xuất các sản phẩm theo chương trình OCOP.

Bài, ảnh: Hà Nguyên