Thường sau một mùa tết, con người còn ít thứ để chờ. Cuộc sống trở về đời thường nhất, với cơm áo gạo tiền, với dở dang năm cũ, với mục tiêu năm mới. Trước tết háo hức bao nhiêu, sau tết xao xuyến bấy nhiêu. Chỉ có nỗi nhớ là dày lên, nhớ cái những cái tết xưa, nhớ mấy ngày mồng vừa trôi.
Người ta dễ quý những thứ qua đi, như những mùa tết từng làm con trẻ. Sau phút giao thừa, cha tôi bắc một cái ghế ra ngồi phía sân để lắng nghe tiếng kêu đầu tiên vang vọng. Hồi đó im ắng hơn, không pháo hoa đì đùng, không karaoke inh ỏi, không có cả tivi, cha ngồi xếp bằng lên ghế, thở những hơi nhẹ nhàng. Nếu là tiếng ếch nhái chim muông, cha cười lên một nụ vừa tươi, vừa duyên. Nếu rắn rít cú vọ, khuôn mặt cũng chuyển dần những nét lo âu. Hồi hộp chờ cái tin cha báo đầu năm như một cú ăn may nào đó sắp diễn ra. Nhưng rồi, tôi chẳng nghĩ được gì nhiều sau đó vì những ngày tết vui đã cuối trôi tiếng rắn rít cú vọ, dù trong cha vẫn canh cánh những nghĩ suy về năm mới.
Nơi miền đồng bằng Bắc Trung bộ này, mùa tết là mùa xanh. Trước mặt nhà là cánh đồng. Lúa đã gieo và kịp dặm đều trước thềm năm mới. Mạ cũng tranh thủ vãi những vồng cải, xà lách, tầng ơ, ngò ta cho ngày tết. Cả khoảng không trước mắt được bao trùm những cung bậc của màu xanh. Thế mà đôi lúc tôi quên mất, cứ nghĩ thông xanh, núi đồi nơi xứ sương mù xa xôi mới là của mình trong một năm bỏ nhà đi biền biệt. Cái hôm đầu tiên trở về với đồng lúa, có tre xanh, có cánh cò bay đi trong sương sớm, tôi thấy mình mơn man hạnh phúc. Những chuyến đi xa đôi khi giúp chính mình được trở về thực sự, cả thân thể lẫn tâm hồn.
Tôi gom nhặt những tín hiệu báo riêng cho mình chuyện tết, khi cha gom lại mấy cành củi to để nấu nồi bánh chưng. Khi mạ thả xuống mấy củ gừng lên nhánh, tôi đã thấy cái mùi mứt gừng vừa sên thơm lên những hôm giáp tết. Rồi anh trai cũng gửi vào lòng đất nào vạn thọ, thược dược, lay ơn thì tết cũng hiện về trong mắt, nhộn nhịp như sắc màu của hoa. Với người nông dân, tết luôn bắt đầu từ đất đai, cây cối.
Và khi một buổi sáng thức dậy trời bỗng mù sương, thì tết đã mơn man da thịt. Qua những ngày nắng hạn, qua những ngày mưa lũ bão bùng và qua cả rét buốt tận xương thì một hôm ông trời thức tỉnh, thả những giọt sương và nắng ấm lên mảnh đất này. Sương mù xuất hiện trước tết vài hôm và kéo dài qua những ngày mùng. Chẳng thế mà, nơi xứ sương mù kia cứ ẩn hiện trong tôi những nét quê dày đặc để có lúc tưởng nhầm nơi chốn.
Thường người ta chơi tết trong ba ngày. Tới ngày mồng bốn đã bì bõm cấy dặm trên đám ruộng chưa kịp làm của năm cũ. Vậy là xuân hết tết tàn. Cái thú nông nhàn như vụt trôi khi chân dính bết lấy bùn. Nhưng với tôi, tết sẽ còn chừng nào những giọt sương còn xuất hiện. Sau cái đêm cha tôi ngồi nghe tiếng kêu ước lượng cho một năm, cha lại nhìn đồng ruộng. Tôi bắc thêm một chiếc ghế nữa ngồi cạnh để nghe cha kể về mùa màng năm qua và dấu hiệu năm mới. Vạt lúa trước mắt bắt đầu hiện rõ hình hài. Nắng xiên những đường thẳng tắp rồi xòe chúng tràn khắp không gian.
Tôi chẳng rõ những liên hệ mà một người nông dân xưa như cha tôi định đoán về tiếng kêu, nhện giăng. Nhưng nếu bây giờ, ngồi ngắm mớ tơ sương bao phủ cánh đồng, tôi cũng tin về một năm bội thu như thế. Những màn mạng nhện dệt lên trong tôi bao điều tốt đẹp. Bởi vậy, khi mọi hoạt động của con người bình thường trở lại, tôi vẫn còn thấy tết mồn một trong những hôm trời trở sương và nhện giăng kín cả cánh đồng. Như ngày xưa, những sớm đầy sương, tôi và cha cùng ngắm.
Yên Thường