Quán cà phê đối diện chợ của thầy luôn đông khách. Lúc không dạy, thầy và cô kiêm chân thu ngân và phục vụ. Lúc bận lên lớp, việc này được giao cho đứa cháu và nhân viên. Thầy bảo, khách quê bây giờ người ta cũng sành điệu lắm. Phải cà phê rang xay. Trẻ hơn một chút phải có trà sữa, nước ép các loại để phục vụ. Thế là ngoài giờ dạy, cô còn lên mạng học cách làm, pha chế thức uống. Trà sữa trân châu đường đen đều do cô nấu, làm nên khách thích lắm, giá lại phải chăng, tầm 15k (15 ngàn đồng) một ly. Thức uống ngon rồi nhưng cũng phải có view để khách check-in nên đợt tết thầy cô tận dụng thêm tầng 2 khi không có khách thuê phòng để làm chỗ cho khách ngắm quê, ngắm chợ. Rồi phía trước sảnh đầu tư cây đào giả (cây làm bằng thân gỗ, hoa bằng nhựa) hết gần 20 triệu đồng.

 “Ai cũng nói giá đó đắt so với thực tế”, thầy nói khi tôi có ý định “chê” cây đào giả. Nếu là đào thật thì đẹp hơn, tôi nói. Thầy ừ “nhưng mình chưng được cả năm, có thể là năm này qua năm khác”. Lại nói về giá cây đào giả, người bạn ngồi cạnh bên có vẻ rành về việc này giải thích với cách trang trí, tạo cây như thế chắc chỉ tầm 15 triệu đồng thôi. Có vẻ như thầy bị “hớ”. Thầy chỉ cười rồi giải thích, thật ra thầy biết giá trị thật của nó và cũng biết người ta lấy giá cao so với thị trường. Thế nhưng thầy vẫn vui vẻ trả tiền vì cho rằng, có lẽ người ta có lý do riêng của họ và cũng có thể họ đang kẹt tiền lo việc gì đó cho gia đình. Coi như mình giúp họ một chút và cảm ơn họ đã cung cấp dịch vụ cho mình. Đây cũng là cách mà thầy đối đãi với người xung quanh nên ở khu phố quanh chợ, ai cũng quý mến thầy.

Như đợt thầy làm nhà, dù biết là đội thợ điện nước làm không tốt, giá vật liệu tăng cao so với thị trường nhưng thầy vẫn thanh toán tiền đầy đủ và không quên cảm ơn bằng món tiền thưởng, cho dù lúc đó thầy đang vay nợ ngân hàng. Rồi những tốp thợ khác, thầy cũng lấy cái tình mà đối đãi nên họ quý thầy lắm. Đi làm ở đâu cũng nhắc đến thầy như chủ nhà “có tâm nhất hệ mặt trời”...

 Những điều nghe được không làm tôi bất ngờ. Ba năm học cấp ba với những ngày ăn cơm nhà thầy hai bữa hơn ai hết tôi hiểu rõ thầy của mình. Nghiêm khắc với học trò nhưng đầy lòng trắc ẩn. Sẵn sàng đi mấy chục cây số để xin học bổng cho học trò nghèo. Sẵn sàng dùng hết tiền lương để học trò có cơ hội đi thi đại học. Rồi mở lớp dạy phụ đạo cho học sinh yếu, con dân vạn đò nghèo... Thế nên, bao nhiêu thế hệ học sinh ra trường mấy chục năm sau vẫn quay lại thăm thầy mỗi khi có dịp. Nhiều học trò cũ, trong đó có một số bạn rất thành đạt, giàu có luôn ngỏ ý giúp khi thầy khó khăn nhưng thầy đều từ chối. Thầy luôn tự dặn mình phải giữ phẩm chất nhà giáo, dù nghèo cũng phải sống thanh cao, để luôn được người đời tôn trọng. Đó cũng là điều mà thầy luôn dặn chúng tôi.

Bây giờ vẫn vậy, thầy vẫn đầy lòng trắc ẩn với người xung quanh, với hàng xóm, bạn bè. Chỉ khác là thầy có điều kiện tốt hơn để giúp người khác. Và điều bất di bất dịch ở thầy vẫn luôn là người chấp nhận chịu thiệt về mình trong bất kỳ mối quan hệ nào. Với thầy, đó là niềm vui.

Hồng Tâm