Dự án chỉnh trị cửa biển tư hiền kết hợp tránh trú cho tàu cá sẽ triển khai trong năm 2021

Bồi lấp sau nạo vét

Những năm qua, các cảng cá, vùng cửa biển đều được bố trí kinh phí, nạo vét và nâng cấp âu thuyền đã cơ bản đáp ứng nhu cầu neo đậu, ra vào đánh bắt của ngư dân. Tuy nhiên, qua các đợt bão lụt cùng với ảnh hưởng biến đổi khí hậu, nhiều cảng, cửa biển sau khi nạo vét được vài năm lại bị bồi lắng. Nếu không có giải pháp chỉnh trị, nâng cấp hiệu quả sẽ ảnh hưởng lớn đến việc neo đậu tàu thuyền và hậu cần nghề cá của ngư dân.

Điển hình, sau khi DA xã hội hóa nạo vét cửa biển Tư Hiền (xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc) kết thúc năm 2017, đến nay liên tục xảy ra tình trạng bồi lắng luồng lạch gây nguy hiểm trên đường ra vào cửa biển của ngư dân. Đây là tuyến giao thông đường thủy thông thương giữa biển với hệ đầm phá Tam Giang-Cầu Hai.

Cảng ra cửa Tư Hiền dài hơn 1km, nhưng tàu thuyền phải đi hơn 30 phút bởi phải chạy theo hình zích zắc mới ra vào được. Nhiều ngư dân cho biết, trước đây luồng lạch ra vào có độ sâu từ 8-10m, nay chỉ được vài mét, thậm chí có thời điểm một số đoạn cạn trơ đáy! Thực tế, đã có nhiều vụ tai nạn tàu thuyền xảy ra tại cửa này.

Ông Phan Tuyến (thôn Hiền An 1, xã Vinh Hiền) cho biết: Năm 2017, sau một thời gian rầm rộ nạo vét cát thì chỉ sau một mùa lũ cát lại bồi lấp. Một phần do việc nạo vét của doanh nghiệp không hiệu quả, phần khác thiếu nghiên cứu chỉnh trị luồng lạch. Nhiều tàu thuyền ra vào khu vực này phải di chuyển rất khó khăn. Toàn xã có hơn 100 phương tiện thường xuyên ra vào đánh bắt, tránh trú nên sẽ rất nguy hiểm nếu luồng lạch không được nạo vét, duy tu.

Tương tự, khu vực cửa Lạch Giang thuộc xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc từ khi được nạo vét và đưa vào sử dụng, nay tiếp tục bị bồi lấp sau các đợt triều cường, lũ lụt ảnh hưởng việc lưu thông tàu, thuyền ra biển.

Ngư dân ở đây cho biết, sau khi nạo vét từ đầu năm 2018, việc đi lại tàu thuyền có thuận tiện hơn nhưng vẫn diễn ra tình trạng tàu thuyền mắc cạn khi ra vào luồng lạch do một số điểm cục bộ chưa đạt độ sâu khi thủy triều xuống.

Đặc biệt, từ khi nạo vét, phía trong cửa biển có luồng lạch rộng và sâu, di chuyển có thuận lợi hơn, nhưng ở phía ngoài tiếp tục bồi lấp và đến nay thì tình trạng bồi lắng diễn ra nghiêm trọng hơn.

Được biết, xã Lộc Vĩnh có khoảng trên 300 phương tiện ghe thuyền công suất nhỏ thường xuyên ra vào khu vực cửa này.

Triển khai dự án chỉnh trị

Theo Sở NN&PTNT, đơn vị này đã đề xuất chủ trương đầu tư nhiều DA liên quan đến chỉnh trị luồng lạch và nâng cấp các cầu cảng phục vụ hậu cần nghề cá trong giai đoạn 2021-2025.

Ông Trương Văn Giang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thông tin, hiện tỉnh đang triển khai thực hiện DA “Xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá”; lựa chọn nhà thầu và ký hợp đồng thi công xây lắp đối với DA cảng cá Thuận An kết hợp khu neo đậu tránh trú bão và DA nâng cấp khu neo đậu tránh trú bão Phú Hải (Phú Vang).

Riêng đối với DA cảng cá Tư Hiền kết hợp với khu neo đậu tránh trú bão được đầu tư từ khoản tiền bồi thường của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gồm các hạng mục xây dựng cầu tàu, nâng cấp tuyến kè bờ neo đậu tàu thuyền, sửa chữa hạ tầng khu vực cảng…Các cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu và triển khai hạng mục nạo vét, chỉnh trị luồng lạch tại cửa biển Tư Hiền nhằm đảm bảo an toàn cho tàu, thuyền ra vào tránh trú bão, đảm bảo lưu thông nguồn nước, thuận lợi để trao đổi hàng hoá.

Hiện công trình này đang thực hiện giai đoạn thiết kế bản vẽ thi công và dự toán. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT khẩn trương hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, tổ chức đấu thầu xây lắp để sớm triển khai thi công trong năm 2021.

Đối với khu vực cửa Lạch Giang, năm 2017, UBND tỉnh đã giao Ban Quản lý DA đầu tư xây dựng khu Kinh tế, Công nghiệp tỉnh triển khai thực hiện DA “Nạo vét, gia cố khắc phục tình trạng bồi lấp cửa biển Lạch Giang, xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc” với tổng kinh phí khoảng 6,6 tỷ đồng. Mục tiêu của DA nhằm đảm bảo an toàn cho tàu thuyền ngư dân xã Lộc Vĩnh ra vào đánh bắt thủy hải sản và neo đậu tàu thuyền tránh trú bão, đảm bảo tiêu thoát lũ sông Lạch Giang.

Những năm qua, do ảnh hưởng mưa lũ, bão, triều cường làm cửa biển bị bồi lấp cục bộ, ảnh hưởng đến lưu thông tàu thuyền của ngư dân. Để khắc phục tình trạng trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban Quản lý khu Kinh tế, Công nghiệp tỉnh phối hợp với UBND huyện Phú Lộc hàng năm bố trí kinh phí nạo vét, chống bồi lấp cửa biển Lạch Giang, đảm bảo an toàn cho tàu thuyền của ngư dân ra vào cửa biển.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, hiện nay, nhu cầu neo đậu, tránh trú bão cũng như phát triển hậu cần nghề cá trên địa bàn khá lớn. Toàn tỉnh hiện có 717 phương tiện tàu thuyền khai thác biển (trong đó có 420 tàu xa bờ, 228 tàu cỡ trung, 69 tàu cỡ nhỏ). Từ Nghị định 67/2014/NĐ-CP, trên địa bàn tỉnh đã đóng mới 40 tàu khai thác thuỷ sản có công suất từ 400 CV đến dưới 1.000 CV; ngoài ra còn có hơn 2.000 phương tiện bãi ngang ven biển, đầm phá.

Bài, ảnh: NGUYỄN KHÁNH