Đương nhiên nguyên nhân đến từ hoạt động du lịch lữ hành gần như chậm chạp nhúc nhích và đương nhiên, tác động quan trọng nhất vẫn do sự lây lan, ảnh hưởng của COVID-19, với sự bùng phát nhanh ở Hải Dương.
Suy giảm là trạng thái được ghi nhận ở hầu hết các địa phương ở lĩnh vực hoạt động này. Điều này không chỉ "đo” được ở các trung tâm du lịch mà có thể định lượng được đối với điểm du lịch ở xa, các điểm đến mới sau những nỗ lực để thu hút khách trở lại. Giảm từ 50% đến 80% doanh thu du lịch - dịch vụ ở nhiều tỉnh, thành là một ghi nhận khác từ Thời báo Kinh tế Sài Gòn. Trong đó có những địa phương thường đứng ở top đầu của bảng tổng sắp như Kiên Giang, Khánh Hòa, Bà Rịa-Vũng Tàu…
Nhìn từ con số của Tổng cục Thống kê, có thể nhận thấy trạng thái suy giảm gần như rơi theo chiều thẳng đứng khi doanh thu từ dịch vụ lữ hành tháng 2 giảm đến 40,8% so với cùng kỳ của tháng 1 và chạm mức 60,8% nếu so với cùng kỳ năm 2020 - thời kỳ mà “làn sóng” COVID-19 đầu tiên bắt đầu tác động đến du lịch là một chi tiết đáng lưu ý. Về doanh thu du lịch trong 2 tháng đầu năm, trong khi mảng dịch vụ lưu trú, ăn uống nói chung giảm 4,3% so với cùng kỳ thì mảng du lịch lữ hành giảm đến 62,1%. Không chỉ Hải Dương mà cả TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội, Thừa Thiên Huế là những địa danh được gọi tên ở mức giảm sâu. Giảm 25,65% về khách du lịch; giảm 37,94% lượng khách do các cơ sở lưu trú phục vụ và tổng thu du lịch trên địa bàn trong 2 tháng đầu năm ước giảm 20,49 so với cùng kỳ năm 2020 là con số được thống kê bởi Sở Du lịch Thừa Thiên Huế.
Trong khi đó, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động giảm ở 12 trong tổng số 17 lĩnh vực, được ghi nhận chủ yếu ở các lĩnh vực chịu tác động nhiều nhất bởi COVID-19. Đứng đầu là nghệ thuật, vui chơi và giải trí, giáo dục và đào tạo, dịch vụ lưu trú và ăn uống…
Không hẳn là đóng băng, vì các hoạt động du lịch – dịch vụ đã và vẫn sẵn sàng chờ khách. Nhưng rõ ràng là, dù đã được kiểm soát, nhưng để “rã băng” vì những tác động, ảnh hưởng trên diện rộng của dịch bệnh trên địa bàn cả nước là điều quá khó khăn. Hơn nữa, các tour đón khách quốc tế vẫn chưa thấy tín hiệu tích cực nào.
Không chỉ đặt cược vào vắc xin, vì nó còn hơn cả niềm hy vọng, điều mà các doanh nghiệp ở lĩnh vực này mong mỏi là những chính sách tiếp tục được kích hoạt để hỗ trợ từ phía Chính phủ cũng như những cơ chế mềm mà các địa phương có thể vận dụng. Bao gồm việc miễn giảm các loại tiền thuế, thuê đất; nới lỏng các chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cũng như hỗ trợ để tiếp cận được các gói vay ưu đãi để họ có thể cầm cự qua cơn bĩ cực này.
Minh Hà