Giáo viên cùng học sinh Trường tiểu học Phú Mậu trong một sinh hoạt trải nghiệm. Ảnh: Hữu Phúc
Không học lấy chứng chỉ sẽ rớt hạng
Đầu tháng 2/2021, Bộ GD&ĐT ban hành các thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường mầm non, phổ thông công lập. Điểm mới, giáo viên không phải nộp chứng chỉ tin học và ngoại ngữ khi thực hiện xét, thi nâng ngạch, thăng hạng. Thay vào đó, giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.
Cô giáo N.T.M, giáo viên THCS TP. Huế cho biết, tôi đang hưởng lương hệ số 4,98, nhưng theo quy định, nếu tôi không có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở (THCS) hạng 2 sẽ phải tụt xuống hạng 3. Như vậy, các chế độ cũng sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, chỉ còn vài năm nữa là đến tuổi nghỉ hưu, nên nếu đi học chỉ để lấy chứng chỉ để được “giữ hạng” thì khá vất vả.
Thông tư 03/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS, trong đó, giáo viên hạng I phải “có bằng thạc sĩ trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên THCS hoặc có bằng thạc sĩ trở lên chuyên ngành phù hợp với môn học giảng dạy hoặc có bằng thạc sĩ quản lý giáo dục trở lên”.
“Trường hợp giáo viên THCS hạng I (mã số V.07.04.10) do chưa đạt các tiêu chuẩn của hạng I (mã số V.07.04.30) nên được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS hạng II (mã số V.07.04.31). Sau khi đạt các tiêu chuẩn của hạng I (mã số V.07.04.30) thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS hạng I (mã số V.07.04.30) mà không phải thông qua kỳ thi hoặc xét thăng hạng”. Điều này đồng nghĩa với việc những giáo viên THCS hạng I hiện nay nếu chưa có bằng thạc sĩ sẽ được bổ nhiệm vào hạng II (rớt hạng).
Cô Trần Thị T. cho hay, bản thân đã có nhiều thành tích tốt trong quá trình giảng dạy, đạt chiến sĩ thi đua, có nhiều sáng kiến kinh nghiệm và bồi dưỡng được nhiều học sinh giỏi đoạt giải. Giờ đây, chỉ vì thiếu bằng thạc sĩ, tôi sẽ không đủ điều kiện để giữ hạng. Nhiều giáo viên lâu năm như cô T. cũng phải ngậm ngùi vì khả năng bị tụt hạng do đã lớn tuổi, không muốn đi học thạc sĩ để bổ sung văn bằng theo đúng quy định.
Cần chờ hướng dẫn
Nhiều giáo viên lo lắng, nếu không đi học thì đến tháng 3 sẽ không giữ được hạng, tiền lương hàng tháng sẽ giảm. Thế nên, không ít trường đã đăng ký tham gia học bằng hình thức online. Trước những lo lắng, thắc mắc của giáo viên ở các địa phương vì “giấy phép con” để giữ hạng, thăng hạng giáo viên, Bộ GD-ĐT khẳng định quy định tại các thông tư nêu trên căn cứ theo luật và nghị định của Chính phủ. Cụ thể, Luật Viên chức năm 2010 quy định người được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp nào thì phải có đủ tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp đó và viên chức phải thực hiện chế độ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp trước khi bổ nhiệm hạng.
Mặt khác, không phải khi nào giáo viên cũng phải đi học chứng chỉ ấy. Trong khoảng thời gian 5, 7 năm, thậm chí từ hạng III lên hạng II là 9 năm và hạng II lên hạng I là 6 năm mới phải đi học một lần. Ai có nhu cầu thăng hạng thì mới phải đi học. Việc đi học để giúp giáo viên nắm thêm về quản lý hành chính Nhà nước, hiểu được vị trí của mình là viên chức Nhà nước. Như vậy, giáo viên muốn nâng hạng thì cần đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, trong đó có “Chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh”.
Theo ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, giáo viên và các cơ sở giáo dục cần hiểu đúng tinh thần các thông tư của Bộ GD-ĐT vừa ban hành. Các thông tư này có hiệu lực từ ngày 20/3/2021 và tùy vào tình hình thực tế của mỗi địa phương mà có lộ trình thực hiện khác nhau. Có thể 1 tháng, 2 tháng hoặc nửa năm… chứ không nhất thiết đến ngày 20/3/2021 tất cả giáo viên phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.
Ngành giáo dục và đào tạo đang rà soát đội ngũ giáo viên ở các trường theo các tiêu chí mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra. Từ đó, có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo, bố trí quỹ tiền lương cho phù hợp. Đối với những thầy cô còn thiếu chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh, cần đợi đến khi có hướng dẫn cụ thể của ngành, tránh tình trạng lo lắng và tự đi học để tránh những hệ luỵ không đáng có.
Huế Thu