Đồng bào dân tộc thiểu số ở Hồng Hạ không ai không biết đến Trần Minh Xuông, bởi anh không chỉ là một Chủ tịch UBND xã năng nổ, mà còn là điển hình trong làm kinh tế giỏi.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy xã, người dân Hồng Hạ chuyển đổi trồng cây cà phê, cao su và keo lai cho thu nhập ổn định
|
Anh Trần Minh Xuông tâm sự: “Thực hiện chủ trương của Đảng ủy xã, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ chủ chốt đã nghiêm túc, tự giác đi đầu trong làm ăn kinh tế. Làm kinh tế ở đây không chỉ cho riêng mình, mà có trách nhiệm hướng dẫn, giúp đỡ cùng với bà con trong thôn, bản tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế vườn, rừng, ổn định cuộc sống”.
Trăn trở lớn nhất của không chỉ người dân mà cả Đảng ủy, chính quyền xã Hồng Hà là việc tiêu thụ các sản phẩm. Một số mặt hàng làm ra như keo nguyên liệu, sắn... giá mua thấp hoặc bị tư thương ép giá. Chủ tịch UBND xã Trần Minh Xuông cho rằng: “Ngoài chủ trương bao tiêu sản phẩm, người dân và chính quyền rất mong được đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân phát triển kinh tế vườn, rừng”.
|
Theo hướng dẫn của Chủ tịch UBND xã Hồng Hạ - Trần Minh Xuông, các hộ dân đã thành lập ra các tổ, nhóm phát triển kinh tế rừng. Các nguồn thu từ rừng và đất rừng, giúp nhiều hộ đồng bào thoát nghèo, có hộ vươn lên làm giàu. Riêng gia đình anh Trần Minh Xuông mỗi năm, thu về từ 60 triệu đến 70 triệu đồng. Hiện toàn xã Hồng Hạ có khoảng 15 đến 20 gia đình thu nhập như gia đình Chủ tịch UBND xã Trần Minh Xuông.
Anh Hồ Dương, thôn Cân Tôm, xã Hồng Hạ phấn khởi: “Cây cao su đến với người dân Hồng Hạ chỉ vài năm trở lại đây. Hiện loại cây này được xem là cây chủ lực của xã, cho thu nhập kinh tế cao. Đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây rất phấn khởi, yên tâm sản xuất khi có cán bộ, đảng viên cùng tham gia”.
Để thúc đẩy việc chuyển đổi một số mô hình phát triển kinh tế, Đảng ủy xã đã xây dựng nghị quyết chuyên đề và dựa trên cơ sở quyết tâm cao của toàn thể cán bộ, đảng viên sự hỗ trợ, giúp sức của lãnh đạo huyện A Lưới. Kinh tế rừng, trồng cao su, cây keo nguyên liệu giấy là ba mô hình được xã hướng đến. Trên cơ sở thống nhất, với tinh thần đoàn kết, thống nhất cao, Đảng ủy xã Hồng Hạ đã phân công từng cấp ủy viên, cán bộ, đảng viên phụ trách từng lĩnh vực. Cán bộ, đảng viên được phân công trực tiếp về từng thôn để nắm tâm tư nguyện vọng của người dân, lồng ghép tháo gỡ vướng mắc, vận động, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân.
Bí thư Đảng ủy xã Hồng Hạ - Hồ Viết Lương cho biết: “Sau ba năm thực hiện, với việc “bám” cơ sở của đội ngũ cán bộ, đảng viên, toàn xã trồng được 382 ha cao su, 613 ha rừng kinh tế. Khó nhất với Hồng Hạ là vốn cho sản xuất, ý thức tự chủ của đồng bào chưa cao, nhiều khi còn trông chờ, ỷ lại. Khắc phục tình trạng này, Đảng ủy xã lập các tổ, nhóm phát triển kinh tế rừng, mà nòng cốt là các đảng viên có điều kiện phụ trách, cùng các hộ gia đình khác tạo thành nhóm, giúp nhau cùng trồng, bảo vệ rừng”.
Bên cạnh phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ, quyết tâm khắc phục khó khăn, Đảng ủy xã đã không ngừng chú trọng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ đảng viên. “Hiện xã đã rà soát quy hoạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý; tiếp nhận 6 cán bộ có trình độ đại học. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đảng bộ xã kết nạp 29 đảng viên, nâng tổng số đảng viên toàn xã lên 99 đồng chí. Sức mạnh, sức chiến đấu của tổ chức Đảng cũng nhờ thế nâng lên rõ rệt”, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Hạ Hồ Viết Lương phấn khởi.
Bài, ảnh: Anh Phong