Đồng chí Lê Thanh Nghị. Ảnh: tuoitrethudo.com.vn

Cả cuộc đời cống hiến cho Đảng, cho dân, cho nước

Đồng chí Lê Thanh Nghị tên thật là Nguyễn Khắc Xứng, sinh ra tại thôn Bình Đê, xã Thượng Cốc, huyện Gia Lộc (nay là thôn Bình Đê, xã Gia Khánh, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương). Đồng chí Lê Thanh Nghị đi làm công nhân ở nhà xưởng hóa chất Simi  (Hải Phòng) từ năm 16 tuổi rồi làm thợ ở vùng mỏ Quảng Ninh.

Kế thừa truyền thống yêu nước từ gia đình, người công nhân trẻ đầy nhiệt huyết Lê Thanh Nghị gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên năm 1929 và năm 1930 trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tháng 5/1930, đồng chí bị chính quyền thực dân Pháp bắt, bị tuyên án tù chung thân và đày ra Côn Đảo. Năm 1936, Chính phủ Mặt trận Bình dân lên nắm quyền ở Pháp, chính quyền thuộc địa ở Đông Dương thực hiện một số nới lỏng về chính trị, đồng chí Lê Thanh Nghị được trả tự do nhưng vẫn bị quản thúc ở quê nhà.

Rất nhanh chóng, đồng chí bí mật lên Hà Nội tìm bắt liên lạc với tổ chức và hoạt động cách mạng trở lại. Đồng chí đã xây dựng được nhiều cơ sở cách mạng ở Hải Dương, Hải Phòng và tham gia Thành ủy Hà Nội.

Cuối năm 1938, đồng chí Lê Thanh Nghị được Xứ ủy Bắc Kỳ cử tham gia liên tỉnh ủy B bao gồm các tỉnh Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Kiến An và vùng mỏ Quảng Ninh, trực tiếp phụ trách tổ chức Đảng ở Hải Dương và vùng mỏ.

Cuối năm 1939, đồng chí được Xứ ủy Bắc Kỳ điều lên giúp việc cho đồng chí Bí thư Xứ ủy Hoàng Văn Thụ. Lúc này Chiến tranh thế giới lần thứ hai đã nổ ra, chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương bãi bỏ tất cả các quyền dân sinh dân chủ từ giai đoạn trước đó và thực thi chính sách khủng bố những người cách mạng.

Đầu năm 1940, đồng chí Lê Thanh Nghị bị bắt lần thứ hai. Đồng chí bị kết án 5 năm tù và đày lên Nhà ngục Sơn La. Trong ngục tù khắc nghiệt, đồng chí nêu cao tinh thần bất khuất cùng các đồng chí đấu tranh. Tháng 7/1941, đồng chí Lê Thanh Nghị được bầu là Bí thư Chi bộ nhà tù. Đầu năm 1945, mãn hạn tù nhưng bị chuyển từ “tù có án” sang nơi giam “tù không án”. Trên đường đi, đồng chí đã trốn thoát về An toàn khu (ATK) và được chỉ định vào Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ.

Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng (mở rộng) họp đúng ngày “Nhật - Pháp bắn nhau”, 9/3/1945, đã phân công đồng chí Lê Thanh Nghị trực tiếp chỉ đạo xây dựng ATK II gồm Bắc Giang, Phúc Yên, Vĩnh Yên, Phú Thọ và một phần Thái Nguyên. Tháng 4/1945, đồng chí Lê Thanh Nghị đảm nhiệm thêm nhiệm vụ Ủy viên Thường trực Ủy ban Quân sự Bắc Kỳ, trực tiếp phụ trách chiến khu Trần Hưng Đạo (còn gọi là chiến khu Đông Triều), một trong 7 chiến khu cách mạng, góp phần đưa cao trào tiền khởi nghĩa lên cao và kết thúc thắng lợi cuộc cách mạng giải phóng dân tộc khi thời cơ đến.

Ý chí bất khuất, bản lĩnh kiên cường của người chiến sĩ cách mạng được rèn luyện từ thực tiễn đấu tranh, trong nhà tù đế quốc đã đi cùng đồng chí Lê Thanh Nghị trong suốt cuộc đời cách mạng 60 năm của mình và làm nên một cán bộ lãnh đạo tài năng của Đảng và Nhà nước. Trong tất cả các nhiệm vụ, dù trong những hoàn cảnh khó khăn nguy hiểm cần bình tĩnh, cương quyết hay những tình thế cần xử lý nhạy bén, sáng tạo, đồng chí Lê Thanh Nghị đều đáp ứng lòng tin được Đảng và Nhân dân tin tưởng gửi gắm.

Hậu thế còn nhớ đồng chí Lê Thanh Nghị đã nhiều lần khôn khéo xử lý mối quan hệ căng thẳng Liên Xô - Trung Quốc để tranh thủ sự giúp đỡ cho Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ. Sự nghiệp Đổi mới ở Việt Nam ghi nhận đồng chí Lê Thanh Nghị là người ủng hộ và đã thay mặt Ban Bí thư ký “Chỉ thị 100/BBT”, tháng 1/1981, sau khi đã cân nhắc tìm cụm từ “Khoán đến nhóm lao động và lao động xã viên” để tránh cụm từ “khoán hộ” thời đó còn được coi như “nhạy cảm”. Chỉ thị 100 đã giải phóng sức sản xuất trong nông nghiệp và mở đường cho “Nghị quyết Khoán 10” tháng 4/1988, của Bộ Chính trị khóa VI, để một năm sau đó, lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu được gần 1 triệu tấn gạo. Nhận được tin này, đồng chí Lê Thanh Nghị cảm động rưng rưng nước mắt.

Một cán bộ gương mẫu, chí nghĩa, chí tình

Đồng chí Phạm Hùng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, bạn tù Côn Đảo cùng đồng chí Lê Thanh Nghị năm xưa, thường kể lại chuyện những lúc đi lao động khổ sai về, đồng chí Lê Thanh Nghị thường đi sau, hiên ngang đĩnh đạc chịu đòn hộ anh em khiến cai ngục phải nể phục.  Sau này, trong mọi công việc, khi động viên cán bộ, đảng viên thực hiện, đồng chí Lê Thanh Nghị luôn là người đầu tiên gương mẫu thực hiện trước. Dù có khi còn những bất đồng nhưng đồng chí luôn giữ thái độ điềm tĩnh để xem xét phân tích, giải quyết công việc một cách thấu đáo, có lý, có tình.

Một phẩm chất nổi bật ở đồng chí Lê Thanh Nghị là nếp sống giản dị và luôn gắn bó với Nhân dân. Khi còn hoạt động bí mật, đồng chí luôn dựa vào dân, chia sẻ ngọt bùi với Nhân dân. Sau này, dù ở cương vị lãnh đạo cao cấp, đồng chí Lê Thanh Nghị vẫn thường xuyên đến làm việc với các địa phương, xuống tận cơ sở, trở lại những vùng căn cứ cách mạng trước đây, những vùng đồng bào dân tộc thiểu số  để nắm tình hình thực tế, từ đó kiến nghị với Đảng và Chính phủ ban hành những chính sách quan tâm thiết thực tới đời sống của đồng bào.

Cuộc đời và những cống hiến của đồng chí Lê Thanh Nghị là tấm gương sáng của một người chiến sĩ cách mạng tiêu biểu để các thế hệ cách mạng Việt Nam noi theo.

TS. Ngô Vương Anh

[1] Hồi ký của nguyên Phó Thủ tướng Đoàn Duy Thành