Lướt mạng, bắt gặp một ý tưởng. Theo tôi là hay.

Nếu nói không ngoa, những ý tưởng hay, ngoài những giá trị về sự thú vị nó còn có thể đưa lại rất nhiều tiền, xét về mặt kinh tế. Có lẽ điều này khỏi cần chứng minh thì ai cũng biết.

Anh Phan Thiên Định (xin được mạn phép gọi như vậy), Bí thư Thành ủy Huế, trước khi về giữ chức này anh là Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đưa tin trên trang facebook cá nhân của mình “Bà con thành phố Huế dùng đào tết xong, từ nay đến hết tuần này, có thể đem đến để tại công viên bên cạnh Bảo tàng Hồ Chí Minh (đường Lê Lợi-TP. Huế), nhằm ủng hộ cho huyện A Lưới thực hiện ý tưởng trồng một rừng đào trên vùng cao xinh đẹp và giàu truyền thống văn hoá, lịch sử của tỉnh nhà. (Ý tưởng và đề nghị xuất phát từ ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch UBND huyện A Lưới)”.

Nói ý tưởng này hay là ở chỗ: cái thứ (có thể bỏ đi) lại được “tái sử dụng”. Nếu thành công, nó sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí và thời gian. A Lưới có độ cao 500m so với mực nước biển, khi hậu mát mẻ, đặc biệt là từ chiều về đêm. Loài cây đỗ quyên (ở Huế thường gọi là dòng đỗ quyên Bạch Mã) -  một loài cây thích vùng khí hậu mát mẻ. Đào cũng là một loại cây phù hợp với vùng có khí hậu như vậy nên tôi nghĩ cũng có thể sống và ra hoa được với điều kiện khí hậu tự nhiên ở A Lưới. Hơn nữa, với điều kiện khoa học kỹ thuật chăm sóc cây cảnh như hiện nay, điều này có thể trở nên dễ dàng hơn. Cho nên khả năng thành công để cây đào sống và ra hoa được ở vùng đất A Lưới là rất lớn.

Nói nó hay là ở một điểm nữa, từ những việc làm “nho nhỏ” như vậy sẽ làm cho A Lưới ngày càng đẹp hơn lên, tăng phần hấp dẫn thêm. Đó là những con đường hoa lối xóm; hệ thống đèn đường thắp sáng; các mô hình du lịch sinh thái thác nước, farm, tổ chức những lễ hội vùng cao. Du lịch trải nghiệm đang là một xu thế, đặc biệt là với giới trẻ thích phượt… Cách làm của A Lưới sẽ tạo nền tảng cho phát triển du lịch trong tương lai. Cách đây chừng hơn 2 năm tôi có đến A Lưới, có dịp tiếp cận dự án du lịch sinh thái (lúc đó còn trên giấy) ở khu vực thị trấn A Lưới. Nơi đây là những ngọn đồi, trong đó có một rừng thông lớn hàng chục năm tuổi, có suối, cảnh quan thiên nhiên rất đẹp. Tôi có trao đổi với anh Nguyễn Mạnh Hùng thì anh cho biết, huyện đang kêu gọi nhà đầu tư với ý định sẽ biến nơi đây thành một công viên sinh thái và có thể phát triển mô hình homestay. Hiện nay nhà đầu từ “chưa vào” nhưng huyện đã đầu tư ngân sách để chỉnh trang nơi đây khá đẹp: gồm lối đi, đồi sim, hoa, điện thắp sáng và làm thử nghiệm mấy bungalow (nhà một tầng) lưu trú. Cái này cũng xuất phát từ ý tưởng mà ra. Nếu chưa phát triển được du lịch sinh thái, huyện cũng đã có thêm một công viên làm đẹp bộ mặt trung tâm huyện và tạo điều kiện có nơi cho người dân vui chơi giải trí.

Tôi có cảm nhận huyện A Lưới đang cố gắng tạo ra những thứ “ngoài hàng rào” để tạo được cơ sở hạ tầng và cảnh quan để làm tăng thêm điều kiện thu hút đầu tư. Ý tưởng trồng một vườn đào A Lưới có phải xuất phát từ đây?

Dù là một huyện còn nghèo nhưng việc bỏ ra một khoản kinh phí nào đó (có lẽ không quá nhiều) để tạo một vườn hoa không phải là “ngoài tầm với” trong quyền hạn của lãnh đạo huyện. Nhưng việc đi xin những cây đào tết mà người dân không sử dụng nữa để về tạo thành vườn hoa đào nó “thấp thoáng” cái sự tâm huyết. Và từ đó, nó nảy sinh ra một cách làm.

LÊ PHƯƠNG