Nuôi hàu trên lốp xe ở đầm Lập An

Đơn cử như sau:

Trao đổi với vov.vn, PGS.TS. Nguyễn Văn Sức, Khoa Công nghệ Hóa học và Thực phẩm, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Lốp xe ô tô được chế tạo chủ yếu bằng cao su tự nhiên, hoặc bằng cao su tổng hợp. Khi chế tạo một số các hóa chất được sử dụng trong quá trình chế tạo lốp xe như để lưu hóa, chống ăn mòn và chống đông cứng như các kẽm (Zn) và các hợp chất hữu cơ của kẽm, benzothiazole và các dẫn xuất của nó…

Theo những nghiên cứu gần đây, các chất này có thể rò rỉ ra môi trường xung quanh và là những tác nhân có thể gây đột biến gen. Hàm lượng của Zn và các hợp chất hữu cơ của Zn cao hơn nhiều lần khi ngâm chiết các mẫu lốp xe thải. Mặt khác, Zn và các hợp chất của nó sử dụng là hóa chất công nghiệp sẽ chứa một lượng nhỏ Cd (cadmium) là một nguyên tố rất độc có thể gây bệnh giòn xương…” (Theo vov.vn).

Cùng thời điểm này, Báo Nhân Dân điện tử dẫn nguồn tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Thừa Thiên Huế cho biết: “Căn cứ kết quả phân tích mẫu hàu nuôi trên lốp và nước ở đầm Lập An, Lăng Cô, phá Tam Giang, đầm Cầu Hai, Sở NN và PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế kết luận: Hàu nuôi trên lốp xe ở đầm Lăng Cô có các chỉ tiêu lý hóa, kim loại nặng cao hơn hàu nuôi ở phá Tam Giang, đầm Cầu Hai, tuy nhiên vẫn nằm trong giới hạn cho phép. Như vậy, chất lượng hàu nuôi trên lốp xe vẫn bảo đảm các tiêu chí an toàn thực phẩm…” .

Đứng trước những thông tin này, dư luận và người tiêu dùng hết sức lúng túng không biết thực hư nó như thế nào. Hai luồng thông tin dẫn làm ví dụ nêu trên đều dẫn căn cứ khoa học, nhưng kết quả thì… trái ngược nhau. Tuy nhiên, có một thông tin đáng chú ý trong thông tin của Sở NN và PTNT là “hàu nuôi trên lốp xe ở đầm Lăng Cô có các chỉ tiêu lý hóa, kim loại nặng cao hơn hàu nuôi ở phá Tam Giang, đầm Cầu Hai”. Chúng ta có thể hiểu là lốp xe có tác động đến chất lượng hàu nhưng ở mức cho phép.

Có lẽ chính vì sự “lúng túng” trước thực hư nuôi hàu trên giá thể lốp xe cũ có ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường hay không, nên nó sinh ra một đề tài khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu, đánh giá và đề xuất công nghệ nuôi hàu thân thiện môi trường tại đầm Lập An, huyện Phú Lộc”, vừa được Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế nghiệm thu vào ngày 25/2 vừa rồi.

Dĩ nhiên, trong khuôn khổ một bài báo không thể đưa hết những thông tin chi tiết, cụ thể một đề tài khoa học thực hiện kéo dài trong hai năm, tiêu tốn hết 672 triệu đồng, nhưng theo dõi những gì thông tìn trên báo, có thể tóm tắt những kết luận của đề tài này như sau: “Kết quả, nuôi hàu sử dụng giá thể bằng dây vỏ hàu cho kết quả tốt, giảm thải lượng vỏ hàu ra môi trường hàng năm, làm đẹp cảnh quan môi trường... Riêng nuôi hàu bằng giá thể sử dụng lốp xe cũ khuyến khích hạn chế, giảm dần”. (Theo baothuathienhue.vn đăng ngày 25/2/2021 với tựa đề: “Đánh giá nghề nuôi hàu sử dụng lốp xe cũ tại đầm Lập An”). Theo tôi, cách khuyến nghị và thông tin như trên càng làm cho dự luận thêm lúng túng. Chúng tôi nghĩ rằng, chủ nhiệm đề tài khoa học nêu trên, hội đồng nghiệm thu, hoặc Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế thông tin cụ thể hơn về kết quả nghiên cứu của đề tài, ví dụ như: vì sao lại khuyến nghị nuôi hàu bằng lốp xe cũ lại hạn chế, giảm dần? Có phải những chỉ số khoa học đã nói lên rằng phương pháp nuôi này ở mức độ nào đó có tác động đến môi trường và sức khỏe của người sử dụng?

Cuối năm 2020, Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh đã công bố một đề tài nghiên cứu khoa học tương tự ở tại huyện Cần Giờ, cũng nuôi hàu trên giá thể lốp xe cũ. Có lẽ cũng nên tham khảo những thông tin ở đề tài khoa học này.

Người viết bài này muốn nhìn nhận vấn đề từ góc nhìn – rác thải. Lốp xe ô tô cũ cũng là một loại chất thải công nghiệp. Đã là chất thải, muốn thải ra môi trường đều phải được xử lý mang tính chất khoa học. Nhựa hoặc cao su (tự nhiên hay tổng hợp) đều là loại chất thải khó tiêu hủy. Việc sử dụng lốp xe cũ để nuôi hàu chẳng khác nào loại chất thải này thải thẳng ra môi trường chẳng qua một hình thức xử lý nào. Chúng ta làm sao biết được sau một thời gian người dân sử dụng thì loại chất thải này được bỏ đi đâu!?

Bài: CÁT SƠN - Ảnh: NGUYỄN PHONG