Bên trong căn hầm số 8 ở Chín Hầm

Năm 1941, thực dân Pháp xây dựng khu vực này làm kho chứa vũ khí để đánh Nhật. Khi thực dân Pháp quay lại xâm lược Việt Nam, chúng đã sử dụng những căn hầm này thành nơi giam giữ tù binh. Sau năm 1954, Ngô Đình Diệm lên làm Tổng thống Việt Nam Cộng hòa đã cải tạo khu vực này thành khu vực nhà giam Chín Hầm (gọi là Chín Hầm nhưng thực chất chỉ có 8 hầm và một trại gác của lính) thành nơi giam giữ, tra tấn và thủ tiêu các chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước trên dải đất miền Trung.

Ngô Đình Cẩn (1911-1964) rất thích mặc áo dài, chân đi guốc mộc, miệng nhai trầu, đầu đội khăn xếp nên Nhân dân Huế thường gọi bằng hỗn danh “cậu út trầu”. Sau này, với những việc làm của Cẩn đã gây ra tại Chín Hầm, Nhân dân đổi từ “cậu út trầu” thành “Bạo chúa miền Trung”. Trong thời gian cầm quyền, Ngô Đình Cẩn đã tổ chức bắt những chiến sĩ cộng sản hoạt động tại miền Trung, những người chống đối hay những người có tư thù với mình. Với những chính sách khắc nghiệt, Ngô Đình Cẩn bị Nhân dân lên án dữ dội.

Tùy theo thành phần và đối tượng mà Cẩn cho giam giữ ở các hầm khác nhau. Ngoài giam giữ tội phạm về hình sự của các tôn giáo (chủ yếu là Phật giáo), người trong các tổ chức chính trị đối lập, những người tham gia các cuộc đấu tranh biểu tình như học sinh, sinh viên, tiểu thương..., nhà giam Chín Hầm là trung tâm giam giữ các cán bộ chiến sĩ cách mạng mà chúng bắt về từ nhiều nơi trên cả nước. Tại đây chúng tra khảo phân loại tù nhân để có đối sách cụ thể cho từng người. Những người chúng coi là trọng tội nguy hiểm thì đưa vào biệt giam cầm cố, ngày đêm cho binh lính, thuộc hạ tay chân canh giữ cẩn mật “Nội bất xuất, ngoại bất nhập” với hệ thống bao bọc bên ngoài bằng 5 lớp thép gai và nghiêm cấm người lạ xuất hiện.

Các hầm đều được xây dựng bằng bê tông kiên cố theo lối bán quân sự, nửa chìm nửa nổi. Trước mặt đường là ba hầm: 1, 2, 3; Ở đỉnh đồi là hầm số 4 và trại gác của lính; sau lưng đồi là các hầm số 5, 6, 7, 8. Tất cả các hầm đều nằm xung quanh ngọn núi Thiên Thai lưng quay vào đỉnh đồi, hướng mặt ra chân đồi. Mỗi hầm có mỗi chức năng riêng, mỗi căn hầm là một ngôi mộ chôn những người sống đúng cả nghĩa bóng và nghĩa đen.

Từ khi Chín Hầm được xây dựng xong hàng ngàn người yêu nước của bao thế hệ con người Việt Nam đấu tranh chống lại chế độ tay sai thực dân, đế quốc xâm lược đã phải sống và chết nơi chốn lao tù này. Sau năm 1954, Chín Hầm là trung tâm giam giữ những chiến sĩ cách mạng. Đây là một kiểu nhà tù đặc biệt điển hình của chế độ gia đình trị họ Ngô ở miền Trung.

Để khủng bố tù nhân, bọn tay chân của Ngô Đình Cẩn đã thực hiện các hình thức tra tấn dã man, đánh đập tra tấn lúc nào chúng muốn, với đủ hình thức tra tấn: Đóng người lên tường, dùng dao xẻo từng miếng thịt, tra điện vào đầu ngón tay, ngón chân… hay bắt tù nhân phải thức suốt ngày suốt đêm, buộc người tù phải kéo dài cơn hấp hối trong muôn vàn đau đớn

Vào đây, mỗi tù nhân được cấp một lon uống nước, dĩa ăn cơm, xô đi tiểu tiện và đại tiện. Căn hầm luôn tràn ngập mùi hôi thối bốc lên từ xác chết của chuột, mùi sủng mục của những vũng nước ứ đọng không kịp thoát, mùi máu mủ của những vết thương lở loét không được điều trị trộn lẫn với mùi phân người.

Người tù còn chịu vô số âm thanh, hít thở mùi hôi thối, đối diện với bức tường câm lặng, chống chọi với muỗi, rắn, rết; với cái đói, cái khát, cái lạnh của mùa đông, cái nắng, nóng của mùa hè, những cơn đau dày vò cơ thể mà không được thuốc thang.

Người tù muốn sống thì phải ăn, nhưng ăn ở đây cũng có thể nói là một cách hành hạ tù nhân hiểm độc. Hằng ngày, hai bữa sáng, tối là cơm nguội, cơm hẩm, cơm sống, cơm mang xuống hầm khi nào cũng nguội và ôi. Những hạt cơm khô rời rạc, nhai nghe sừng sực chẳng có tí chất dẻo nào. Thức ăn thường là rau cho lợn với một ít cá khô mục hoặc mắm thối. Thỉnh thoảng, thức ăn với cơm còn trộn một ít đất hoặc dầu hỏa. Đáng sợ nhất là cơm trộn với muối kéo dài đến hàng tuần. Đó là đòn dứt điểm đối với những tù nhân đang kiệt sức không thể kéo dài thêm sự sống.  

Nguyễn Đình Quảng (1923-2014, thân phụ Nguyễn Đình Hiến, thân mẫu Tôn Nữ Thị Trinh) tên hay dùng là Nguyễn Minh Vân, bút danh là Nguyễn Dân Trung, thường gọi là anh Năm Trung là một trong ba đồng chí bị giam tại hầm số 8, sống sót sau vụ đảo chính tháng 11/1963 (cùng đồng chí Bùi Bá Vu, Nguyễn Văn Quý). Đồng chí đã tận mắt chứng kiến cuộc sống tù đày của các anh em tù chính trị với những thiếu thốn về vật chất và tinh thần, bị đày ải giữa cái sống và cái chết kề cận trong gang tấc, nhưng với bản lĩnh thép, kiên cường của người chiến sĩ cộng sản, đồng chí sáng tác và học thuộc lòng 3.000 câu thơ. Sau này 3.000 câu thơ được tập hợp lại thành một tập thơ với tựa đề “Sống trong mồ”.

Thời gian trôi qua, nhưng tội ác của chế độ gia đình trị họ Ngô mà trực tiếp dưới bàn tay Ngô Đình Cẩn và bè lũ tay sai vẫn còn khắc sâu trong lòng người dân xứ Huế mỗi khi nhắc tới khu vực nhà giam Chín Hầm. Nhớ đến Chín Hầm là chúng ta nhớ đến tinh thần cách mạng, ý chí kiên định, không khuất phục của các chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước khi đối mặt với bạo chúa miền Trung Ngô Đình Cẩn và bè lũ tay sai.

Để tưởng nhớ, tri ân tới các chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước đã ngã xuống tại khu vực nhà giam Chín Hầm, đồng thời để ghi dấu tội ác của Ngô Đình Cẩn và bè lũ tay sai, di tích lịch sử Chín Hầm được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ VHTTT và DL) công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Lê Thị Mai An