Cán bộ ở A Lưới trao đổi với người dân về cách thức chăn nuôi

Kiên cố hóa chuồng trại

Khảo sát ở nhiều địa phương của huyện A Lưới vào đầu tháng 3/2021, công tác rà soát chuồng trại, cách thức chăn nuôi của người dân tại các xã vẫn đang được triển khai.

Ông Hồ Văn Tôi, Chủ tịch UBND xã Đông Sơn cho biết, qua khảo sát, toàn xã có hơn 200 hộ chăn nuôi gia súc trong số 396 hộ dân. Tuy nhiên, có khoảng 15% các hộ chưa đảm bảo về chuồng trại.

“Chuồng trại của các hộ dân này chưa đảm bảo che chắn gió, rét. Đó cũng là một trong các nguyên nhân cùng với việc thiếu nguồn dự trữ thức ăn dài ngày khiến đợt rét đậm trong năm qua làm gia súc chết khá nhiều”, ông Tôi trăn trở.

Rút kinh nghiệm mùa mưa rét năm 2020, việc rà soát để có phương án kiên cố hóa chuồng trại và dự trữ thức ăn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được huyện A Lưới đặt ra ngay từ đầu năm. Thống kê từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện A Lưới, đợt mưa rét cuối năm 2020, toàn huyện có đến 909 con gia súc (trên tổng số 22.252 con toàn huyện) bị chết, trong đó, có 62 con trâu, 469 con bò và 378 con dê.

Theo đại diện UBND huyện A Lưới, ngay trong giai đoạn cao điểm đợt rét, huyện A Lưới đã bố trí ngân sách khoảng 200 triệu đồng bổ sung nguồn thức ăn tinh cho gia súc tại các địa phương. Tuy nhiên, kế hoạch dài hạn cần một quá trình rà soát với những phương án, định hướng cách thức chăn nuôi hiệu quả.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện A Lưới–ông Văn Lập cho hay, hiện các xã đang tiếp tục thống kê, rà soát kỹ các hộ chăn nuôi và tình hình chuồng trại (nền móng, tường, mái che) để có phương án kiên cố hóa chuồng trại hợp lý. Huyện cũng có chủ trương thanh lý tôn cũ từ các công trình cũ để hỗ trợ cho người dân làm chuồng, hiện có khoảng 500 tấm tôn.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, ngay đầu năm 2021, lãnh đạo UBND huyện đã có buổi làm việc với ngành nông nghiệp về kế hoạch triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm 2021, đưa ra các phương án dự trữ thức ăn, trồng cỏ, gia cố chuồng trại, tận thu rơm và các phế phụ phẩm nông nghiệp (thân cây ngô, thân cây chuối…) để dự trữ thức ăn cho gia súc. Đặc biệt, trong năm nay, huyện cũng đang nghiên cứu đầu tư máy cuốn rơm, tập huấn nông dân xây dựng cây rơm để chủ động thức ăn trong mùa mưa bão và các đợt rét. “Chúng tôi cũng đã giao Phòng NN&PTNT tham mưu UBND huyện chỉ thị về kiên cố hóa chuồng trại chăn nuôi gia súc”, lãnh đạo UBND huyện A Lưới thông tin.

Thay đổi tập quán chăn nuôi của người dân

Chăn nuôi và trồng trọt đang là nguồn thu nhập chính của các hộ dân huyện A Lưới. Đánh giá từ ngành nông nghiệp huyện A Lưới, chính tập quán chăn thả rong, một phần thiếu thức ăn dự trữ để bổ sung trong đợt rét làm cho gia súc chết nhiều, tập trung ở các địa phương A Roàng, Đông Sơn, Hồng Thủy, Hồng Vân… Vì thế, việc phát triển đàn gia súc và thay đổi tập quán, cách chăn nuôi đảm bảo sức chống chịu tốt hơn với thiên tai, dịch bệnh để cho nguồn thu nhập tốt nhằm thoát nghèo là định hướng của huyện A Lưới.

Trên thực tế, tập quán chăn thả gia súc trên đồng bãi hiện nay cần phải thay đổi. Lý do là đồng cỏ chăn thả tự nhiên bị thu hẹp do chuyển đổi sang đất thổ cư và cho cây trồng như cao su, cà phê, rừng trồng. Số diện tích cỏ trồng từ các chương trình, dự án hỗ trợ các năm trước do người dân không quan tâm chăm sóc nên số lượng còn lại không đáng kể. Vì vậy, nếu không thay đổi tập quán chăn nuôi, “kịch bản” chăn nuôi của năm 2020 có thể tái diễn cho những mùa rét sắp tới.

Theo lãnh đạo UBND huyện A Lưới, ngoài việc nỗ lực hỗ trợ và kêu gọi người dân kiên cố hóa chuồng trại, ngành nông nghiệp và các xã, thị trấn cũng tuyên truyền, vận động người dân thay đổi thói quen chăn nuôi để tránh các rủi ro do thời tiết.

Huyện A Lưới đang thực hiện đề án phát triển đàn bò giai đoạn 2016 – 2025, nhưng đến giai đoạn hiện tại, đã qua giai đoạn nhập vào địa bàn các con giống (đàn bò) mới. Tuy nhiên, theo ông Lập, trên cơ sở đàn bò từ đề án trên (hiện toàn huyện có khoảng 10.000 con), có thể khuyến khích tăng sinh sản.

Huyện A Lưới cũng tranh thủ các nguồn lực từ Chương trình 135, nông thôn mới và Nghị quyết số 88/2019/QH14 về phê duyệt đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 của Quốc hội (ngày 18/11/2019) để tiếp tục có giải pháp phát triển số lượng nguồn giống đàn bò, trâu, dê, hỗ trợ người dân.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC