Cần nỗ lực phục hồi ngành du lịch ASEAN sau những tác động nghiêm trọng gây nên do dịch COVID-19. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN/Dân Việt

Theo đó, các đại diện từ 10 quốc gia thành viên của khối đã thảo luận về ý tưởng cho một chứng chỉ chung trong cuộc họp các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN kéo dài 2 ngày vừa kết thúc vào ngày 3/3 vừa qua.

Bộ trưởng Bộ Thương mại Quốc tế và Công nghiệp Malaysia Mohamed Azmin Ali trả lời báo giới truyền thông rằng 10 quốc gia thành viên ASEAN “chia sẻ những nỗ lực quốc gia về chương trình tiêm chủng”, đồng thời nhất trí về sự cần thiết phải thúc đẩy đóng góp cho tiến trình tiêm chủng trên toàn khu vực.

Bộ trưởng Bộ Thương mại quốc tế và Công nghiệp Malaysia Mohamed Azmin Ali cũng cho biết thêm: “Các bộ trưởng kinh tế đã cân nhắc về khả năng ra mắt và giới thiệu chứng chỉ vaccine kỹ thuật số chung, đặc biệt là để tăng tốc độ mở lại các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, đơn cử như ngành du lịch”.

Theo thông tin đăng tải trên trang The Diplomat, chứng nhận vaccine của ASEAN được đề xuất đưa ra khi Liên minh châu Âu (EU) chuẩn bị hoàn thành kế hoạch thẻ xanh kỹ thuật số, chứng minh khách du lịch đã được tiêm vaccine COVID-19. Bộ trưởng Ali cũng nhận định rằng không có mốc thời gian cho việc giới thiệu chứng chỉ vaccine, nhưng hi vọng “nó có thể sẽ được hoàn thiện trong tương lai gần”.

Du lịch là một ngành quan trọng của nhiều quốc gia Đông Nam Á. Năm 2019, khu vực này thu hút 133,1 triệu lượt khách quốc tế và ở Thái Lan, ngành du lịch chiếm gần 1/5 GDP quốc gia. Tuy nhiên, ngành du lịch của khu vực đã và đang bị phá hủy bởi lệnh cấm du lịch gây nên do đại dịch COVID-19. Điều này ảnh hưởng đến sinh kế của hàng trăm ngàn người.

Cũng theo bộ trưởng Ali, tuy không có mốc thời gian cụ thể cho việc giới thiệu chứng chỉ vaccine ASEAN, nhưng đây sẽ là bước khởi đầu hợp lý trong việc hồi sinh thị trường khách du lịch nội vùng đang phát triển. Theo Ban Thư ký ASEAN, khu vực này đã chứng kiến hơn 50 triệu lượt khách nội khối vào năm 2019, chiếm 36% tổng lượng khách của khu vực.

Vào tháng 2/2021, Đơn vị Tình báo Kinh tế đã công bố một báo cáo cho biết, trong khi các quốc gia như Singapore và Việt Nam sẽ hoàn thành chương trình tiêm chủng trong năm tới hoặc lâu hơn thì các quốc gia khác có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn.

Đặc biệt, Myanmar, Lào, Campuchia, Philippines và Indonesia, với tổng số dân chiếm phần lớn dân số Đông Nam Á đều dự kiến sẽ mất ít nhất 2 năm để đạt được tỷ lệ tiêm chủng rộng rãi, hoặc thậm chí là lâu hơn. Chính vì lý do này, tạo ra chứng chỉ vaccine khu vực là một bước không thể thiếu trong nỗ lực đưa du lịch trở lại và bắt đầu quá trình dài lâu để kéo khu vực thoát khỏi tình trạng tụt dốc do COVID-19 gây ra.

Đan Lê (Lược dịch từ The Diplomat)