Người dân ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản đeo khẩu trang để phòng tránh lây nhiễm COVID-19. Ảnh minh họa: Kyodo/TTXVN

Quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp được đưa ra khi các nhà chức trách đặc biệt thận trọng trong việc đề phòng sự gia tăng đột biến của các ca nhiễm COVID-19, trong bối cảnh hoạt động đăng cai Thế vận hội Mùa hè Tokyo sắp được triển khai.

Một khi tình trạng khẩn cấp được dỡ bỏ, hiện được dự kiến vào ngày 21/3, chưa đầy một tuần trước khi lễ rước đuốc Thế vận hội bắt đầu, Chính phủ Nhật Bản sẽ chào đón những du khách đầu tiên đến từ các quốc gia chưa phát hiện biến thể COVID-19 mới.

Đáng chú ý, thoả thuận đi lại với Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, và Việt Nam đối với các chuyến công tác ngắn ngày có khả năng tiếp tục bị tạm ngừng, do các biến thể mới đã được tìm thấy ở những quốc gia này.

Trước đó, trong một cuộc họp báo ngày 5/3, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga cam kết, quốc gia này sẽ "ngăn chặn sự bùng phát trở lại của các ca nhiễm COVID-19, đồng thời đảm bảo có thể dỡ bỏ tuyên bố về tình trạng khẩn cấp" theo kế hoạch.

Thủ đô Tokyo sẽ đặt ưu tiên lớn nhất vào các biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm, bao gồm cả ở các đường biên giới. "Cần phải cảnh giác cao" đối với các biến thể, ông Yoshihide Suga nói thêm.

Được biết, Chính phủ Nhật Bản đã tạm ngừng việc nhập cảnh mới đối với người nước ngoài vào cuối tháng 12 năm ngoái, do sự gia tăng của các ca nhiễm COVID-19. Người nước ngoài đến từ 11 quốc gia và vùng lãnh thổ có thoả thuận đi lại nói trên cũng đã bị cấm nhập cảnh vào ngày 14/1, khi tình trạng khẩn cấp được ban bố vào cùng tháng 1, trong bối cảnh các biến thể COVID-19 lan rộng ở nước ngoài.

Theo Cơ quan Dịch vụ Nhập cư Nhật Bản, hồi năm 2019, quốc gia này đã ghi nhận con số kỷ lục 31,19 triệu người nước ngoài đến Nhật Bản; tuy nhiên, con số này đã giảm xuống 4,31 triệu người vào năm 2020, đánh dấu mức giảm 86% do các biện pháp hạn chế biên giới.

Thanh Ngân (Lược dịch từ Nikkei Asia)