Nhiều dự án môi trường đang được đầu tư thông qua trái phiếu xanh. Ảnh minh họa: Eq international/Vietnam+

Đó là nhận định được ông Rahul Sheth, Giám đốc Điều hành, và là người đứng đầu mảng trái phiếu bền vững tại Ngân hàng Standard Chartered đưa ra trong bài viết vừa được đăng tải trên Tạp chí Business Times. Một ví dụ điển hình được ông Rahul Sheth chỉ dẫn là Singapore, với cam kết thực hiện phục hồi xanh từ COVID-19, bao gồm sự hỗ trợ để giúp các doanh nghiệp cắt giảm lượng khí thải carbon và thúc đẩy nỗ lực phát triển, đồng thời tạo ra việc làm trong những ngành công nghiệp xanh.

Một lĩnh vực phổ biến mà các doanh nghiệp ASEAN đang tạo ra sự khác biệt là thông qua tài chính bền vững. Khối lượng trái phiếu và các khoản vay xanh của ASEAN đã tăng lên mức 25,4 tỷ USD vào năm 2020, từ mức 17,5 tỷ USD của năm trước đó, với số tiền thu được được sử dụng cho các lĩnh vực bao gồm năng lượng tái tạo, giao thông, nước và chất thải.

Và tài chính bền vững không chỉ giới hạn ở trái phiếu xanh. Standard Chartered đã hỗ trợ khách hàng phát hành trái phiếu xanh, giúp chống lại ô nhiễm đại dương, và trái phiếu bền vững tài trợ cho những dự án phù hợp với các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc (LHQ).

Cân bằng giữa phát triển kinh tế và bền vững

Tuy nhiên, không phải tất cả các doanh nghiệp đều có thể cấp vốn thông qua trái phiếu xanh. Doanh nghiệp trong những ngành công nghiệp phát thải nhiều khí nhà kính, chẳng hạn như giao thông vận tải hoặc năng lượng, thường không đủ điều kiện để bán những loại trái phiếu này.

Mặc dù vậy, sự phát triển của những ngành công nghiệp này vẫn đóng vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng và thịnh vượng của ASEAN. Nghiên cứu từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho thấy, sản xuất nhiệt điện than sẽ phát triển nhanh hơn so với mọi nguồn năng lượng khác ở khu vực Đông Nam Á. Đến năm 2030, tỷ trọng điện than sẽ đạt 42%, tăng so với mức 36% của năm 2014.

Đồng thời, điều quan trọng là những ngành công nghiệp này phải thực hiện các bước đi nhằm làm giảm lượng khí thải carbon. Các thị trường mới nổi như ASEAN phải đối mặt với nhiều trong số những thách thức cấp bách về tính bền vững của thế giới, chẳng hạn như ô nhiễm không khí, biến đổi khí hậu, suy giảm đại dương và khan hiếm nước. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính rằng, hơn 1/3 trong số 7 triệu ca tử vong sớm liên quan đến ô nhiễm không khí hàng năm trên toàn cầu là ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương.

Chuyển đổi từ “nâu” sang “xanh”

Đây là nơi mà các trái phiếu “chuyển đổi” có thể tạo ra sự khác biệt. Như tên gọi của loại trái phiếu này cho thấy, trái phiếu chuyển đổi từ “nâu” sang “xanh”, do đó mang lại cơ hội gây quỹ cho những doanh nghiệp phát thải nhiều carbon với mong muốn cắt giảm tác động môi trường của hoạt động kinh doanh của họ, đồng thời tạo ra sự thay đổi bền vững lâu dài.

Theo nghĩa rộng, số tiền thu được từ trái phiếu “chuyển đổi” có thể được sử dụng cho các dự án giúp giảm đáng kể và/hoặc lâu dài đối với lượng khí thải carbon. Đó có thể là một hãng hàng không đầu tư vào những chiếc máy bay hiệu quả về năng lượng hơn, hoặc một doanh nghiệp năng lượng tài trợ cho một nhà máy điện sử dụng nhiên liệu ít phát thải carbon hơn. Các doanh nghiệp sẽ cần phải xem xét những công nghệ giảm thiểu carbon có sẵn cho họ, trước khi thực hiện đầu tư.

Trong khi trái phiếu “chuyển đổi” là một lựa chọn bổ sung gần đây vào các lựa chọn tài chính bền vững, đơn vị phát hành và nhà đầu tư đều quan tâm đến việc nắm bắt hình thức này. Ví dụ, các doanh nghiệp bao gồm Công ty phân phối khí đốt Cadent của Vương quốc Anh, Tập đoàn cung cấp năng lượng CLP Holdings của Hồng Kông (Trung Quốc), Hãng hàng không Etihad Airways của Abu Dhabi, và Công ty Snam của Italy đã phát hành loại trái phiếu này. Và ASEAN có vẻ sẽ tham gia, khi các tin tức cho thấy ADB và Công ty điện lực quốc doanh Indonesia PLN có kế hoạch phát hành trái phiếu “chuyển đổi” trong năm nay.

Theo ông Rahul Sheth, trái phiếu “chuyển đổi” mang lại cơ hội tuyệt vời để giúp đạt được các mục tiêu bền vững của ASEAN. Nhằm chuyển đổi thành công, các doanh nghiệp cần thực hiện cam kết lâu dài để đạt được một số mục tiêu nhất định đã nêu. Phát hành trái phiếu là một cách quan trọng để các doanh nghiệp thúc đẩy chương trình nghị sự bền vững của họ, cũng như đóng góp vào một tương lai bền vững dành cho tất cả mọi người.

LÊ THẢO

(Lược dịch từ Business Times)