Tuyên truyền vận động người dân tham gia BHYT

Tranh thủ mọi lúc, mọi nơi

Ba tháng sau ngày 25/3/2020, UBND tỉnh công nhận 5 xã bãi ngang nêu trên đạt tiêu chuẩn NTM, BHYT huyện Quảng Điền đã đề nghị các xã thành lập Ban chỉ đạo; tăng cường mở hội nghị tư vấn, tuyên truyền và vận động người dân tham gia BHYT. Trong tình hình dịch bệnh COVID-19, ông Đặng Ngọc Tiến, Phó Giám đốc phụ trách BHXH Quảng Điền thông tin, nhiều hội nghị được mở ở tận thôn xóm nhằm hạn chế tình trạng tụ tập đông người. Cán bộ cơ quan BHYT huyện được phân về xã nắm tình hình và đốc thúc công tác BHYT. Đồng thời, thành lập các tổ, nhóm công tác “đến tận ngõ, gõ tận nhà”.

Tại xã Quảng Thành, bà Phan Thị My My, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, địa phương đã tăng cường vận động qua Cổng thông tin điện tử, facebook, zalo… Trực tiếp về các thôn vận động, tranh thủ lồng ghép ở các cuộc họp dân trong thôn để tư vấn về BHYT. Xã Quảng Thành có 9 thôn. Trong những tháng qua sau bão lụt, bà My My cùng với các đại lý thu liên tục về tận thôn, đến tận gia đình vận động tham gia BHYT.

Người dân xã bãi ngang được cấp thẻ BHYT, nay phải tự bỏ tiền mua nên cảm thấy “xót”... Đại lý thu phải bám sát địa bàn để tuyên truyền, vận động. Từ thực tế ở địa phương, bà Đặng Thị Huệ, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Quảng An cho rằng: “Xác định đây là giai đoạn “cao điểm”, chúng tôi trực tiếp tranh thủ khi ngư dân lên bờ, bán thành phẩm là vận động mua BHYT luôn. Không chỉ phân tích cho họ nhận biết giá trị của chính sách, chúng tôi còn tư vấn tham gia BHYT đúng thời điểm để không bị gián đoạn quyền lợi được hưởng 5 năm liên tục.

Cũng tại xã Quảng An, bà Nguyễn Thị Phụng, Chi hội trưởng hội phụ nữ thôn An Sơn Tây cho biết: Chúng tôi tranh thủ các buổi họp tổ phụ nữ để vận động chị em tiết kiệm tiền để mua thẻ BHYT. Có những chị khó khăn tạm thời thì được chị em trong tổ cho mượn mua BHYT để đảm bảo quyền lợi. "Cách làm hiệu quả nhất vẫn là đi sâu, đi sát, nắm bắt được từng hoàn cảnh kinh tế, tâm tư của mỗi hội viên để có cách tuyên truyền, vận động và hỗ trợ thiết thực, kịp thời. Dần dần, nhận thức của hội viên về tầm quan trọng của thẻ BHYT có sự chuyển biến tích cực”. Bà Phụng chia sẻ.

Giảm không quá… sốc

Toàn xã Quảng An có 5.000 người dân tham gia BHYT hộ gia đình (đạt tỷ lệ 95%), còn 1.600 người làm ở các tỉnh nên tự mua BHYT ở các tỉnh. Năm nay, dịch COVID - 19, người lao động ở lại quê làm ăn và số này vẫn tiếp tục tham gia BHYT ở địa phương. Toàn xã có 11 đại lý thu. Công tác tuyên truyền khá tốt nên mặc dù theo quy định, người dân có thể mua thẻ BHYT từng quý nhưng đa phần đều mua cả năm.

Nhiều người dân, như gia đình chị Nguyễn Thị Thủy ở Tân Thành (Quảng Thành) đông con, làm nông rất khó khăn, sau khi được tuyên truyền đã bỏ heo đất tiết kiệm hằng ngày để tích lũy mua thẻ BHYT. Đến đầu tháng 2/2021, xã Quảng Thành có 7.988 đối tượng tham gia BHYT (gồm hộ gia đình, cận nghèo và học sinh) sau khi xã thoát bãi ngang, giảm 1.105 đối tượng.

Quảng Thái là xã khó khăn nhất trong số 5 xã bãi ngang vừa được công nhận xã NTM. Kinh tế khó khăn, đối tượng chính sách nhiều (là xã Anh hùng) và có người dân đi làm ăn xa nhiều. Nhờ chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể địa phương tích cực vào cuộc, có nhiều hình thức tư vấn, vận động phù hợp nên số lượng tham gia BHYT sau khi được công nhận NTM tăng gấp 3 lần so với chỉ tiêu đề ra, đạt con số 3.123/3.640 người.      

5 xã Quảng Thái, Quảng Ngạn, Quảng Lợi, Quảng An và Quảng Thành có 31.845 đối tượng được cấp thẻ bãi ngang. Theo thống kê đến ngày 31/1/2021, chỉ 1 tháng sau khi chính thức “thoát bãi ngang” lên NTM  theo quy định, 5 xã này có 25.782 đối tượng tham gia BHYT, giảm 6.063 đối tượng, không quá… sốc, chủ yếu là học sinh - sinh viên và người đi làm ăn xa. Đáng nói là, trong số những người đi làm ăn xa có rất nhiều người đã mua BHYT. Tỷ lệ “ lủng” thẻ (thẻ BHYT có giá trị sử dụng kể từ ngày cấp thẻ đến ngày dừng đóng BHYT) chỉ đạt mức 5/1.000 đối tượng, chủ yếu do quên.

Không thể thiếu tấm thẻ BHYT

Huyện Quảng Điền có 7/10 xã thuộc “xã bãi ngang”. Trước đó, 2 xã Quảng Công và Quảng Phước đã thoát bãi ngang và được công nhận NTM. Ông Đặng Ngọc Tiến, Phó Giám đốc BHXH Quảng Điền cho rằng, các xã bãi ngang lên NTM gặp trở ngại do lao động địa phương đi làm ăn xa, nên việc vận động để tham gia BHYT gặp khó khăn. Một số hộ dân là đối tượng vừa thoát nghèo, kinh tế chưa ổn định, trong khi không còn cơ chế hỗ trợ, nên còn e dè, ngần ngại chưa quyết định tham gia mua BHYT. Bên cạnh đó, một số người dân tuy đã được tuyên truyền, vận động, song vẫn còn thói quen ỷ lại vào sự bao cấp của Nhà nước.

Theo Bộ tiêu chí quốc gia, xã NTM là phải có từ 85% dân số trở lên tham gia BHYT. Thời gian qua, các “xã bãi ngang” đạt chuẩn nông thôn mới ở Quảng Điền đã có những giải pháp tích cực để đạt và nâng cao tỷ lệ người dân tham gia BHYT. Tuy nhiên, để giữ được tỷ lệ này một cách bền vững, rất cần sự quan tâm, tiếp tục vận động của ngành BHXH và các địa phương, nhất là khi các xã đã đạt NTM đang phấn đấu, hướng đến xây dựng xã NTM kiểu mẫu thì phải có 95% số dân tham gia BHYT theo Quyết định 691 của Thủ tướng Chính phủ.

Bệnh viện huyện Quảng Điền là địa chỉ y tế khám chữa bệnh BHYT đáng tin cậy. Tại trạm y tế ở các xã một thời bãi ngang đã có bác sĩ phục vụ công tác khám chữa bệnh 100%, trong đó có 4 trạm y tế xã thực hiện khám chữa bệnh bằng đông - tây kết hợp. Chính thái độ phục vụ tận tình, chu đáo của đội ngũ y, bác sĩ và điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt ở ngay tuyến cơ sở, từ huyện về xã ở Quảng Điền tạo thuận lợi cho người dân tự tin khi tiếp cận với các dịch vụ y tế. Thiết nghĩ, đó là cách vận động tốt nhất người dân các xã bãi ngang được công nhận NTM không còn quá luyến tiếc với sự bao cấp của Nhà nước, tự nguyện đến với tấm thẻ BHYT lâu dài và bền vững.

Bài, ảnh: Đan Duy