Thế giới vẫn đang oằn mình chống dịch COVID-19. Ảnh minh họa: Xinhua/Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Cụ thể, trong một buổi họp báo gần đây, Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, sau Thế chiến thứ II, thế giới đã trải qua nhiều đau thương bởi Chiến tranh thế giới thứ hai đã cướp đi nhiều sinh mạng. Và bây giờ với đại dịch COVID-19 này, với sức tấn công kinh khủng hơn, số người bị ảnh hưởng cũng nhiều hơn. Hầu như toàn bộ thế giới đều bị ảnh hưởng. Từng cá nhân đều chứng kiến cuộc sống bị tác động bởi đại dịch COVID-19.

Chính vì những lý do này, vị tổng giám đốc cho rằng điều này có nghĩa những tổn thất hàng loạt do đại dịch gây nên thậm chí còn lớn hơn những gì thế giới phải trải qua sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Trong đó đặc biệt phải nhắc đến là sức khỏe tâm thần. Khi có tác động hàng loạt, hậu quả gây ra cho cộng đồng sẽ kéo dài trong nhiều năm tới.

Bình luận của ông Tedros được đưa ra để trả lời cho câu hỏi về việc liệu các nước có nên tính toàn nhiều hơn đến tác động của đại dịch đối với nền kinh tế và sức khỏe tâm thần khi các chính quyền lên kế hoạch cho con đường tương lai phía trước. Về vấn đề này, các chuyên gia cho rằng sức khỏe tâm thần phải là vấn đề được ưu tiên.

“Câu trả lời đương nhiên là có. Con người phải chịu rất nhiều tác động khác nhau, cho dù là bạn mất đi một người thân yêu, hoặc một thành viên trong gia đình, hay một người bạn vì đại dịch COVID-19 này. Ngoài ra cũng phải kể đến những tổn thất khi là bạn mất việc, con cái không thể đến trường hay bị buộc phải ở nhà trong những hoàn cảnh cực kỳ khó khăn”, Maria Van Kerkhove – Trưởng nhóm kỹ thuật thuộc bộ phận dịch bệnh khẩn cấp của WHO chia sẻ.

Cũng theo bà Maria Van Kerkhove, hiện thế giới vẫn đang ở trong giai đoạn “cấp tính” của đại dịch, khi virus đang xé toạc các cộng đồng, cướp đi sinh mạng của hàng chục ngàn người/tuần. Dù vậy, tổn thất về mặt tinh thần vẫn sẽ nổi lên như một vấn đề dài hạn. Đây là vấn đề cần được các chính phủ, cộng đồng, gia đình và cá nhân chú trọng nhiều hơn để hướng đến đạt được hạnh phúc.

Trong một ý kiến khác có liên quan, Tiến sĩ Mike Ryan, Giám đốc điều hành chương trình y tế khẩn cấp của WHO kêu gọi mọi người không nên chỉ nêu bật mức độ tổn thương về tinh thần gây nên bởi đại dịch mà cũng cần phải thảo luận về các giải pháp.

Theo Tiến sĩ Mike Ryan: “Có một điều cần nhìn nhận là sức khỏe tâm thần và tâm lý đang chịu áp lực. Điều đó đúng. Nhưng mặt khác cũng phải được nhắc đến là những gì chúng ta đang triển khai để hỗ trợ và cung cấp sự giúp đỡ về tâm lý cho người dân và cộng đồng các nước”.

Tính đến 13h22p ngày 8/3 theo giờ Việt Nam, thế giới ghi nhận tổng cộng gần 117,5 triệu người nhiễm COVID-19. Trong đó có hơn 2,6 triệu ca tử vong và gần 93 triệu bệnh nhân đã bình phục. Mỹ, Ấn Độ và Brazil là ba nước có số ca nhiễm COVID-19 cao nhất thế giới với lần lượt là hơn 29,6 triệu ca; hơn 11,2 triệu ca và khoảng 11 triệu ca nhiễm.

Hạnh Nhi

(Lược dịch từ CNBC & Worldmeters)