Cán bộ địa phương trực tiếp đến nhà tuyên truyền về xuất khẩu lao động cho người dân

Hướng đi mới

Liên lạc với em Vương Thị Hồng Với (xã Thượng Long) hiện đang làm việc và sinh sống tại Nhật Bản qua Facebook. Chia sẻ với Báo Thừa Thiên Huế, Với cho biết, gia đình đã có em trai đi xuất khẩu lao động tại Nhật từ năm 2018. Sau khi tốt nghiệp đại học khoảng 3 năm, Với quyết định “tiếp bước” dưới sự hỗ trợ kinh phí của em trai. Đến Nhật Bản từ cuối năm 2019 theo chương trình thực tập sinh, nay em đang làm việc tại bộ phận kiểm hàng của một công ty sản xuất nhựa ô tô, thu nhập ổn định.

Hiện do tình hình dịch COVID - 19 diễn biến phức tạp tại Nhật Bản, công việc ít hơn nên sau khi trừ chi phí sinh hoạt, mỗi tháng Với tiết kiệm được khoảng 15 triệu đồng. Số tiền trên được em tích góp cho kế hoạch tương lai và trích một phần gửi về phụ giúp gia đình.

“Đây là một khoản thu nhập khá so với làm việc tại Việt Nam, hy vọng tình hình dịch bệnh sớm được kiểm soát để bọn em được tạo điều kiện tăng ca, kiếm thêm thu nhập gửi về cho gia đình”, Với chia sẻ.

Không riêng Vương Thị Hồng Với, giai đoạn 2017 - 2020, toàn huyện Nam Đông có gần 40 trường hợp con em địa phương đi xuất khẩu lao động tại nhiều nước, trong đó chủ yếu là Nhật Bản và Đài Loan. Từ 2017 đến nay, trên địa bàn huyện cũng có 17 công ty hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng như: Chi nhánh Công ty CP Traenco; Công ty CP quốc tế T&T Hà Nội; Công ty TNHH đầu tư, hợp tác Quốc tế DAYSTAR… Hầu hết các doanh nghiệp đến tư vấn, tuyển dụng đều thông qua chính quyền địa phương nên được người dân tin tưởng.

Theo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, những năm qua, công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn huyện được triển khai đồng bộ. Huyện ủy đã ban hành Chỉ thị số 11 ngày 20/3/2018 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xuất khẩu lao động. UBND huyện đã triển khai Chỉ thị đến các cấp, các ngành và các xã, thị trấn. Đồng thời, kiện toàn Ban chỉ đạo xuất khẩu lao động; hằng năm đều triển khai kế hoạch, giao chỉ tiêu đến các xã, thị trấn.

Phát huy

Ông Võ Phước Hóa, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Nam Đông cho biết, huyện tổ chức tuyên truyền đưa lao động đi làm việc ngoài nước bằng nhiều hình thức đa dạng như bản tin, phóng sự. Trong đó, chú trọng đến việc lấy những điển hình là các thôn, xã có phong trào đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và những người đã từng đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có hiệu quả để chứng minh. Đồng thời, triển khai tập huấn nâng cao năng lực, kiến thức về lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng cho cán bộ huyện, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố; đưa cán bộ về tư vấn trực tiếp cho người lao động tại thôn, tổ dân phố.

Theo ông Võ Phước Hóa, thời gian tới, để công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn huyện tiếp tục được mở rộng cần có sự vào cuộc sát sao, quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Trong đó, tập trung đa dạng hóa công tác thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; công khai đầy đủ, chính xác, minh bạch các thị trường, khoản chi phí, điều kiện làm việc, sinh hoạt, đóng góp, tiền lương, thu nhập và các quyền lợi của người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài.

Công tác giáo dục định hướng nghề nghiệp cần sát với đơn đặt hàng của đơn vị tư vấn để vận động người lao động học nghề, học ngoại ngữ tại các trường, trung tâm dạy nghề, trung tâmgiới thiệu việc làm trên địa bàn tỉnh.

Để gỡ khó về nguồn vốn cho người lao động, huyện tập trung thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng của Trung ương và địa phương. Đồng thời, lồng ghép các chính sách hỗ trợ việc làm của Nhà nước để khuyến khích người lao động, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp tham gia làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có khả năng, uy tín mở chi nhánh, đặt văn phòng đại diện tại địa phương để tư vấn, tuyển chọn lao động.

“Không chỉ chú trọng mở rộng số lượng; công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, đánh giá hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cũng cần được chú trọng. Phải định kỳ tổ chức đánh giá kết quả công tác đưa người lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng của địa phương; thường xuyên có chế độ trao đổi thông tin với các địa phương, doanh nghiệp để nghe các ý kiến phản hồi và có những giải pháp điều chỉnh phù hợp”, ông Hóa nhấn mạnh

Năm 2021, UBND huyện đã ban hành Đề án hỗ trợ “Hỗ trợ người lao động huyện đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, giai đoạn 2021-2025”. Nam Đông cũng đã triển khai Chính sách hỗ trợ vay vốn rộng rãi đến người dân và Ngân hàng Chính sách - xã hội huyện luôn sẵn sàng hướng dẫn hồ sơ, thủ tục cho các trường hợp có nhu cầu.

Bài, ảnh: Minh Nguyên