Sản xuất chai thủy tinh tại Công ty TNHH MTV Thương mại và Đầu tư Glass Vico, KCN Phong Điền

Thực hiện mục tiêu kép

Là DN chuyên sản xuất các mặt hàng thủy tinh dân dụng, thủy tinh bao bì và các sản phẩm thủy tinh theo yêu cầu của khách hàng, năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, sản phẩm của Công ty TNHH MTV Thương mại và Đầu tư Glass Vico hoạt động tại KCN Phong Điền gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ.

Giám đốc công ty, ông Lê Đức Thuận cho rằng, năm 2021, để duy trì hoạt động và tạo việc làm thường xuyên cho người lao động, ngoài việc sản xuất các sản phẩm thủy tinh cung cấp cho thị trường nội địa, đơn vị đang lập kế hoạch giao dịch với khách hàng nước ngoài, trong đó giới thiệu 25 mẫu sản phẩm cung ứng cho thị trường để đóng hàng xuất khẩu. Hiện, công tác tiếp thị trực tuyến được công ty đẩy mạnh nhằm thực hiện mục tiêu năm 2021 phải duy trì sản xuất và giữ được khách hàng.

Ông Thuận cho biết, để duy trì và ổn định sản xuất, công ty đặc biệt chú trọng đến công tác phòng chống dịch, trong đó trang bị thiết bị phòng chống dịch, thực hiện các quy tắc phòng dịch trong nhà máy nghiêm ngặt, trang bị phòng cách ly tập trung cách xa nhà máy, giản cách giờ ăn và thực hiện tốt quy tắc 5K.

Tại các DN hoạt động ở KCN Phong Điền, như Công ty Scavi Huế, Công ty Prime Phong Điền, Frit Phú Xuân…, hoạt động sản xuất và phòng chống dịch COVID- 19 được triển khai đồng bộ. Trong đó, các nhà máy đều thành lập ban chỉ đạo phòng chống dịch, trang bị phòng cách ly y tế, khai báo y tế, đồng thời lên phương án làm việc online nếu nhà máy xuất hiện ca bệnh.

Giám đốc Công ty CP Prime Phong Điền Nguyễn Tường Nhật thông tin, năm 2020 DN, gặp nhiều khó khăn do lượng hàng tiêu thụ khó, sản lượng giảm 30% so với năm 2019 nên năm 2021, đơn vị quyết tâm thực hiện mục tiêu vừa tăng tốc sản xuất, vừa phòng chống dịch COVID-19 nhằm nâng cao năng suất, phấn đấu sản lượng cả năm đạt 14.000 tấn men frit. 

Tăng tốc

Sau 1 năm thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng của dịch COVID-19, từ quý I/2021, song song với các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 cả trong và ngoài nhà máy, công ty đẩy mạnh sản xuất kinh doanh để thực hiện mục tiêu đưa kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đối với sản phẩm dăm gỗ lên 20 triệu USD, sản phẩm ván ghép thanh tiêu thụ nội địa đạt trên 20 tỷ đồng.

Theo Kế toán trưởng công ty, ông Trần Tuấn Hiệp, dự kiến cuối tháng 4/2021, dự án Bến số 3, cảng Chân Mây sẽ hoàn thành đưa vào hoạt động sẽ góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu đối với sản phẩm dăm gỗ do công ty chế biến, đồng thời tạo động lực để tìm kiếm các đối tác xuất khẩu để xuất sản phẩm ván ghép thanh, nâng cao giá trị xuất khẩu đối với các sản phẩm chế biến từ gỗ rừng trồng.

Ông Hiệp cho rằng, để thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, công ty phải triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Với gần 200 lao động sản xuất theo ca, đơn vị bố trí giản cách giờ ăn, bắt buộc đeo khẩu trang trong nhà xưởng, đầu tư các trang thiết bị phòng chống dịch và kiểm tra nghiêm ngặt lượng khách ra, vào nhà máy.

Cùng với sự chủ động của các DN, thời gian qua, Ban Quản lý khu kinh tế, công nghiệp tỉnh đã thành lập các đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra các DN hoạt động trong khu kinh tế, KCN về thực hiện bộ tiêu chí phòng chống dịch COVID-19, trang thiết bị phòng chống dịch... nhằm ngăn chặn không để dịch COVID-19 xuất hiện tại các nhà máy.

Theo Phó Trưởng phòng Đầu tư DN lao động, Ban Quản lý khu kinh tế, công nghiệp tỉnh - Hồ Huy Hinh, hiện trên địa bàn 6 KCN, khu kinh tế với trên 33 ngàn lao động làm việc, trong đó có 124 lao động là người nước ngoài. Đây được xem là địa bàn có người lao động làm việc đông nhất trong tỉnh nên công tác phòng chống dịch COVID-19 luôn được Ban cũng như các DN chú trọng và đặt lên hàng đầu.

Từ ra Tết Nguyên đán Tân Sửu, khi các DN bắt đầu hoạt động trở lại, Ban đã triển khai công tác phòng chống dịch, trong đó quản lý chặt người lao động nước ngoài, người lao động có yếu tố dịch tễ và người từ các vùng có dịch trở về, đồng thời phối hợp với địa phương kiểm tra đôn đốc các DN thực hiện bộ tiêu chí phòng chống dịch tại các nhà máy. Qua kiểm tra, đến nay 100% DN, nhà máy nghiêm túc thực hiện bộ tiêu chí và đáp ứng các tiêu chí để hoạt động sản xuất.

Năm 2021, Ban Quản lý khu kinh tế, công nghiệp phấn đấu thu hút từ 10-12 dự án thuộc lĩnh vực du lịch, công nghiệp, hạ tầng KCN, khu phi thuế quan và khu đô thị, công nghiệp hỗ trợ trong các lĩnh vực: dệt may, điện tử, ô tô... với tổng vốn đăng ký khoảng 7.000- 8.000 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2020.

Bài, ảnh: Thanh Hương