Người khởi kiện -ông L. trình bày: Vào tháng 2/1993 giữa ông và ông N. thực hiện việc chuyển nhượng bằng giấy viết tay thửa đất số 207, tờ bản đồ 29, diện tích 135m2, toạ lạc tại phường Trường An.

Nguồn gốc thửa đất này là do ông N. tự khai hoang để trồng hoa màu, chưa được sự đồng ý của cơ quan Nhà nước. Do giấy chuyển nhượng bị mất, nên đến tháng 5/1993, ông L. đã yêu cầu ông N. xác nhận có việc chuyển nhượng diện tích nói trên và được UBND phường Trường An chứng thực. Ông L. cho rằng, ông N. là chủ sử dụng đất hợp pháp đối với thửa đất trên, với lý do là ông N. đã có công khai hoang để sử dụng vào mục đích trồng hoa màu.

Quá trình giải quyết, tòa án hai cấp cho rằng: Trong quá trình sử dụng thửa đất, ông N. không tiến hành kê khai đăng ký tại chính quyền địa phương. Mặt khác, theo bản đồ 299 đo vẽ vào năm 1987 thì thửa đất nói trên thuộc một phần thửa số 20, tờ bản đồ 01, diện tích 99.700m2, loại đất nghĩa địa do nhà nước quản lý.

Trong khi đó, Luật Đất đai năm 1987 quy định: “Nghiêm cấm việc mua, bán, lấn chiếm đất đai, phát canh thu tô dưới mọi hình thức...”; “Khi được cơ quan có thẩm quyền giao đất, cho phép chuyển quyền sử dụng đất hợp pháp mà chưa đăng ký thì người sử dụng phải xin đăng ký đất đai tại cơ quan Nhà nước…”; “UBND quận, TP. thuộc tỉnh, thị xã, thị trấn và UBND xã thuộc huyện lập, giữ sổ địa chính, vào sổ địa chính cho người sử dụng đất...”.

Do đó, tại thời điểm thực hiện, hành vi chuyển nhượng quyền sử dụng đất (tháng 2/1993) giữa ông N. và ông L. đối với thửa đất nêu trên là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm. Đơn xin xác nhận của ông N. vào tháng 5/1993 chỉ là văn bản ghi nhận ý kiến của riêng cá nhân của ông N. UBND phường Trường An chỉ chứng thực việc ông N. có hộ khẩu thường trú tại địa phương, mà không chứng thực nội dung có việc chuyển nhượng giữa ông L. và ông N. liên quan đến thửa đất. Nội dung xác nhận này không được xem là hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Tòa án còn cho rằng, căn cứ vào các tài liệu do các đương sự cung cấp cho thấy: Thửa đất mà ông N. chuyển nhượng cho ông L. là loại đất nghĩa địa do UBND phường Trường An quản lý từ sau năm 1975. Việc ông N. khai hoang trồng hoa màu trên phần diện tích đất chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép, không được kê khai đăng ký theo quy định của pháp luật về đất đai. Quá trình giải quyết vụ án, ông L. đều thừa nhận, đến nay không có tài liệu, chứng cứ chứng minh việc quản lý hợp pháp đối với thửa đất trên của ông N. và ông L. trước và sau khi chuyển nhượng, theo quy định của Luật Đất đai về điều kiện để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét cấp giấy CNQSD đất.

Ông L. còn trình bày tại đơn khởi kiện, khi chuyển nhượng thì trên thửa đất đã có công trình xây dựng kiên cố là một ngôi nhà.

Tuy nhiên, tòa án cho rằng, qua các lời khai cũng như tài liệu trong hồ sơ chỉ thể hiện, khi chuyển nhượng trên thửa đất chỉ có cái chòi lợp tranh, sau đó ông L. sửa chữa xây bờ lô, lợp tôn.

Năm 2010, khi ông L. tiến hành xây dựng công trình trên thửa đất này đã bị chính quyền địa phương lập biên bản xử phạt và buộc phải tháo dỡ vì xây dựng trên đất do UBND phường Trường An được giao quản lý.

Căn cứ vào các tài liệu quản lý đất đai và theo các hồ sơ địa chính qua các thời kỳ, các nội dung kết luận của hội đồng tư vấn giải quyết khiếu nại TP. Huế, qua kiểm tra hồ sơ địa chính liên quan, thể hiện: Thửa đất nêu trên là loại đất nghĩa địa do Nhà nước quản lý. Hiện trạng thửa đất nằm trong quy hoạch khu Trung tâm văn hóa thể dục thể thao của UBND phường. Vì vậy, tòa án nhận định: việc UBND phường Trường An không thực hiện hành vi duyệt xác nhận vào hồ sơ xin cấp giấy CNQSD đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất theo yêu cầu của ông L. đối với thửa đất nêu trên là có căn cứ, đúng pháp luật.

Qua vụ án này cho thấy, khi thực hiện giao dịch dân sự nói chung, đặc biệt trong việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mọi công dân phải tìm hiểu kỹ, nâng cao kiến thức, thực hiện theo các quy định của pháp luật để tránh “tiền mất tật mang”.

Duy Trí