Đó là thực trạng diễn ra vào tuyến đường đi bộ, đoạn phía sau Học viện Âm nhạc Huế, kéo dài từ cầu Ga đến đoạn tiếp giáp với công viên Lý Tự Trọng (TP. Huế).

Một nhóm thanh thiếu niên điều khiển xe máy dàn thành hàng trên đường đi bộ dọc sông Hương đoạn phía sau Học viện Âm nhạc Huế​

Nguy hiểm rập rình

Theo ghi nhận của chúng tôi, đoạn đường này dài chừng 500m nhưng là một trong những điểm dừng chân, đi bộ và ngắm cảnh được nhiều du khách ưng ý.

Thời gian người dân, du khách tập trung về đây đông đúc nhất là thời điểm giữa chiều và tối. Thời điểm này cũng là lúc các “quái xế” tụ tập thành từng nhóm và phóng xe bạt mạng, rồ ga lớn, có trường hợp không đội mũ bảo hiểm… bất chấp dòng người đi bộ, đạp xe tập thể dục, ngắm cảnh.

Thường xuyên tập thể dục ở cung đường đi bộ thơ mộng này, anh Nguyễn Vũ (phường Phường Đúc, TP. Huế) không khỏi lo sợ khi tình trạng xe máy đi vào đường dành cho người đi bộ rồi phóng nhanh, vượt ẩu. Theo anh Vũ, nguy hiểm hơn khi đoạn đường này có rất nhiều người già, em nhỏ thường xuyên dạo chơi. Nếu không có biện pháp xử lý thì không biết sẽ có chuyện gì xảy ra.

Một số người cho rằng, các tuyến đi bộ dọc sông Hương khác có một số gờ chắn thấp để chặn xe máy, cũng như có bãi đỗ xe cạnh đó và lực lượng túc trực nên gần như không có tình trạng xe máy chạy vào đường đi bộ. Vì thế, cần áp dụng các biện pháp tương tự ở đoạn đường đi bộ phía sau Học viện Âm nhạc Huế, tăng cường tuần tra, xử phạt nghiêm một số trường hợp để răn đe.

Cần sớm nghiệm thu, đưa vào sử dụng, quản lý

“Ngăn chặn những phương tiện đi vào đường dành cho người đi bộ cũng là cách gìn giữ thương hiệu của TP. Huế, giữ gìn văn hóa cho tuyến đường đi bộ dọc sông Hương được nhiều người ca ngợi trở thành điểm đến ấn tượng, thơ mộng”, chị Nguyễn Thu Trang, một người dân đề nghị.

Chị Trang lý giải, trong khi TP. Huế đang cố xây dựng hình ảnh một thành phố xanh, với các phương tiện công cộng, các tiện ích phục vụ người dân thì những chiếc xe máy nói riêng và các phương tiện cấm khác lao vào đường đi bộ chẳng khác gì tạo ra sự thách thức, phản cảm. Vì thế, cần phải có biện pháp xử lý càng sớm càng tốt, tránh ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch của Huế.

Ông Lê Như Chinh–Giám đốc Trung tâm Công viên cây xanh Huế cho biết, đơn vị hiện đang quản lý các trục đường đi bộ dọc bờ sông Hương. Nhưng riêng đoạn phía sau Học viện Âm nhạc Huế nằm trong dự án thuộc đơn vị này, nhưng đến nay Trung tâm Công viên cây xanh Huế vẫn chưa nhận bàn giao để quản lý. “Hiện tại chúng tôi chỉ đảm nhận phần vệ sinh ở đoạn đường này, còn lại vẫn chưa thấy bàn giao gì”, ông Chinh nói.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Ngọc Quang–Quyền Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng miền Trung và Tây Nguyên (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thông tin, tuyến đường xung quanh Học viện Âm nhạc Huế là hạng mục thuộc dự án hạ tầng Học viện Âm nhạc Huế.

Đến thời điểm hiện tại, công trình đã hoàn thành nhưng chưa nghiệm thu, đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, vẫn tạo điều kiện để mọi người vào tham quan, vui chơi. Thế nhưng, thực trạng đáng buồn là có một số người vô ý thức, lao xe vào đường đi bộ, không chỉ gây nguy hiểm mà còn làm xấu hình ảnh của đường đi bộ. Chưa hết, một số ghế đá đặt trên tuyến đường này còn bị đập vỡ.

Ông Quang cho biết, đã có báo cáo, làm việc với tỉnh, UBND TP. Huế để có sự hỗ trợ những biện pháp cấm xe, đặt thùng rác, thậm chí lắp camera để giám sát. “Chúng tôi sẽ tiếp tục kiến nghị và có biện pháp để xử lý nghiêm, đảm bảo không gian cho người đi bộ cũng như cảnh quan của tuyến đường ven sông Hương thơ mộng”, ông Quang nói.

Bài, ảnh: NHẬT MINH