Karaoke tác quái, đương nhiên phải trị. Ở trạng thái này, đó là việc trị để làm mất khả năng gây hại. Nhiều hơn, là trị để đưa vào khuôn khổ. Vấn đề đặt ra là vì sao cho đến bây giờ, việc rà soát, chấn chỉnh và đưa hoạt động karaoke vẫn là điều không chỉ ở TP. Hồ Chí Minh mà các địa phương khác đều loay hoay?

Rà lại các căn cứ về việc cấp phép và xử phạt cho hoạt động này, có thể nhận thấy chúng được quy định tại Nghị định 54/2019/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường. Trong đó, có những yêu cầu về việc phải bảo đảm an ninh, trật tự xã hội, tính mạng, sức khỏe cũng như bảo đảm đủ điều kiện cách âm và âm thanh thoát ra ngoài phòng hát, hoặc phòng vũ trường phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn. Việc thu hồi giấy phép sẽ được thực hiện, nếu vi phạm điều kiện kinh doanh, gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và tài sản. Trước đó, tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP, hành vi gây ra tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22h ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng là điều sẽ được áp dụng, nếu hoạt động karaoke vi phạm những nguyên tắc này.

Có thể với nhiều người, đây là mức mà họ dễ chấp nhận, vì một (hay nhiều) cuộc vui. Nhìn từ thực tế, cũng có thể thấy một khía cạnh khác là do hầu hết chỉ được nhắc nhở; thiếu người và thiếu phương tiện đo độ ồn cũng như thẩm quyền đo tiếng ồn nên karaoke đã lan như nấm sau mưa, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống bình thường cũng như các hoạt động kinh doanh, dịch vụ khác… Do vậy, đã đến lúc cần một cơ chế mạnh hơn, đủ sức nghiêm trị và đưa hoạt động này về khuôn khổ.

Đấy là nói về trị - với các biện pháp hành chính cụ thể, nghiêm túc và cần một sự rà soát cụ thể, nhằm tìm ra một phương thức quản lý tốt hơn. Sự nghiêm túc này, cũng là một đòi hỏi đối với chính quyền cơ sở và những người thực thi.

Tuy nhiên, theo chúng tôi, ngoài việc trị đến nơi đến chốn theo đúng quy định, chức trách và thẩm quyền, cũng cần phải có phương thức chữa trị cho những người tham gia nữa. Nhận thức, vai trò và trách nhiệm công dân là điều mà ai cũng được biết, nhưng biến nó thành hành động thực dường như hay bị nhiều người quên, hoặc dễ dàng “xí xóa”, và điều đó, ít nhất cũng đã biến hoạt động karaoke trở thành một vấn nạn xã hội vô cùng xấu xí.

Đánh thức ý thức trách nhiệm; tính chia sẻ với cộng đồng, bà con, hàng xóm; vận động người dân cùng phản ứng tích cực với những gì thái quá; đưa vào giáo dục thông qua các bài học kỹ năng văn hóa… là những điều cần được chuẩn bị cho thế hệ trẻ. Theo góc nhìn của chúng tôi, đó cũng là một trong những cách tạo đề kháng trước khi chữa trị vấn nạn karaoke.

NGÂN HẠ