Đình làng Mỹ Lợi – Mái nhà chung của người dân Vinh Mỹ đã được khôi phục, sửa chữa theo bố cục nguyên vẹn với kiến trúc dân gian thời nhà Nguyễn

Theo ông Lê Quý Mỹ, một cán bộ tiền khởi nghĩa quê Mỹ Lợi, Hoàng Mạnh Biên vốn là một nhà thầu khoán tư chất thông minh, nhạy bén trong kinh doanh. Sau cách mạng tháng Tám, dựa vào chính sách mở rộng mặt trận đoàn kết của Việt Minh, ông ta có tham gia Ủy ban hành chính kháng chiến, là ủy viên tài chính. Trong phong trào “kiến thiết hương thôn” Hoàng Mạnh Biên có nhiều đóng góp và sáng kiến như xây nhà hộ sinh, khôi phục chợ Mỹ Lợi, trường trung học Mỹ Lợi (để con em trong vùng có điều kiện được học tiếp tại chỗ sau khi hoàn thành tiểu học, không phải mất công lên Huế) và rước thầy giỏi trên Huế về dạy. Ông Hoàng Mạnh Biên cũng cho khôi phục rạp hát Mỹ Lợi, vốn trước đây do ông Trước Hưu (Hoàng Trọng Hưu) cất, lại cho mời đoàn Kim Sanh trên Huế về hát, đến nay vẫn có người gọi là “rạp Hoàng Mạnh Biên”.

Sự đời khó ngờ, chính con người tưởng biết lo cho dân, làm được nhiều việc cho làng cho xã này lại gây ra nhiều tội ác, cuối cùng đã bị Việt Minh xử tử. Cũng theo lời kể của ông Lê Quý Mỹ, Hoàng Mạnh Biên là Bí thư Quốc Dân đảng tổng Diêm Trường, theo gót Tây đàn áp phong trào, truy lùng và giết chết nhiều cán bộ Việt Minh, làm cho“cách mạng Mỹ Lợi lâm vào tình cảnh bi đát, mất phương hướng” lúc bấy giờ. Lên kế hoạch kỹ càng, lực lượng an ninh Khu III đã ra tay tiêu diệt Hoàng Mạnh Biên bằng một “lưỡi mác dài mài bảy ngày bảy đêm” khi ông ta đang trông coi việc thi công cầu Bến Đò.

Ông Lê Quý Mỹ hồi tưởng, sau khi diệt trừ Cửu Hân (một lý trưởng cũ) và Hoàng Mạnh Biên, “tinh thần của bọn tề ngụy bị lung lay cực độ. Phong trào cách mạng Mỹ Lợi làm đòn bẩy phát triển ra toàn vùng khu Ba Phú Lộc, từ vùng bị tạm chiếm trở thành vùng “tranh chấp mạnh”. “Làng da báo” thực tế đã được giải phóng. Phong trào cách mạng từ thế phòng ngự chuyển sang thế cầm cự, chuẩn bị lực lượng cho tổng phản công…”(1).

Bây giờ, cả vùng quanh chợ Mỹ Lợi không ai biết ai là hậu duệ người thân còn mất của ông Hoàng Mạnh Biên. Ngôi nhà hoang phế không người thừa kế, càng thêm hoang tàn. Chính ngôi nhà này là một trong ba địa điểm trú đóng của quân lính Âu - Phi của thực dân Pháp khi tái chiếm Mỹ Lợi, bên cạnh hệ thống đồn bốt dày đặc khắp vùng, để tiện bề tiến hành chính sách bình định “ba sạch” (đốt sạch, phá sạch, giết sạch). Chỉ mới hơn 70 năm trôi qua mà ba chữ “Vạn Thế Khang”- vững mạnh muôn đời đề trên cửa chính ngôi nhà đã thành ra một nỗi trớ trêu giữa trời nước mênh mông...

Về thăm ngôi làng hơn 450 năm tuổi danh hương Mỹ Lợi, ngoài ngôi nhà hoang phế lâu năm đầy ám ảnh của nhân vật Hoàng Mạnh Biên “công ít tội nhiều”, tôi còn ấn tượng bởi một “ngôi nhà” khác, đó chính là ngôi đình làng mà người dân nơi đây vẫn gọi nôm na là “nhà thờ làng”- nơi thờ các vị “hữu công” khai canh, khai khẩn, kể từ những họ mạc buổi đầu theo chân chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào đây. Ngôi tự đình tọa lạc trên một triền đất rộng ở ngay vị trí trung tâm làng Mỹ Lợi,“trước mặt là ruộng rộng sông dài, sau lưng là lùm cây trảng cát, hai bên thoáng đãng”(2).

Các kiến trúc bên trong đình, đặc biệt ngôi nhà rường chính điện vẫn còn vẹn nguyên những kết cấu và họa tiết hoa văn chạm trổ tinh xảo mang dấu ấn đặc trưng của nền mỹ thuật dân gian đầu thế kỷ 19.Ba gian chính trong chính điện có treo ba bức hoành. Hoành giữa chạm bốn đại tự “Hữu khai tất tiên” (Có công mở mang ắt đứng đầu). Hoành phía bên trái chạm bốn chữ “Giang sơn cố tái” (Sông núi vẫn như xưa). Hoành phía bên phải chạm bốn chữ “Công đức trường lưu” (Công đức để lại mãi).

Trong hàng ngàn trang tư liệu Hán Nôm còn lưu giữ trong đình làng, có một một văn bản chữ Hán viết trên giấy dó có nội dung xử lý một vụ kiện ngày trước giữa hai làng Mỹ Lợi và An Bằng về việc nộp thuế tiếp liệu “chiếc thuyền đội Hoàng Sa”, trở thành một tư liệu quý góp phần khẳng định chủ quyền của đất nước về Hoàng Sa từ rất sớm. Trong lịch sử đấu tranh cách mạng, đình làng Mỹ Lợi còn được ghi nhớ là nơi treo lá cờ Đảng Cộng sản đầu tiên ở tỉnh Thừa Thiên. Năm 1996, đình làng được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia.

Tôi ngồi trong mùi hương thơm ngát bên hồ sen trước cổng đình. Không đâu có thể giúp người ta hiểu được những giá trị trường tồn của một ngôi làng bằng ngôi đình làng uy nghiêm nơi ấy. Kể từ đoàn quân trung nghĩa theo chân Chúa Tiên từ Lương Niệm (Sầm Sơn, Thanh Hóa) vào đây, những thế hệ họ tộc đã liên tục khẩn hoang, mở mang phát triển đất này bằng biết bao mồ hôi xương máu. Cùng với mái đình làng, ở Mỹ Lợi còn rất nhiều nếp nhà thờ họ tộc lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống của dòng họ.

Không đâu như ở Mỹ Lợi, chỉ từ một khoảnh đất cát trắng duyên hải nhỏ hẹp mang tên Khe Long khi xưa giờ đã thành những nương vườn đồng bãi xanh um với nhiều loại cây trái đặc sản nức tiếng. Mỹ Lợi còn được biết đến vì truyền thống hiếu học với ngôi trường làng ra đời từ rất sớm, với biết bao tấm gương vượt khó học tập để thành đạt, rạng danh trên nhiều lĩnh vực.Hai câu đối đề trên bệ thờ bên trong miếu Văn chỉ cạnh đình làng: “Tôn sư nhiên hậu vi sư hỷ- Sùng học nghi tiên khổ học hồ” (Kính trọng người thầy rồi sau mới làm thầy vậy- Quý chuộng việc học trước tiên nên khổ công mà học chăng).

Ở Mỹ Lợi còn là truyền thống dũng cảm chiến đấu chống giặc ngoại xâm, là “pháo đài cách mạng” trong hai cuộc kháng chiến, sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc, bảo vệ từng tấc đất quê hương. Nhiều người tài danh xuất thân từ Mỹ Lợi là những chính trị gia, tướng lĩnh quân đội, nhà văn nổi tiếng… Với riêng tôi, như bao người Huế khác, nhắc tên hai người này, hai chị em ruột, là người ta nghĩ ngay tới Mỹ Lợi: Đức Bà Từ Cung, hoàng thái hậu cuối cùng của Triều Nguyễn và cụ Kim Sanh Hoàng Trọng Đồng người sáng lập Đoàn hát Kim Sanh nức tiếng một thời…

Tôi ngồi bên bậc thềm đình làng xưa, không dưng lại nhớ đến ba chữ “Vạn Thế Khang” nơi ngôi nhà đổ nát góc chợ. Một khát vọng lớn lao đến vậy, vì đâu nên nỗi? Trong hành trình hơn 450 năm của vùng đất cát nép mình một bên biển một bên đầm phá này, bao nhiêu thứ đã tan tành theo gió nước ngoài kia? Cái gì mới thật sự “vững mạnh muôn đời”?

Những ngày lưu lại nơi đây, tôi chỉ nhìn thấy những người nông dân hiền lành chất phác có giọng nói đặc trưng “riêng thổ âm cắm xuống cát mà bền”(3), bao đời nay một nắng hai sương bên ruộng khoai nương cà; chịu đựng bao gian khổ hy sinh trước mũi tên làn đạn của kẻ thù thực dân đế quốc, bảo vệ từng tấc đất quê hương. Cứ vậy, lớp lớp con dân của làngcùng dựa vào nhau để sống, để vươn lên và làm nên những thành tựu văn hóa tốt đẹp. Thì ra, “vạn thế khang” hay “công đức trường lưu” chỉdành cho những người “hữu công” luôn chọn đứng về phía làng nước quê hương, đứng về phía nhân dân, đứng về chính nghĩa.

Tôi nhìn ra những nương vườn mênh mông trong nắng trưa trù mật, chợt nhớ bốn chữ “Giang sơn cố tái” đề trên bức hoành phi bên phía trái gian chính điện đình làng.

Hàng mấy trăm năm, sông núi vẫn như xưa…


(1) Xem thêm “Mỹ Lợi- cho những ngày Họp bạn văn nghệ”, cùng tác giả, http://tapchisonghuong.com.vn/tap-chi/c225/n6987/My-Loi-cho-nhung-ngay-Hop-ban-van-nghe.html

(2) “Địa chí làng Mỹ Lợi”, tái bản lần thứ nhất, Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2019.

(3) Trích trong “Mỹ Lợi” (thơ Phạm Nguyên Tường)

Bài: PHẠM NGUYÊN TƯỜNG - Ảnh: MINH VĂN