Tình thầy trò xuyên biên giới

Trải nghiệm mới

Cơ hội trải nghiệm này đã được Mai Thị Thảo Chi, nữ giảng viên xứ Huế lên ý tưởng từ lâu. “Tham vọng” của chị là mang các tiết học thực hành tiếng Anh miễn phí cùng giáo viên bản ngữ đến với các bạn trẻ. Chị chia sẻ: “Khi còn là sinh viên, tôi hầu như không có cơ hội để thực hành tiếng Anh. Đến nay, là giảng viên của Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng, chứng kiến nhiều sinh viên vuột mất cơ hội phát triển bản thân do trình độ tiếng Anh, tôi như thấy lại chính mình những năm về trước”.

Năm 2017, dự án A Better Vietnam thành hình. Trước đó là cả một chặng đường dài từ liên hệ, trao đổi với giáo viên tình nguyện đến vận hành những tiết học online miễn phí. Chị nói: “Niềm tin vào sự thành công của dự án ngày càng vững vàng. Bởi, với sự phát triển của công nghệ, giáo viên tình nguyện từ khắp nơi trên thế giới có thể dễ dàng giao tiếp với học viên Việt Nam qua Google Hangout. Chỉ cần thời gian biểu, một chiếc máy tính kết nối mạng là các học viên có thể trao đổi, trò chuyện để trau dồi Anh ngữ”.

Sinh ra và lớn lên tại Phong Hiền (Phong Điền), gần một năm nay, Thùy Trang đã đều đặn tham gia các lớp học miễn phí của A Better Vietnam. Trang kể: “Trước đó, em nhận thấy kỹ năng nghe và nói của mình khá yếu. Em chỉ mong sớm cải thiện cách phát âm, cách nghe cũng như rèn luyện ngữ pháp”.

Mỗi tuần từ 1- 2 buổi học, mỗi buổi học kéo dài từ 30 – 60 phút, không chỉ được học thêm về từ vựng, ngữ pháp, nữ sinh Trường ĐH Y Dược Huế còn chia sẻ với giáo viên về văn hóa, ẩm thực và con người Việt Nam: “Đặc biệt với xứ Huế, em mong muốn mang vẻ đẹp của lịch sử, cảnh quan, văn hóa và con người quê hương chia sẻ với giáo viên nước ngoài. Vì thế trước những buổi chuyện trò online, em thường chuẩn bị kiến thức rất kỹ, đó có thể là Đại Nội, chùa Thiên Mụ, sông Hương, cơm hến…”, Thùy Trang bày tỏ.

Chắp cánh ước mơ

Tính đến thời điểm này, A Better Vietnam đã tạo điều kiện cho hàng trăm sinh viên thực hành tiếng Anh miễn phí. Trong đó, gần 200 học viên là học sinh, sinh viên xứ Huế đang hưởng lợi từ dự án. Cũng từ đây, tình thầy trò, tình bạn tốt đẹp của những học viên Việt Nam và các giáo viên tình nguyện dần thành hình và phát triển. Dù họ có thể đang sinh sống tại Úc, Anh, Hoa Kỳ, hoặc đang là những giảng viên ở các trung tâm Anh ngữ, các trường đại học tại Việt Nam.

Thầy Jon Murray Best, một trong những giáo viên đầu tiên tham gia giảng dạy miễn phí chia sẻ: “Niềm vui của chúng tôi là sự khao khát học tập, làm chủ ngôn ngữ của các bạn trẻ. Là tình cảm chân thành mà các bạn ấy dành cho chúng tôi dù những bài học chỉ thông qua hình thức trực tuyến. Tôi thấy rất vui và thật sự mong rằng với hành trang vốn ngôn ngữ ấy, các bạn sẽ bay xa hơn, thực hiện những ước mơ của mình”.

Ngoài các lớp học trực tuyến một kèm một, chị Thảo Chi và các đồng sự còn tổ chức đưa giáo viên tình nguyện đến những trung tâm Anh ngữ ở vùng sâu, vùng xa tại Huế và Quảng Nam. Những chuyến đi không chỉ với mục đích chia sẻ kinh nghiệm, đó còn hành trình truyền động lực để các bạn trẻ vùng khó hiểu hơn về ngôn ngữ này.

Lê Thị Truyền, sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh, Trường ĐH Ngoại ngữ Huế chia sẻ: “Dù hành trình tiếp thu một ngôn ngữ khác cần rất nhiều nỗ lực tự thân, nhưng gần hai năm rèn luyện với các giáo viên đã giúp em thấy tự tin và nâng cao kỹ năng thực hành Anh ngữ của mình. Mục tiêu của em là cố gắng hơn nữa, từ đó mang hành trang là ý tưởng mở rộng việc tiếp cận tiếng Anh đến với các bạn nhỏ ở quê hương em”.

Sinh ra ở vùng quê nghèo khó Nghệ An, đây là năm thứ tư Truyền trọ học tại Huế, cũng là năm thứ hai cô gái nhỏ theo học chương trình của A Better Vietnam. Với Truyền, Vũ, Thùy Trang và nhiều bạn trẻ xứ Huế khác, những trải nghiệm mới lạ khi chuyện trò với người bản xứ không chỉ trau dồi thêm kỹ năng, tăng lợi thế về kiến thức. Các bạn còn gặt hái được tình cảm thầy trò không biên giới, đồng thời chắp cánh cho những ước mơ tuổi trẻ.

Bài, ảnh: Mai Huế