Thích ứng và chuyển đổi nhanh là bài toán sống còn
Đầu năm 2020, dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát, khiến các doanh nghiệp lao đao vì đứt gãy nguồn cung, tiếp theo đó vài tháng, khi nguồn cung bắt đầu ổn định thì các thị trường xuất khẩu lớn như Châu Âu, Mỹ… lại liên tiếp hoãn, hủy đơn hàng do dịch. Nhiều doanh nghiệp đã điêu đứng, công nhân không có việc làm. Nhưng ngay sau đó, nhiều doanh nghiệp đã nắm bắt cơ hội, thay đổi chiến lược, phương thức kinh doanh để trụ vững trong dịch COVID-19.
Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG, đồng thời cũng là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thái Nguyên chia sẻ, những ngày tháng đầu dịch bùng phát, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, hàng sản xuất không xuất được, cửa hàng trong nước phải đóng cửa... khiến TNG và nhiều doanh nghiệp lao đao.
"Nhưng “cái khó ló ra cái khôn”, sẵn có nguồn vải may áo nhưng không xuất được lại phù hợp tiêu chuẩn may khẩu trang, chúng tôi đã đưa vào sản xuất khẩu trang và đồ bảo hộ y tế. Việc thay đổi này vừa giúp doanh nghiệp vẫn có doanh thu, đảm bảo việc làm và thu nhập cho 1,6 triệu công nhân, trong khi lại góp phần cung ứng khẩu trang chống dịch”, ông Thời chia sẻ.
Nối tiếp đà tăng trưởng năm 2020, đầu năm 2021, doanh nghiệp này tiếp tục có những bứt phá. Doanh thu 2 tháng đầu năm 2021, TNG đạt và vượt 14% so cùng kỳ 2020. Đơn hàng của TNG hiện đã xuống chi tiết hết quý II/2021. TNG đang triển khai nhanh đơn hàng để đưa đi gia công thêm và kế hoạch đàm phán chi tiết các đơn hàng sản xuất quý III/2021.
Công nhân Công ty cổ phần đầu tư và thương mại TNG sản xuất hàng dệt may xuất khẩu. Ảnh: Hoàng Nguyên/TXVN.
Những nghiên cứu và đánh giá sơ bộ trong thời gian qua của nhiều cơ quan và tổ chức cho thấy, dịch bệnh đã làm thay đổi thói quen tiêu dùng của khách hàng, đặt ra yêu cầu doanh nghiệp phải tự điều chỉnh hướng kinh doanh.
Nếu như trước đây có những khách hàng chưa dùng hoặc không dùng biện pháp thanh toán online, thì hiện nay, số lượng thanh toán không dùng tiền mặt đã tăng nhanh. Theo Công ty Nielsen Vietnam, một công ty chuyên nghiên cứu thị trường toàn cầu, mua sắm tại nhà và mua sắm online là xu hướng đã tăng mạnh thời gian qua và dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Tốc độ tăng trưởng của ngành hàng hóa tiêu thụ nhanh, đặc biệt là qua các kênh bán hàng hiện đại tương đối cao.
Chính điều này tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ lẻ tận dụng cơ hội để phát triển. Các kênh bán hàng online tăng trưởng đột biến, thông qua một số nền tảng thương mại điện tử như shopee, tiki, chotot... hay thậm chí là đặt hàng trên điện thoại, qua hotline. Nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam tập trung khai thác sâu các kênh trực tuyến, các tiện ích (app) bán hàng; đồng thời, tận dụng các kênh giao hàng và thúc đẩy việc tích hợp đa kênh phương tiện trong thương mại điện tử.
Nhờ sự chuyển đổi kịp thời, nhiều doanh nghiệp vẫn tăng trưởng đều trong dịch bất chấp những khó khăn. Đơn cử như Lottemart đã tăng trưởng doanh số bán hàng qua kênh online từ 100-200%, nhất là ở thị trường Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Thêm trợ lực từ chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, qua khảo sát hơn 10.000 doanh nghiệp trên toàn quốc cho thấy, gần 90% doanh nghiệp bị tác động nặng nề bởi dịch bệnh. Do tác động của COVID-19, năm 2020 là năm mà số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường đạt mức kỷ lục vượt ngưỡng 100.000 doanh nghiệp.
Dịch bệnh được cho là một cuộc sàng lọc, sẽ chỉ có những doanh nghiệp có nội lực nhất định mới có thể vượt qua. Hầu hết các doanh nghiệp đều cho biết, đây là giai đoạn xuất hiện những khó khăn chưa từng có. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội “lửa thử vàng”, chính những thách thức của thị trường sẽ tạo nên sức bật cho doanh nghiệp và sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp.
Theo khảo sát của VCCI và WB về ứng phó của doanh nghiệp trong đại dịch, doanh nghiệp chủ động triển khai phương thức, mô hình làm việc mới, linh hoạt hơn (37% doanh nghiệp tư nhân và 40% doanh nghiệp FDI). Một số doanh nghiệp đã tìm kiếm các giải pháp mới/thay thế chuỗi cung ứng (16% doanh nghiệp tư nhân và 24% doanh nghiệp FDI). Có 13% doanh nghiệp tư nhân và 15% doanh nghiệp FDI đã tiến hành hoạt động đào tạo kỹ năng số cho người lao động để triển khai phương pháp làm việc trực tuyến.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhận định, ngoài sự chủ động, tích cực của cộng đồng doanh nghiệp là vai trò hỗ trợ của Nhà nước. Các chính sách và sự đồng hành của Chính phủ trong bối cảnh dịch COVID-19 được các doanh nghiệp đánh giá cao nhất là: Giãn, hoãn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập, tiền thuê đất, các chính sách nới lỏng tín dụng... Tuy nhiên, các giải pháp dài hơi cần thiết hơn. Chẳng hạn như tăng cường đầu tư công, hoàn thiện các công trình hạ tầng, thực hiện các gói kích cầu cần thiết cũng như chính sách phát triển thị trường và tăng liên kết, hình thành chuỗi cung ứng và tiêu dùng hàng Việt...
Đại diện các doanh nghiệp cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện hiệu quả thực thi pháp luật, nhằm tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ cho sự phục hồi bền vững trong quá trình ứng phó với tác động của đại dịch COVID-19...
"VCCI đề nghị các bộ, ngành có liên quan cần nghiên cứu, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các gói chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và mở rộng đầu tư kinh doanh cho giai đoạn mới 2021-2025, bởi theo nhiều dự báo, dịch COVID-19 vẫn tiếp tục có những tác động nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu và chỉ có thể loại trừ hoàn toàn sau 4 - 5 năm nữa. Đồng thời, cần quan tâm hơn nữa các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, siêu nhỏ, bởi khả năng chống chịu kém của nhóm doanh nghiệp này", TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Theo Báo Tin tức