Pháp vẫn đang gồng mình chống dịch với số ca nhiễm mới tiếp tục gia tăng. Ảnh minh họa: Le Parisien/Báo Nhân dân

Cụ thể, Cơ quan Y tế Pháp đã báo cáo ghi nhận 29.975 ca nhiễm mới vào ngày 16/3, tăng 4,5% tổng số ca nhiễm ghi nhận ngày 9/3, tức cách đây 1 tuần. Đây cũng là mức tăng mạnh nhất theo tuần trong 1 tháng rưỡi.

Theo đó, Pháp đang vật lộn với tình trạng ca bệnh mới tiếp tục gia tăng, dẫn đến sự căng thẳng nặng nề đối với hệ thống bệnh viện của nước này. Các chuyên gia y tế nổi tiếng nhận định tình hình này nhiều khả năng chỉ có thể giải quyết bằng cách triển khai lệnh phong tỏa một lần nữa.

Tương tự như một số nước khác ở Liên minh châu Âu (EU), Pháp đã tụt hậu khá xa so với Mỹ hoặc Anh trong việc tiêm chủng cho dân số của mình.

Tổng thống Emmanuel Macron vẫn hi vọng một chiến dịch tiêm chủng sẽ có thể ngăn chặn được tác động của đợt dịch mới với nhiều biến thể dễ lây lan hơn, nhờ đó ngăn Pháp phải áp dụng biện pháp phong tỏa toàn quốc lần thứ 3. Tuy nhiên, tuyên bố tạm ngưng sử dụng vaccine COVID-19 của AstraZeneca công bố ngày 15/3 vừa qua do lo ngại an toàn có thể sẽ gây nguy hiểm cho kế hoạch của chính phủ.

Bộ Y tế Pháp thông tin, toàn nước Pháp ghi nhận 4.239 ca bệnh đang phải điều trị trong phòng chăm sóc đặc biệt, tăng hơn 20 ca trong vòng 24h qua và thiết lập mức cao nhất trong vòng 4 tháng trở lại đây. Tổng số bệnh nhân phải nhập viện vì căn bệnh này đã tăng thêm 23 người lên thành mức 25.492 bệnh nhân, mức cao kể từ ngày 24/2.

Cũng theo số liệu cập nhật, số người tử vong do đại dịch COVID-19 ở Pháp tăng 408 người lên mức 91.170 ca, đánh dấu là nước có số ca tử vong do đại dịch cao thứ 7 thế giới. Số bệnh nhân tử vong trung bình trong 1 tuần là 267 người.

Với 4,11 triệu người xác nhận nhiễm COVID-19 kể từ khi dịch bùng phát, Pháp là nước có số ca nhiễm cao thứ 6 trên thế giới.

Cũng trong diễn biến về tình dịch dịch bệnh trên thế giới, thủ đô Manila của Philippines sẽ mở rộng lệnh cấm trẻ vị thành viên rời khỏi nơi cư trú trong 2 tuần, trong đó bao gồm thanh niên từ 18 tuổi trở xuống. Quy định bắt đầu có hiệu lực từ ngày 17/3 nhằm thắt chặt các hạn chế phòng chống dịch để giải quyết một đợt lây nhiễm mới.

Chỉ những người từ 18 - 65 tuổi mới được phép ra khỏi nhà của họ, Cơ quan Phát triển đô thị Manila cho biết trong 1 tuyên bố có nội dung trích dẫn thỏa thuận với các thị trưởng.

Trước đó, Philippines vào cuối năm 2020 đã bắt đầu nới lỏng một trong số những lệnh phong tỏa áp dụng dài ngày nhất và nghiêm ngặt nhất thế giới thông qua quy định bất kỳ ai dưới 15 tuổi đều phải ở nhà.

Động thái được triển khai trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này đã chứng kiến sự gia tăng về số ca nhiễm mới trong tháng này, cụ thể là ghi nhận mức tăng hằng ngày lớn nhất kể từ tháng 8 vào ngày 15/3, với 5.404 trường hợp.

Lệnh áp dụng giờ giới nghiêm vào ban đêm cũng được áp dụng trở lại từ đầu tuần này và sẽ kéo dài trong 2 tuần đối với thủ đô Manila, nhất là khi đây là điểm nóng về đại dịch COVID-19 ở đất nước và cũng là nơi sinh sống của hơn 12 triệu người. Các biện pháp bổ sung như cấm rượu và đóng cửa cục bộ một số khu vực có tỷ lệ lây nhiễm cao cũng đã được đưa ra.

Trong một diễn biến có liên quan, kết quả của một nghiên cứu mới triển khai ở Israel chỉ ra rằng phụ nữ mang thai được tiêm chủng vaccine COVID-19 có thể mang lại sự bảo vệ cho con của họ.

Nói một cách rõ ràng hơn, các kháng thể đã được phát hiện ở tất cả 20 phụ nữ được tiêm chủng đầy đủ 2 liều vaccine của Pfizer/BioNTech trong 3 tháng cuối của thai kỳ và cả trẻ sơ sinh bằng cách truyền qua đường nhau thai.

Nhờ đó, những chuyên gia thực hiện bài nghiên cứu cũng khẳng định: “Những phát hiện của chúng tôi nhấn mạnh rằng việc tiêm phòng cho phụ nữ mang thai có thể bảo vệ các bà mẹ và trẻ sơ sinh khỏi nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2”.

Đan Lê (Lược dịch từ CNA & Worldmeters)