Bệnh khảm lá sắn xuất hiện trên một số diện tích trồng xen cây đậu ở Phong Điền, Hương Trà

Tiếp tục thiệt hại

Sau khi tiến hành tiêu hủy, thu hoạch những diện tích sắn còn sót lại, từ đầu tháng 1/2021 đến nay, các vùng trồng sắn bị dịch bệnh khảm lá trước đây tiếp tục triển khai trồng vụ mới. Tuy mới xuống giống 1 đợt nhưng dịch bệnh đã xuất hiện ở các địa phương Phong Điền, Hương Trà, A Lưới khiến nông dân gặp nhiều khó khăn.

Trên các cánh đồng trồng chuyên cây sắn và xen ghép với đậu ở nhiều địa phương ở Phong Điền, Hương Trà, đa số diện tích đã bị nhiễm bệnh với mặt lá cây sắn bị quăn, vàng loang lổ. Nông dân vẫn chưa tiến hành tiêu hủy cây sắn bị bệnh như niên vụ trước.

Ông Hoàng Ngọc Điền (TDP, Tân Lập, thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền) cho biết, vụ sắn năm 2020 gia đình thuê đất ở xã Phong Hiền trồng 8 ha sắn thì 2 ha đã bị bệnh khảm lá với tỷ lệ thiệt hại trên 70%, đã tiến hành tiêu hủy theo quy định và nhận được sự hỗ trợ của địa phương.

Niên vụ năm 2021, theo khuyến cáo, gia đình không sử dụng hom giống tại địa phương nữa mà chuyển qua sử dụng nguồn giống của Nhà máy tinh bột sắn Phong An cung cấp (nguồn giống từ Tây Ninh), tiếp tục triển khai trồng 8 ha trên vùng đất Phong Hiền.

Tuy nhiên, đến nay đã có gần 7 ha bị nhiễm bệnh với tỷ lệ từ 50-70%. Dịch bệnh khảm lá đang tiếp tục lây lan đối với diện tích còn lại; nếu không có biện pháp xử lý kịp sẽ mất trắng toàn bộ diện tích.

“Hiện cây đạt kích thước từ 8-10cm, đã xuống phân đợt 1, cứ bình quân mỗi bó hom giống (từ 15-20 hom) có giá 18 nghìn đồng, 1ha sắn có tổng chi phí trên 12 triệu đồng. Niên vụ năm nay nông dân chúng tôi tiếp tục bị thua lỗ nặng”, ông Điền nói.

Triệu chứng đặc trưng dễ nhận biết của bệnh khảm lá sắn là khảm vàng loang lổ trên lá, mức độ hại nặng làm cho lá sắn xoăn, cong queo

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Hiền thông tin, vụ sắn 2021 địa phương trồng 217 ha (giảm khoảng 80 ha so với năm 2020), đến nay theo thống kê bước đầu có khoảng 50% diện tích cây sắn bị nhiễm bệnh khảm lá với tỷ lệ bệnh từ 50-60%, một số diện tích người dân đã tiến hành nhổ bỏ theo khuyến cáo của địa phương.

Theo ông Dũng, những diện tích sắn nhổ bỏ từ đầu vụ khi thời tiết chưa nắng nóng, đất còn ẩm ướt có thể chuyển qua trồng đậu, ngô và các loại cây khác. Tuy nhiên, những diện tích tiến hành nhổ bỏ hiện nay thì không trồng được cây gì nữa nên đành bỏ hoang khoảng 30ha. Người dân sử dụng nguồn giống tại địa phương, từ nhà máy tinh bột sắn ở Hải Lăng và ở Phong An đều xảy ra dịch bệnh.

“Về kỹ thuật thì cần cơ quan bảo vệ thực vật thẩm định. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của địa phương thì niên vụ 2021 này nguồn giống lấy từ địa phương ít dịch bệnh hơn các giống mới mang từ các nơi về. Có thể dịch bệnh tồn tại trong đất nên rất khó xử lý”, ông Dũng cho biết.

Việc tiêu hủy chậm diện tích bị nhiễm bệnh khảm lá sắn có thể gây nguy cơ dịch bùng phát diện rộng

Tiêu hủy chậm

Theo Sở NN&PTNT, năm 2021 bệnh khảm lá sắn tiếp tục gây hại tại các huyện thị Phong Điền, A Lưới, Hương Trà với tổng diện tích nhiễm bệnh khoảng hơn 1.000 ha. Trong đó, huyện Phong Điền hơn 588 ha, Hương Trà 405 ha, A Lưới 10 ha với tỷ lệ nhiễm bệnh dưới 30%: 10 ha; từ 30-70%: 319 ha và trên 70%: 668 ha. Nguyên nhân chủ yếu do sử dụng nguồn giống bị nhiễm bệnh từ vụ trước để trồng.

Tình hình diễn biến bệnh khảm lá sắn khá phức tạp, tuy nhiên đến nay công tác tiêu hủy ở các địa phương diễn ra khá chậm với diện tích tiêu hủy mới được 6,5 ha. Theo đánh giá của các cơ quan chức năng với việc tiến hành tiêu hủy cây sắn nhiễm bệnh chậm, nguồn bệnh đang tồn đọng trong các vùng trồng sắn trong điều kiện thời gian tới sẽ có thời tiết nắng nóng, nhiệt độ cao thì bọ phấn trắng (môi giới truyền bệnh) sẽ phát sinh gây hại. Dự báo nguy cơ bệnh khảm lá sắn tiếp tục phát tán, lây lan cho các vùng chưa nhiễm bệnh, diện tích bị hại sẽ tăng, gây nguy cơ mất trắng nhiều diện tích trồng sắn.

Ông Trương Văn Giang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, đơn vị đã ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương tăng cường phòng trừ bệnh khảm lá sắn năm 2021.Trong đó, chỉ đạo khẩn trương nhổ bỏ cây sắn nhiễm bệnh, tiêu hủy bằng cách chất đống để đốt hoặc chôn lấp tiêu hủy nguồn bệnh; tăng cường kiểm tra, kiểm soát nguồn bệnh ngay sau khi trồng nhằm phát hiện sớm, khoanh vùng diện tích bị nhiễm bệnh.

Sở NN&PTNT chỉ đạo các địa phương, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tăng cường kiểm tra nhằm phát hiện sớm bệnh khảm lá sắn nhằm chủ động thống kê, khoanh vùng diện tích nhiễm bệnh để chỉ đạo nhổ bỏ tiêu hủy tránh lây lan. Có biện pháp quản lý, phòng trừ bọ phấn trắng môi giới truyền bệnh có hiệu quả, phù hợp với điều kiện các địa phương; nghiên cứu, tìm hiểu về cơ chế lây truyền bệnh khảm lá sắn ngoài hom giống và bọ phấn trắng để bổ sung vào quy trình phòng trừ và kiểm tra. Đôn đốc các địa phương thực hiện biện pháp tiêu hủy, phòng trừ bệnh đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, thực hiện tốt công tác kiểm dịch nội địa để ngăn chặn, xử lý các trường hợp vận chuyển mua bán giống sắn từ vùng dịch bệnh sang vùng khác chưa nhiễm bệnh hoặc từ các tỉnh khác về trên địa bàn.

Bệnh khảm lá sắn có tên khoa học là Sri Lanka Cassava Mosaic Virus (SLCMV), bệnh lây truyền qua môi giới là bọ phấn trắng (Bemisiatabaci) và qua hom giống lấy từ cây bị bệnh. Đây là bệnh nguy hiểm và khó phòng trừ. Triệu chứng đặc trưng dễ nhận biết của bệnh khảm lá sắn là khảm vàng loang lổ trên lá, mức độ hại nặng làm cho lá sắn xoăn, cong queo, bệnh hại nặng làm giảm năng suất nghiêm trọng.

Bài, ảnh: Hà Nguyên