Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP), Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng; lãnh đạo các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố tham dự tại các đầu cầu truyền hình trực tuyến.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 5 năm hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng

Kết luận Hội nghị, nhắc lại lý do thành lập Tổ công tác, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ, đầu nhiệm kỳ này, nhiều vấn đề đặt ra như kỷ luật, kỷ cương hành chính, đặc biệt là chậm xử lý công việc cho người dân, doanh nghiệp. Nhiều cơ chế chính sách chậm đi vào cuộc sống, nhiều tầng, nấc trung gian gây cản trở sự phát triển. Niềm tin của người dân, của doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

 “Khắc phục tình trạng “bắn chỉ thiên”, “trên bảo dưới không nghe”, “phép vua thua lệ làng” và với tinh thần thắt chặt kỷ cương phép nước, Thủ tướng đã quyết định thành lập Tổ công tác cùng với những biện pháp khác để giải quyết ách tắc, để cởi trói cho sản xuất, không để các cơ quan chậm trễ, không bỏ quên, bỏ sót việc, làm cản trở sự phát triển. Trong đó, có một việc rất khó là cắt bỏ thủ tục bởi việc này liên quan đến cắt bỏ quyền lợi, lợi ích cá nhân, cục bộ. Vì vậy, tại các phiên họp Chính phủ thường kỳ hằng tháng, Chính phủ đều nghe Tổ công tác báo cáo kết quả hoạt động để xem xét, quyết định xử lý các vấn đề đặt ra như sửa các văn bản, cắt bỏ các thủ tục…

Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao kết quả của Tổ công tác, trong 5 năm qua, đã tiến hành 104 cuộc kiểm tra với 22 bộ, cơ quan ngang bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ, 44 địa phương, 12 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. “Nhìn chung, Tổ công tác hoàn thành khá toàn diện cả 6 nhiệm vụ được giao trong Quyết định 1642 và 1289”, với tinh thần quyết liệt, không ngại va chạm.

Việc thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao chuyển biến rất tích cực, đặc biệt tình trạng nợ đọng nhiệm vụ được chấn chỉnh. Đến nay, số nhiệm vụ quá hạn chỉ chiếm 1,8%, giảm gần 25% so với thời điểm Tổ công tác thành lập. Cả nhiệm kỳ Chính phủ, số đề án chưa trình chỉ chiếm 0,5%, chỉ bằng 1/4 so với cuối nhiệm kỳ trước.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên Tổ công tác

Hoạt động của Tổ công tác đã được Hội nghị Trung ương 6 khóa XII đánh giá: “Việc thành lập Tổ công tác của Thủ tướng là cần thiết, Tổ hoạt động quyết liệt, không ngại va chạm đem lại hiệu quả tích cực. Đây là điểm sáng nhất cần phải đánh giá rõ và nhấn mạnh hơn…”.

Chính công tác kiểm tra đã góp phần ngày càng hoàn thiện thể chế, chính sách, khắc phục một phần quan trọng tình trạng “tham nhũng chính sách”, tư tưởng “cài cắm”, tạo rào cản, giấy phép con gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Điều đáng mừng nữa là tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết được khắc phục. Đến 13/3/2021, chỉ còn nợ đọng 14 văn bản của năm 2020 (trong khi đó, cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII, Chính phủ nợ 58 văn bản; cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, Chính phủ nợ 39 văn bản). Thủ tướng nhấn mạnh việc phấn đấu không còn văn bản quy định chi tiết nợ đọng trước khi khai mạc kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV vào ngày 24/3/2021. Hoạt động của Tổ công tác đã lan tỏa hiệu ứng tích cực đến nhiều bộ, cơ quan, địa phương khác trong việc thực hiện nhiệm vụ giao.

Cho rằng càng làm thủ công, càng tiếp xúc trực tiếp giữa cơ quan Nhà nước với người dân, doanh nghiệp thì càng dễ xảy ra tiêu cực, Thủ tướng đánh giá cao Tổ công tác đã áp dụng công nghệ trong quá trình xử lý.

Thủ tướng tặng Tổ công tác “8 chữ” là “Quyết liệt, Kịp thời, Hiệu quả, Thực chất”.

Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý, nhiệm vụ quan trọng nhất của VPCP là xây dựng, đôn đốc, kiểm tra thực hiện chương trình hành động, chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ làm việc có tốt không, có hiệu quả không là do triển khai công tác. Mọi việc cần chủ động, khoa học, phù hợp với thực tiễn diễn ra, ứng phó kịp thời với thay đổi của đời sống xã hội, có trọng tâm, trọng điểm, quyết liệt, quyết tâm cao. Tổ công tác phải tập trung vào nhiệm vụ quan trọng, chính yếu này.

Tổ công tác tại nhiều bộ, cơ quan, địa phương chỉ dừng lại ở mức độ kiểm tra theo đầu việc, kiểm đếm công việc, theo dõi tiến độ mà chưa kiểm tra, đánh giá chất lượng, kết quả thực hiện theo yêu cầu đề ra. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều trường hợp vẫn còn hình thức, chưa thực chất, đối phó.

Tổ công tác không phải là cấp trên của các bộ, ngành, địa phương mà chỉ được ủy quyền của Thủ tướng trong việc kiểm tra, đôn đốc, phát hiện. Vì thế, Tổ công tác không làm thay chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành. Trong quá trình này, cần hợp tác thân thiện, thẳng thắn, cùng phối hợp xử lý công việc chung.

Thủ tướng nêu rõ, cần tăng cường phương thức lãnh đạo, có chủ trương đúng, việc tổ chức thực hiện là quan trọng nhưng nếu thiếu kiểm tra, đôn đốc thì kết quả chưa tốt. Bác Hồ từng nói: “Không có kiểm tra, giám sát thì coi như không có lãnh đạo”. Do đó, kiểm tra, đôn đốc là nhiệm vụ rất quan trọng, cần được phát huy hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới của mọi cấp, mọi ngành. “Chủ trương 1, biện pháp 10 thì kiểm tra, đôn đốc 20 thì mới thành công”.

Thành quả của chúng ta chỉ là bước đầu quan trọng, không phải say mê với thành tích mà chưa thấy những bất cập, tồn tại của đất nước, của xã hội, kể cả Tổ công tác, Thủ tướng lấy ví dụ vẫn còn tình trạng trì trệ trong công việc, sự lạc hậu của một số thể chế chính sách.

Thủ tướng đề nghị các bộ, các cơ quan, địa phương không được chủ quan, không được sớm bằng lòng với kết quả đạt được, phải tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao với tinh thần quyết liệt, không để nợ đọng nhiệm vụ.

Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ tiếp tục đề cao vai trò, trách nhiệm, có giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản pháp luật để không nợ đọng. Không để tình trạng chồng chéo, vướng mắc trong thể chế hiện hành, không để ban hành sai những thể chế kìm hãm sự phát triển.

Tất cả các bộ, cơ quan, địa phương trên cả nước có những giải pháp cụ thể thúc đẩy và nâng cao hoạt động của Tổ công tác của Bộ, cơ quan, địa phương trong đôn đốc, kiểm tra thực hiện nhiệm vụ, tiếp tục đổi mới phương thức.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác, qua 5 năm hoạt động, những nỗ lực của Tổ công tác đã tác động, góp phần tạo chuyển biến quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ; kỷ luật, kỷ cương được nâng cao. Tổ trưởng Tổ công tác đã nêu 5 chuyển biến sau 5 năm hoạt động của Tổ công tác.

Kết quả thực hiện nhiệm vụ giao, các đề án trong Chương trình công tác được cải thiện rất tích cực.

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế chuyển biến rõ rệt cả về phương pháp tiếp cận lẫn tiến độ trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Kịp thời kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ thực chất nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, của người dân và doanh nghiệp.

Cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử được thúc đẩy mạnh mẽ. Qua đó, đã góp phần tích cực tạo sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức và hành động của các bộ, cơ quan, địa phương, cắt giảm hàng nghìn thủ tục hành chính; thay đổi lề lối và phương thức làm việc, chuyển mạnh từ thủ công sang môi trường điện tử cung cấp dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Việc đưa vào vận hành 4 hệ thống thông tin nền tảng của Chính phủ điện tử đã mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp; giúp cắt giảm 16.200 tỷ đồng/năm chi phí xã hội (theo cách tính của OECD).

Công tác phối hợp chuyển biến tích cực. Qua hoạt động của Tổ công tác, việc phối hợp giữa VPCP với các bộ, cơ quan, địa phương ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn; nhiều nhiệm vụ khó, phức tạp, cấp bách được giải quyết, xử lý kịp thời. Các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp được tiếp nhận và đề xuất giải pháp tháo gỡ kịp thời.

Tổ trưởng Tổ công tác cho biết, qua 5 năm hoạt động, Tổ công tác luôn đề cao tinh thần trách nhiệm, có nhiều đổi mới, sáng tạo và đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được Thủ tướng giao; nhiều lần được Thủ tướng khen ngợi, động viên, được sự ủng hộ của người dân, doanh nghiệp. Hoạt động của Tổ công tác vừa có tác động lan tỏa mạnh mẽ; vừa tạo áp lực, thúc đẩy các cơ quan, địa phương quyết liệt hơn, ý thức trách nhiệm cao hơn trong thực thi nhiệm vụ.

Học tập sáng kiến của Thủ tướng và kinh nghiệm hoạt động của Tổ công tác, 22 bộ, 63/63 địa phương đều đã thành lập Tổ công tác để theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cũng như nhiệm vụ được lãnh đạo bộ, địa phương giao.

Từ thực tiễn hoạt động và kết quả đạt được, Tổ trưởng Tổ công tác kiến nghị Thủ tướng tiếp tục quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện để Tổ công tác tiếp tục phát huy hiệu quả, có nhiều đóng góp tích cực hơn nữa trong thời gian tới. 

Theo VPCP