Sản phẩm bảo vệ môi trường của Trường THPT A Lưới

Hưởng ứng và lan tỏa

Từ năm học 2011 - 2012,  Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai hoạt động nghiên cứu khoa học của học sinh trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT) và tổ chức cuộc thi KHKT cấp quốc gia dành cho học sinh trung học (VISEF) thu hút hàng ngàn học sinh tham gia. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã cử học sinh tham dự cuộc thi KHKT quốc tế (Intel ISEF). Các cuộc thi, triển lãm quốc tế về sáng tạo KHKT và thu được những kết quả khả quan. Hằng năm, học sinh Thừa Thiên Huế đều tham gia cuộc thi quốc gia và đều đạt giải cao.

Hưởng ứng cuộc thi quốc gia, ngay từ năm học 2009 - 2010, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức cuộc thi KHKT cấp tỉnh. Cuộc thi nhằm khuyến khích học sinh nghiên cứu, sáng tạo khoa học, công nghệ kỹ thuật, vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn. Không chỉ các trường ở Huế hay các vùng điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, cuộc thi lan tỏa và được sự hưởng ứng tích cực, rộng khắp của học sinh toàn tỉnh.

“Câu lạc bộ nhà khoa học trẻ” Trường THCS Phong Hoà (Phong Điền) được thành lập cách đây vài năm, là một trong số những nhân tố nổi bật qua phong trào hưởng ứng cuộc thi KHKT. Thầy giáo Nguyễn Văn Khuyên, Chủ nhiệm câu lạc bộ, cho biết: Các em đăng ký tham gia khá đông, đơn giản là đam mê nghiên cứu khoa học, muốn khám phá những gì đang diễn ra xung quanh bởi phòng thực hành thường thiếu trang thiết bị. Từ những cô cậu khá rụt rè, các em chủ động đề xuất đề tài, xây dựng định hướng nghiên cứu, thu thập, xử lý dữ liệu… gắn với thực tiễn và phù hợp với điều kiện nghiên cứu trong trường học.

Từ thực tế ở Thừa Thiên Huế, ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo nhận xét: Cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học thực sự là một sân chơi khoa học, trí tuệ vô cùng bổ ích, hấp dẫn, thu hút sự chú ý của đông đảo học sinh và giáo viên đam mê khoa học. Đối với học sinh, sản phẩm dự thi KHKT là sự cụ thể hóa xu hướng “học đi đôi với hành”, là năng lực vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết các vấn đề thực tiễn, nhân rộng các mô hình, giải pháp khoa học, công nghệ tiên tiến có tính ứng dụng cao phục vụ nhu cầu thiết thực trong học tập và đời sống.

4 dự án - 4 niềm hy vọng

Vòng chung kết cuộc thi KHKT học sinh trung học toàn quốc năm học 2020 - 2021 được tổ chức tại Huế có 70 đoàn, mỗi đoàn có 10 người tham dự. Là đơn vị đăng cai, tỉnh Thừa Thiên Huế tích cực chuẩn bị trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Dự kiến, những tỉnh chưa khống chế được dịch sẽ tổ chức bằng hình thức thi trực tuyến. Theo ông Nguyễn Tân, cuộc thi KHKT học sinh trung học toàn quốc là dịp để giáo viên và học sinh trực tiếp mục sở thị sản phẩm dự thi của các tỉnh, thành hội tụ về Huế, là cơ hội để giáo dục và đào tạo Thừa Thiên Huế phát triển nhanh và tiến xa hơn trên nhiều phương diện.

Cùng với Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế được chọn 4 dự án tham gia. Trước đó vào 17/1, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức thành công cuộc thi KHKT học sinh trung học năm học 2020 - 2021 và đã chọn 4 dự án xuất sắc, có tính thực tiễn cao tham gia vòng chung kết. Chúng tôi có dịp gặp em Lê Ngọc Thanh Mai, học sinh lớp 9/1 Trường THCS Nguyễn Tri Phương với sáng chế “Thiết bị kiểm tra và giám sát sức khỏe thông minh phòng chống COVID-19 theo công nghệ IOT và diệt khuẩn NANO”.

Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đã thúc đẩy Thanh Mai thực hiện dự án. Em đã làm được sản phẩm tích hợp đa năng (phát hiện, nhắc nhở người không đeo khẩu trang, rửa tay, kiểm tra nhiệt độ cơ thể, đo nồng độ oxy trong máu) mà không cần tiếp xúc trực tiếp với người kiểm tra sức khỏe. Cô giáo Nguyễn Thị Thương Huyền, cùng nghiên cứu, chia sẻ: “Mai rất chịu khó học hỏi, biết lắng nghe lại có khả năng thẩm thấu vấn đề nhanh, đó chính là tố chất của người làm khoa học”. Với Mai, giải nhất cuộc thi ở cấp tỉnh đã động viên em rất nhiều, là động lực để em chuẩn bị cho cuộc thi cấp Quốc gia.

Đánh giá về cuộc thi cấp tỉnh, đặc biệt là 4 dự án dự vòng chung kết toàn quốc năm nay, ông Nguyễn Tân cho rằng, với hỗ trợ của Đại học Huế, các sản phẩm thể hiện ý tưởng mới mẻ của học sinh, phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện tăng cường các hoạt động về giáo dục môi trường, phòng chống COVID-19 và ứng dụng công nghệ thông tin trong thời kỳ chuyển đổi số để nâng cao chương trình giáo dục đào tạo. Đề tài gắn đến đời sống hàng ngày nếu được đưa vào thực tiễn sẽ rất khả thi, giúp các doanh nghiệp có hướng đi, đổi mới phương thức trong cách quản lý. Thừa Thiên Huế phấn đấu có tên vào danh sách các dự án đạt giải tại cuộc thi toàn quốc tổ chức ở Huế và qua đó, tham gia cuộc thi quốc tế.

Bốn dự án dự thi của học sinh Thừa Thiên Huế

1.  “Kích thích tư duy toán học thông qua hệ thống bài tập hình học và trò chơi được thiết kế bằng phần mềm Scratch” của Huỳnh Đăng Khoa và Lê Anh Châu (Trường THCS Nguyễn Tri Phương)

2. “Thiết bị kiểm tra và giám sát sức khỏe thông minh phòng chống COVID-19 theo công nghệ IOT và diệt khuẩn nano” của Lê Ngọc Thanh Mai (Trường THCS Nguyễn Tri Phương).

3. “Bộ thiết bị chuyển đổi màn hình thường thành màn hình cảm ứng” của Nguyễn Cao Diên Khang (Trường THPT Hai Bà Trưng).

4. “Nghiên cứu hoạt tính sinh học dịch chiết ốc kèn láng Hemifusus closseus (Lanmarck/2822) phân bố ở vùng biển Thừa Thiên Huế” của Trần Ngọc Anh Thư (Trường THPT chuyên Quốc Học).

Bài, ảnh: Huế Thu