Vietcombank tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ khách hàng

Lãi suất huy động tăng nhẹ

Trước thông tin tích cực về kiểm soát dịch COVID-19, nhiều địa phương đã bắt đầu triển khai tiêm vắc xin ngừa COVID-19, các doanh nghiệp (DN) cũng bắt tay tái cấu trúc DN trong tình hình mới, mở ra kỳ vọng phục hồi kinh tế trong những tháng đầu năm. Nhiều ngân hàng đồng loạt điều chỉnh lãi suất huy động nhằm hút dòng vốn nhàn rỗi phục vụ mục tiêu dài hạn.

Sau nhiều tháng sụt giảm liên tiếp, biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại quầy của Ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) Kỹ thương Việt Nam (Techcombank)- Chi nhánh Thừa Thiên Huế áp dụng từ tháng 3 tăng phổ biến ở mức tăng từ 0,4 đến 0,7 điểm % so với một tháng trước. Theo đó, khách hàng thường dưới 50 tuổi gửi tiết kiệm sẽ được hưởng lãi suất trong khoảng từ 2,75%/năm đến 7,1%/năm, tăng 0,2 đến 0,5 điểm % lãi suất tại tất cả các kỳ hạn 1 đến 8 tháng và tăng 0,1 điểm % đối với kỳ hạn từ 12 tháng đến 35 tháng so với tháng 2.

Tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank)- Chi nhánh Thừa Thiên Huế đầu tháng 3/2021, lãi suất tiết kiệm không có sự thay đổi so với tháng trước, với khung lãi suất tiền gửi lĩnh lãi cuối kỳ duy trì từ 3%/năm đến 6,95%/năm khi gửi tiền tại kỳ hạn từ 1 đến 36 tháng. Tuy nhiên từ ngày 12/3, ngân hàng này đã điều chỉnh lãi suất huy động theo hướng tăng. Cụ thể, tại kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng lãi suất được huy động lần lượt ở mức là 3,1%/năm và 3,3% tăng 0,2 điểm %; kỳ hạn từ 3 đến 5 tháng và 6 đến 8 tháng đều được điều chỉnh tăng 0,2 điểm % so với tháng 2 lần lượt là 3,4% và 4,8%. Các kỳ hạn khác cũng được Sacombank điều chỉnh tăng trung bình từ 0,1 đến 0,3 điểm %.

Cũng trong đà tăng, một số ngân hàng như: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank)-Chi nhánh Thừa Thiên Huế, TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank)- Chi nhánh Huế… cùng điều chỉnh lãi suất huy động tăng 0,3 điểm % đối với kỳ hạn 6 tháng và tăng lần lượt 0,7 điểm % và 0,9 điểm % đối với kỳ hạn 12 tháng.

Theo Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Thừa Thiên Huế, lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng đang có xu hướng giảm những phiên gần đây. Hiện, lãi suất VND bình quân qua đêm trên liên ngân hàng chỉ còn 0,29%/năm, thay vì mức phổ biến quanh 0,35%/năm đầu tháng 3. Các kỳ hạn 1 và 2 tuần cũng đã giảm dưới mốc 0,5%/năm. Lãi suất liên ngân hàng giảm chứng tỏ cân đối thanh khoản và nguồn của các ngân hàng đã thuận lợi hơn, dòng tiền dần trở lại hệ thống sau mùa cao điểm thanh toán. Điều này kỳ vọng, lãi suất trên thị trường sẽ tiếp tục không tăng đột biến.

Các chính sách hỗ trợ khách hàng vẫn được triển khai

Ngoài điều chỉnh tăng lãi suất huy động, đón dòng vốn nhàn rỗi phục vụ tốt hơn mục tiêu vay vốn tái đầu tư DN, các ngân hàng, nhất là ngân hàng TMCP vẫn triển khai hàng loạt chính sách hỗ trợ khách hàng.

Theo đó, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Vietcombank quyết định giảm đồng loạt lãi suất tiền vay cho toàn bộ dư nợ vay hiện hữu và cho vay mới của khách hàng trong thời gian 3 tháng từ 22/2/2021 đến 22/5/2021. Cụ thể, khách hàng DN sẽ được giảm 10% số tiền lãi phải trả ngân hàng cho các khách hàng bị ảnh hưởng tiêu cực mức độ mạnh bởi dịch COVID-19 và giảm 5% số tiền lãi phải trả ngân hàng cho các khách hàng còn lại bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Khách hàng cá nhân cũng được giảm lãi suất 0,2%/năm cho các khách hàng cá nhân vay vốn sản xuất kinh doanh trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hiền, Phó Giám đốc Vietcombank - Chi nhánh Huế thông tin, Vietcombank - Chi nhánh Huế đã triển khai rà soát, đánh giá, cắt giảm lãi suất cho 196 khách hàng với tổng số tiền lãi được giảm lên tới trên 180 triệu đồng trong tháng 3. Ngoài ra, Vietcombank cũng triển khai các chương trình miễn, giảm các loại phí nhằm hỗ trợ tốt nhất cho khách hàng của Vietcombank.

Miễn, giảm các loại phí cũng là giải pháp mà Ngân hàng TMCP Công thương (Vietinbank) đang triển khai nhằm hỗ trợ tốt nhất cho khách hàng nhất là khách hàng DN. Hiện, Vietinbank đang triển khai 2 chương trình ưu đãi giảm đồng loạt 20 loại phí cho khách hàng DN. Theo đó, Vietinbank miễn 100% phí giao dịch kênh ngân hàng điện tử Vietinbank eFAST; phí chuyển khoản VND trong và ngoài hệ thống; phí chi lương; phí nộp ngân sách Nhà nước; phí đăng ký, duy trì Vietinbank eFAST…

Dù được đánh giá là tình hình kinh tế đang dần phục hồi, song DN vẫn cần nhiều hơn các chính sách hỗ trợ từ phía ngân hàng để phát triển kinh tế. Trong đó, duy trì mặt bằng lãi suất ưu đãi, miễn, giảm phí, lãi vay… sẽ phần nào giúp DN đứng dậy sau khi “ngộ độc” bởi dịch COVID-19. Như cách nói của các chuyên gia kinh tế: “Hỗ trợ DN cũng là cách các ngân hàng tự giúp chính mình”...

Bài, ảnh: HOÀNG LOAN